e magazine
25/06/2023 07:25
Du lịch miền Tây: Làm giàu từ những giá trị truyền thống

25/06/2023 07:25

Tận dụng tối đa những tài nguyên và lợi thế sẵn có, các địa phương ở ĐBSCL đã triển khai nhiều mô hình du lịch, mang lại hiệu quả kép: “Vừa phát triển kinh tế, vừa tạo công ăn việc làm bền vững cho người dân, đồng thời giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống”…
Du lịch miền Tây: Làm giàu từ những giá trị truyền thống

Tận dụng tối đa những tài nguyên và lợi thế sẵn có, các địa phương ở ĐBSCL đã triển khai nhiều mô hình du lịch, mang lại hiệu quả kép: “Vừa phát triển kinh tế, vừa tạo công ăn việc làm bền vững cho người dân, đồng thời giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống”.

Du lịch miền Tây: Làm giàu từ những giá trị truyền thống

Video du lịch miền Tây.

Đến thời điểm này, xu hướng du lịch toàn cầu ghi nhận sự lên ngôi của du lịch xanh, nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe gắn với trải nghiệm văn hóa bản địa, bảo vệ môi trường.

Ðiều này phù hợp với tài nguyên thiên nhiên vùng ÐBSCL - nơi có không gian xanh lý tưởng của văn minh miệt vườn, đậm bản sắc văn hóa sông nước. Du lịch "vùng đất chín Rồng" cũng mở lối mới, hình thành các sản phẩm đặc sắc cùng những cách làm độc đáo.

Gia đình ông Thạch Sang (xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) nhiều năm qua sống bằng nghề trồng lúa với nguồn thu nhập bấp bênh. Gần đây, gia đình ông đã có nguồn thu nhập ổn định nhờ vào việc giữ gìn văn hóa dân tộc.

Ông kể, từ năm 2019, tỉnh Trà Vinh cho ra mắt Dự án “Làng Văn hóa du lịch Khmer Trà Vinh”; gia đình ông và nhiều hộ dân khác được vận động tham gia làm du lịch. Công việc của ông chỉ đơn giản là tái hiện lại cách giã cốm dẹp - một món ăn truyền thống của người Khmer. “Nếu làm ruộng hoặc làm vườn, 3 tháng người nông dân mới thu hoạch một lần. Công việc hiện nay cho tôi thu nhập có khi lên tới 700.000 - 1.000.000 đồng/ngày. Tôi rất vui mừng vì cuộc sống không chỉ khá hơn, mà còn có thể gìn giữ những giá trị văn hóa của tổ tiên, cha ông để lại”, ông Sang nói.

Du lịch miền Tây: Làm giàu từ những giá trị truyền thống

Chợ nổi Cái Răng, điểm du lịch nổi tiếng ở Cần Thơ.

Câu chuyện về người nông dân đổi đời như ông Sang đang xuất hiện nhiều ở Trà Vinh, mở ra những thành quả mới qua cách làm du lịch mới. Ấp Cồn Chim, cù lao Hòa Minh, huyện Châu Thành gần 2 năm nay đã khoác lên mình diện mạo mới - khi 22 hộ dân tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng dưới hình thức tự quản. Mỗi hộ dân cung cấp một loại hình dịch vụ, sử dụng các sản phẩm tự có do người dân tự làm tại chỗ, như: Cho thuê homestay; nấu ăn, dạy làm bánh cho du khách, câu cua, đặt lợp, bắt tôm, trò chơi dân gian; tái hiện phiên chợ quê…

Chị Nguyễn Thị Sữa, người dân ấp Cồn Chim kể: "Trước đây, gia đình chị sống bằng nghề trồng lúa và nuôi trồng thủy sản, giờ đây gia đình có thêm việc làm mới khi tham gia làm du lịch. Công việc của chị là làm bánh lá và một số loại bánh dân gian Nam Bộ cho du khách thưởng thức. Mỗi tháng thu nhập của gia đình, lên tới 15 - 20 triệu đồng. Nếu như trước đây bà con chủ yếu làm nông nghiệp, thì giờ đã có du lịch nữa thì không lo nghèo. Mỗi hộ làm một thứ sở trường, không ai cạnh tranh ai, ngược lại còn hỗ trợ nhau cùng làm ăn".

