UBND thành phố Hà Nội vừa có Quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản - thương mại Vĩnh Hưng và Công ty TNHH Hòa Bình cùng hợp tác đầu tư thực hiện dự án Nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng tại quận Hoàng Mai. Trong khi hàng triệu người thu nhập thấp, đối tượng chính sách vẫn mong mỏi từng ngày sở hữu một ngôi nhà giá rẻ để an cư lạc nghiệp, nhu cầu về nhà ở xã hội luôn là điểm nóng, được dư luận quan tâm, PV Nhịp sống Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Đường – Chủ tịch Công ty TNHH Hòa Bình về vấn đề này.
500 ngày làm thủ tục mới được cấp chủ trương đầu tư đã có quy hoạch từ năm 2015
PV: Thưa ông, những nút thắt, điểm nghẽn về thủ tục, cơ chế, nguồn vốn… đang khiến mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội của Chính phủ gặp thách thức không nhỏ, ở góc độ là một doanh nghiệp luôn mong mỏi xây dựng nhà ở xã hội từ nhiều năm nay, ông có thể chia sẻ gì về điều này?
Xin phép cho tôi nói thẳng, điểm nghẽn lớn nhất theo tôi không phải là cơ chế hay nguồn vốn mà chính là ở tư duy của nhà quản lý. Hòa Bình có 2 khu đất sạch ở Q.Hoàng Mai, Hà Nội. Các khu đất này đã có sổ đỏ, có hợp đồng thuê đất, hàng năm đóng tiền đầy đủ nhưng cũng phải mất đến hơn 500 ngày mới được cấp chủ trương đầu tư cho một khu đất. Khu còn lại vẫn chưa được cấp chủ trương đầu tư.
Vấn đề của doanh nghiệp là từ ngày 30/12/2011, chúng tôi đã gửi hồ sơ xin xây nhà ở xã hội tại hai khu đất này. Thực tế, hai khu đất nếu nhà ở thương mại thì giá trị rất lớn nhưng vì nhà ở thương mại hiện nay đang quá thừa, tất nhiên dư thừa vì giá nó quá cao, hơn nữa trong nội thành Hà Nội hiện nay không còn đất nữa.
Vì thế, Hà Nội có hàng nghìn các toà nhà ở thương mại trong khi nhà ở xã hội lại không có. Khúc mắc chính là từ vấn đề nhà ở xã hội khi thủ tục xin tưởng như rất đơn giản vì đã được quy định trong Luật Nhà ở là 20 ngày khi nhận đủ hồ sơ UBND phải chấp thuận chủ trương đầu tư và chỉ định nhà đầu tư. Bản thân các Sở ban ngành Hà Nội nói chung cũng đã rất nhiệt tình ủng hộ vì chủ trương của thành phố là kêu gọi khuyến khích các nhà đầu tư ngoài quốc doanh làm nhà ở xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, khi việc xin cấp chủ trương đầu tư kéo quá dài, tôi cũng có lúc nghĩ phải chăng do hai khu đất này là hai khu đất kim cương vì thế các nhà quản lý không muốn làm nhà ở xã hội mà muốn làm nhà ở thương mại để một là thu được tiền sử dụng đất, hai là có quan niệm nhà ở xã hội chỉ dành cho đối tượng thu nhập thấp.
Trong Luật Nhà ở, nhà ở xã hội là dành cho công chức viên chức trong cả hệ thống chính trị bao gồm người lao động các ngành nghề, giáo viên, bác sĩ, nhà văn, nhà khoa học... Trong quy định 10 tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội đều có hết. Còn thực tế nhà ở thương mại không dành cho đối tượng này.
Cuối cùng ngày 24/5/2023, chúng tôi đã được cấp một dự án, vẫn còn một dự án chưa được cấp. Đến hiện tại không phải là 500 ngày nữa mà đã là 515 ngày.
Điều đáng nói là ngay ở dự án chúng tôi vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư là để xây dựng “công trình nhà ở xã hội cao tầng: Mật độ xây dựng khối đế khoảng 66%, khối tháp khoảng 60%; tầng cao khoảng 31 tầng. Quy mô dân số tối đa khoảng 1.154 người”, trong khi quy mô sử dụng khoảng đất 4.516m2 này thuộc ô quy hoạch F1/HH6 theo Quy hoạch phân khu đô thị H2-4 đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 6499/QĐ-UBND ngày 27/11/2015 thì mật độ tối đa là 70%; chiều cao tối đa 35 tầng và quy mô dân số tối đa là 9.500 người. Tôi không hiểu vì sao để được chấp thuận một chủ trương đầu tư thấp hơn so với quy hoạch từ năm 2015 mà chúng tôi lại phải đợi đến 500 ngày, gấp hơn 25 lần theo quy định cấp chủ trương đầu tư của Luật Nhà ở (!)
Tôi đã có đề nghị với Quốc hội yêu cầu phải tuân thủ các quy định của Luật. Khi tuân thủ rồi thì doanh nghiệp và người dân mới bỏ ra nhiệt huyết và tiền của để xây dựng và phát triển, tạo ra thu nhập cho gia đình, cho doanh nghiệp và đồng thời đóng góp cho xã hội.
Xây nhà ở xã hội, Nhà nước thu được khoản tiền rất lớn
PV: Tại một tọa đàm mới đây nhằm tháo gỡ điểm nghẽn nhà ở xã hội, ông có chia sẻ “nếu làm nhà ở thương mại diện tích xây dựng khoảng 150.000 m2, sẽ có lời khoảng 2.500 tỉ. nhưng làm nhà ở xã hội chỉ lời được khoảng 10%, tính ra lãi 200 tỷ”, phải chăng đây là lý do các địa phương và phần lớn doanh nghiệp xây dựng không mặn mà với việc xây nhà ở xã hội?
Theo thống kê và tìm hiểu sơ bộ với tư cách một doanh nghiệp xây dựng và người kinh doanh bất động sản, tôi được biết cả nước có khoảng 20 triệu người trong tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội, chủ yếu là những người thu nhập thấp, đang làm việc trong hệ thống chính trị. Ví dụ như người lao động tại các UBND phường, xã ; các Sở, ban ngành; các văn phòng của các Bộ, Chính phủ, Quốc hội; giới văn sĩ, trí thức, nhà khoa học, các y bác sĩ, sinh viên... Công chức hạng C bậc 1 lương chỉ có 2,3 triệu đồng/tháng. Sinh viên mới ra trường, theo một đại biểu Quốc hội phát biểu, thì lương 3,4 triệu đồng/tháng. Sinh viên học 6 năm trường Đại học Y mỗi năm mất 200 triệu tiền học phí, 6 năm mất 1,2 tỷ đồng nhưng ra trường làm bệnh viện công lương 5 triệu đồng/tháng…, họ chính là những đối tượng thu nhập thấp. Thống kê lực lượng này nhiều lắm và nhu cầu có nhà ở và được mua nhà ở xã hội rất lớn.
Trong khi đó, thực tế xây nhà ở xã hội Nhà nước lại thu được khoản tiền rất lớn bởi vì nhu cầu thanh khoản nhà ở xã hội nhìn từ dự án Nhà ở xã hội NHS Trung Văn (P.Trung Văn, Q.Nam Từ Liêm) 10 người đấu 1 người mới được suất mua.
Bên cạnh đó, ví dụ Nhà nước bỏ tiền đền bù giải phóng mặt bằng trung bình tùy địa bàn 1 ha đất mất khoảng 10 tỷ đồng, 1m2 là 1 triệu đồng. Quy định của Luật Nhà ở là làm nhà ở xã hội sẽ được ưu tiên 150% hệ số sử dụng đất. Tôi tính 60% mật độ xây dựng, nếu nhân với chiều cao 20 tầng, thời gian thi công chỉ trong vòng 1 năm thì 6.000m2 nhân 20 tầng sẽ được 120.000m sàn nhà, trừ đi 20% diện tích giao thông thì còn khoảng 100.000 m2 để bán. 100.000 m2 sẽ tương ứng với 2.000 căn nhà vì theo Luật Nhà ở, nhà ở xã hội là từ 25 - 70m2, trung bình được 50m2/căn thì sẽ tạo quỹ nhà cho 2.000 người lao động để họ mua được nhà. Đây là một cách rất tốt giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội cho người lao động.