Du lịch miền Tây: Làm giàu từ những giá trị truyền thống

Du khách đạp xe thưởng thức vẻ đẹp hoang dã tại khu du lịch Cồn Chim, Trà Vinh.

Sắp tới đây, du lịch miền Tây chuẩn bị xuất hiện làng bè sắc màu trên ngã ba sông, với hàng trăm chiếc bè được bao phủ bởi các khối màu, nhằm tạo điểm đến mới lạ, thu hút du khách.

Dự án làng bè sắc màu được thực hiện trên ngã ba sông Châu Đốc, thuộc địa bàn thị trấn Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang. 165 chiếc bè ở khu vực này sẽ được sơn thành 6 khối màu: đỏ, vàng, cam, lục, lam, tím. Chủ đầu tư dự án là Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh An Giang.

Không chỉ thế, ven hai bờ sông là làng Chăm Châu Phong và làng Chăm Đa Phước, nơi cộng đồng Chăm Islam (Hồi giáo) định cư lâu đời và đóng góp nhiều giá trị văn hóa độc đáo cho địa phương. Bởi thế, các doanh nghiệp du lịch có thể khai thác kết hợp cung đường trên tham quan làng bè sông nước và tham quan các làng Chăm, thánh đường Islam, cơ sở dệt thổ cẩm, hàng quán ẩm thực Chăm…

Du lịch miền Tây: Làm giàu từ những giá trị truyền thống

Hoạt động gói bánh dân gian Nam Bộ tại khu du lịch Cồn Chim, Trà Vinh.

Sau khi dự án hoàn thành, làng bè sẽ trở thành một cảnh quan đặc sắc và có lẽ là duy nhất của ĐBSCL. Đến đây, du khách có cơ hội tham quan một làng nổi đầy màu sắc, tìm hiểu đời sống của người nuôi cá, trải nghiệm cho cá ăn, tham gia sinh hoạt trên bè… Ngoài ra, các chủ bè còn buôn bán đặc sản, quà lưu niệm, sản phẩm OCOP của tỉnh An Giang.

Không chỉ thế, ven hai bờ sông là làng Chăm Châu Phong và làng Chăm Đa Phước, nơi cộng đồng Chăm Islam (Hồi giáo) định cư lâu đời và đóng góp nhiều giá trị văn hóa độc đáo cho địa phương. Bởi thế, các doanh nghiệp du lịch có thể khai thác kết hợp cung đường trên tham quan làng bè sông nước và tham quan các làng Chăm, thánh đường Islam, cơ sở dệt thổ cẩm, hàng quán ẩm thực Chăm…

Du lịch miền Tây: Làm giàu từ những giá trị truyền thống

Làng hoa Sa Đéc, điểm đến hấp dẫn đối với du khách ở Đồng Tháp.

Ghi nhận tại các tỉnh ĐBSCL, thông qua hoạt động đang rất phổ biến là workshop, các đơn vị làm du lịch chuyển tải những câu chuyện văn hóa, làng nghề, ẩm thực bản địa đến du khách. Tại TP Cần Thơ, Mekong Silt Ecolodge (ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền) được biết đến là đơn vị thường xuyên tổ chức workshop nghề truyền thống đến gần du khách.

Trong khuôn viên xanh mát của Mekong Silt Ecolodge, du khách sẽ thấy những hình ảnh quen thuộc: dệt chiếu, đan vỏ lục bình, làm bánh dân gian… Những hoạt động này diễn ra mỗi ngày, như là một phần thường có tại khu nghỉ dưỡng. Bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, chủ khu Mekong Silt Ecolodge cho biết: “Hiện tại, rất nhiều du khách quốc tế có xu hướng tìm hiểu về tập quán lao động và văn hóa bản địa. Tôi cho rằng làng nghề là tinh hoa của dân tộc và luôn ước mơ phục dựng, phát triển các làng nghề. Ngày trước sản phẩm làng nghề của chúng ta chỉ được bán kèm, nhưng nay tôi muốn đưa vào du lịch, như là cách làm tăng giá trị sản phẩm, vừa giúp tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đồng thời, qua đó góp phần gìn giữ làng nghề, lan tỏa được những nét đẹp văn hóa đến du khách, nhất là khách quốc tế”.