Nhưng ngược lại 100.000m2 này với giá 15 triệu đồng/m2 trung bình, nội thành khoảng 18 -20 triệu/m2, ngoại thành từ 12 -13 triệu đồng/m2, thì 100.000m2 này nhân với 15 triệu đồng/m2 thì được 1.500 tỷ đồng. Nhà ở xã hội người lao động mua nhà phải đóng 5% thuế VAT cho Ngân sách Nhà nước là 75 tỷ đồng. Trong khi Nhà nước chỉ bỏ ra 10 tỷ đồng, thi công sau 1 năm đã thu được gấp 7,5 lần. Ngoài ra còn thu được tiền thuế VAT và tiền thuế Thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp bán thiết bị nội thất, vật liệu xây dựng...
Nếu thành phố chưa có tiền để ứng thì cho doanh nghiệp ứng, sau sẽ trừ vào thuế VAT trả lại bù sau. Những người có đất mà Nhà nước thu hồi và bắt buộc phải giao, thì được đền bù bằng cách bán cho họ các diện tích ở tầng 1 để người ta kinh doanh. Tôi chắc chắn hiệu quả kinh doanh của tầng 1 bằng 10 lần trồng lúa, trồng khoai nông nghiệp. Người dân sẵn sàng ủng hộ ngay, mà đất này vì mục đích xã hội. Cả nước có tới 20 triệu người có đủ tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội thì việc xây dựng nhà ở xã hội, thị trường nội thất, thị trường xây dựng chắc chắn sẽ được phát triển rất bền vững trong vòng 20 - 30 năm. Đấy là chưa nói đến nhà ở xã hội của chúng tôi làm tiêu chuẩn vĩnh cửu, tường vách xi măng cốt thép để trong vòng ít nhất trên 100 năm không phải đập đi xây lại. Chúng tôi cũng đang kiến nghị Bộ Xây dựng đưa ra quy chuẩn nhà chung cư phải là nhà vĩnh cửu.
Phối cảnh dự án nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng ở số 4-6-8 phố Vĩnh Hưng - phường Hoàng Mai (Hà Nội) vừa được chấp nhận chủ trương đầu tư.
PV: Câu hỏi cuối cùng, ông có thể cho biết bao giờ dự án nhà ở xã hội Vĩnh Hưng sẽ chính thức khởi công và liệu có đúng tiến độ cam kết?
Ngày 29/5/2023, chúng tôi đã gửi hồ sơ xin quy hoạch tổng mặt bằng, mật độ chiều cao, phương án kiến trúc theo đúng quy hoạch thành phố đã duyệt và Sở Kế hoạch Đầu tư đã có giấy hẹn 20 ngày làm việc, tức là 23/6/2023 sẽ chính thức chấp thuận bản vẽ. Khi có giấy này chúng tôi sẽ làm bộ thủ tục để xin phép xây dựng thì tối thiểu phải hết tháng 7/2023, theo quy định sau 30 ngày làm việc thì mới được cấp phép xây dựng. Dự kiến 1/8/2023 chúng tôi sẽ khởi công. Vì chúng tôi là doanh nghiệp xây dựng nhanh nhất thế giới nên thời gian thi chậm nhất 31/12/2024 chúng tôi sẽ khánh thành và đưa vào sử dụng. Sớm hơn một năm bởi vì như vậy chúng tôi sẽ tiết kiệm được nhiều về tiền lãi vay, các chi phí đầu tư, quản lý… Thời gian là hiệu quả, là lợi nhuận của nhà đầu tư và đồng thời cũng là vấn đề đóng góp cho Ngân sách Nhà nước. Hai tòa khách sạn ở Đà Nẵng và Hà Nội của chúng toi đều được đánh giá có tốc độ xây dựng nhanh nhất và bền vững.
Theo quy định hiện nay phải xong hết thủ tục thì mới được xây, trước đây có 14 ngày thôi nhưng sau cải cách hành chính lại là 90 ngày. Tuy nhiên tôi tin rằng các thủ tục của Sở ban ngành sẽ rất nhanh vì họ phải tuân thủ thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Tôi cũng cho rằng các Sở Ban ngành nào của Hà Nội cũng đều ủng hộ, đều mong muốn Hà Nội có nhà ở xã hội để ít nhất đồng nghiệp của họ hoặc chính họ được mua nhà ở xã hội và có nhà ở. Tôi nghĩ sẽ nhanh, và không ai phản đối cả.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Khách sạn Golden Bay Đà Nẵng được đánh giá là công trình có tốc độ xây dựng nhanh nhất và bền vững nhất.
Thực hiện: Song Minh |