Du lịch miền Tây: Làm giàu từ những giá trị truyền thống

Vẻ đẹp hoang sơ của biển đảo Phú Quốc.

Du lịch miền Tây: Làm giàu từ những giá trị truyền thống

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng thì du lịch ĐBSCL vẫn còn đó nhiều rào cản. Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau nhận định, do đặc điểm về địa lý, tài nguyên thiên nhiên có nhiều nét tương đồng, việc các sản phẩm du lịch ở ĐBSCL phát triển na ná nhau là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch ở nhiều địa phương còn mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp; các sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào thiên nhiên, khai thác nguồn sẵn có mà thiếu đầu tư dài hạn.

Đồng quan điểm trên, ông Lý Vỹ Triều Dương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết, những năm gần đây, Bạc Liêu có nhiều điểm tham quan sinh thái đậm chất dân dã miền Tây, gần gũi với thiên nhiên, thu hút đông đảo khách du lịch tham quan, trải nghiệm. Tuy nhiên, mô hình này cũng còn tồn tại nhiều hạn chế như hoạt động du lịch còn rời rạc, chưa có sự đầu tư bài bản nên việc khai thác sản phẩm, dịch vụ đơn điệu, trùng lặp, na ná giống nhau và thiếu các dịch vụ du lịch đi kèm; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; hạ tầng giao thông chưa phát triển; doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch sinh thái chưa có sự liên kết chặt chẽ, chưa tạo được tour, tuyến trong và ngoài tỉnh.

Du lịch miền Tây: Làm giàu từ những giá trị truyền thống

Mô hình nhà tranh vách đất tại một khu du lịch nghỉ dưỡng ở Cần Thơ.

TS Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho biết: "Thời gian qua, lượng du khách đến ĐBSCL phần lớn vào các dịp lễ, Tết. Làm sao để du khách đến với vùng đất này quanh năm. Điều này đòi hỏi ngành du lịch các địa phương có những tính toán để khắc phục sự phụ thuộc vào “mùa vụ”.

TS Trần Hữu Hiệp cho rằng, tư duy “mùa vụ” cũng thể hiện trong việc những người làm dịch vụ thường tăng giá trong các đợt lễ, Tết để “gom lúa”. Theo ông Hiệp, đối với những người kinh doanh chuyên nghiệp thì khi cầu tăng sẽ giảm giá để lấy lợi nhuận trên số đông. Những tác nhân trong ngành du lịch phải chuyển từ tư duy kinh doanh nhỏ lẻ, thấy lợi trước mắt, sang kinh doanh chuyên nghiệp. Chúng ta phải nuôi dưỡng nguồn khách hàng bằng chiến lược lâu dài thay vì ăn sổi.

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết thêm: “Thời gian qua, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã tích cực quan tâm, đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng; trong đó, việc liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã có được những kết quả đáng khích lệ: TP.HCM với lợi thế là trung tâm kinh tế và du lịch của cả nước khi kết nối với ĐBSCL đã tạo ra một không gian du lịch rộng lớn hơn, góp phần thay đổi các sản phẩm du lịch, tạo nét đặc trưng riêng để tăng tính cạnh tranh cũng như phát huy được tính độc đáo nhằm thu hút du khách”…

Du lịch miền Tây: Làm giàu từ những giá trị truyền thống

Vẻ đẹp du lịch điện gió ở các tỉnh ven biển ĐBSCL.

TRẦN LƯU

Ảnh: T.L - TR.L

Đồ họa: TRƯỜNG SƠN

TRẦN LƯU

Phiên bản di động