GIẢI BÀI TOÁN tiếp cận, sở hữu nhà ở xã hội cho người lao động
Theo đa số ý kiến người lao động, họ gặp khó khăn khi mua nhà ở xã hội ở việc phải có thu nhập không chịu thuế dưới 11 triệu đồng, có thường trú hoặc tạm trú 1 năm trở lên tại nơi mua nhà ở xã hội. Về phía chuyên gia, chủ đầu tư dự án cho rằng, doanh nghiệp xây nhà ở xã hội đang phải đối mặt với rủi ro bán sai đối tượng. Người lao động chưa có nhà thì không có khả năng mua, nếu mua thì cuộc sống sẽ khó khăn hơn vì phần lớn thu nhập dùng để trả các khoản vay,... |
"nhiêu khê" khi muốn mua nhà ở xã hội
Anh Nguyễn Quốc Tài, công nhân công ty sản xuất, lắp ráp linh kiện ô tô ở Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng đã sinh sống, làm việc tại thành phố gần 13 năm. Sau khi lập gia đình, hai vợ chồng đã lên kế hoạch tìm kiếm, mua nhà ở để ổn định cuộc sống lâu dài khi con chào đời. Tuy nhiên, theo lời anh Tài, quá trình tìm hiểu, mua nhà ở xã hội lắm “nhiêu khê" bởi điều kiện quy định: anh và vợ phải có thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân dưới 11 triệu đồng/tháng, có thường trú hoặc tạm trú 1 năm trở lên nơi mua nhà ở xã hội,... “Tôi tìm hiểu, đi nghe chủ đầu tư dự án tư vấn mới thấy quy định cứng quá! Quy định phải thường trú tại nơi có nhà ở xã hội hoặc tạm trú từ 1 năm trở lên thì suýt không đạt, do gia đình phải chuyển chỗ trọ nhiều lần. Còn về quy định thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân thì tôi và vợ đều không đạt. Mức tiền lương dưới 11 triệu đồng/tháng đâu còn phù hợp bây giờ để được mua nhà ở xã hội? Bao năm làm việc, mức lương đó không chỉ tôi mà nhiều lao động khác đã vượt xa. Cuộc sống hàng ngày đắt đỏ, bao thứ phải chi tiêu cho bản thân, cho con cái. Nói thật, 11 triệu đồng chỉ duy trì, tằn tiện đủ sống chứ chưa nói đến tiết kiệm để mua nhà ở xã hội. Tôi cho rằng, cần xác định người lao động có thu nhập cao hơn để còn có tiền trả vay khi mua nhà ở xã hội mới đúng!”, anh Tài trải lòng. Trước việc khó khăn trên, vợ chồng anh Tài đã gác lại kế hoạch mua nhà ở xã hội, đang tiếp tục thuê trọ ở. |
Một trường hợp khác là anh Nguyễn Tấn Linh, người lao động công ty thủy sản ở Khu công nghiệp thủy sản Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng chia sẻ, anh có kế hoạch tìm mua nhà ở xã hội nhưng “kẹt" ở điều kiện tạm trú từ 1 năm trở lên. Anh Linh tìm kiếm thông tin giải đáp trên một hội nhóm Facebook thì một tài khoản mạng xã hội đã tư vấn cho anh Linh dịch vụ ghép vào hộ gia đình ở Đà Nẵng để đạt điều kiện về thủ tục tạm trú. “Họ báo cho tôi dịch vụ ghép gia đình tôi vào một gia đình ở Đà Nẵng rồi làm xác nhận giấy tạm trú để đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, tổng chi phí 25 triệu đồng. Nghe đến chi phí và cách làm này mà tôi giật mình. Gia đình tôi sau đó quyết định không làm, không để kẻ xấu lợi dụng bởi hậu quả có khi còn “tiền mất tật mang". Qua sự việc đó, tôi cũng mong cơ quan chức năng nên bỏ đi điều kiện phải thường trú hoặc tạm trú từ 1 năm trở lên mới đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Bởi đa số người lao động làm việc trong khu công nghiệp như tôi đều cấp thiết về nhà ở. Tôi thấy rằng, hãy quy hoạch, tăng dự án, số lượng nhà ở xã hội lên nhiều hơn nữa, thay vì siết chặt điều kiện khó khăn”, anh Linh kể và gửi gắm ý kiến. Ở góc độ công đoàn trực tiếp cơ sở, đồng chí Lê Thị Thùy - Chủ tịch công đoàn Công ty CP May Bình Định, cho biết: Nhu cầu nhà ở xã hội của người lao động rất lớn. Có nhiều người lao động thích ở chung cư, bên cạnh đó có nhóm khác lại thích ở nhà riêng lẻ, dưới mặt đất. Tùy người, tùy địa phương mà có nhu cầu khác nhau nhưng chung quy lại đều mong mỏi có nhà để ở, để ổn định làm việc lâu dài. Qua nhiều lần tiếp xúc, tìm hiểu, Chủ tịch công đoàn Công ty CP May Bình Định chia sẻ, khó khăn đối với người lao động khi tiếp cận nhà ở xã hội đó là khả năng tích lũy đủ để mua được nhà khi đời sống chi tiêu ngày một tăng cao, chăm lo cho con cái học tập và các chi phí đáng kể khác. Nếu không có sự trợ giúp, hỗ trợ từ cha mẹ thì không biết đến bao giờ có thể hoàn thành ước mơ sở hữu nhà. "Về giấy tờ, thủ tục xác nhận cho người lao động, công đoàn luôn quan tâm, tìm hiểu, hướng dẫn cặn kẽ và xác nhận ngay để người lao động hoàn thành đủ hồ sơ, nộp đúng thời gian được xét mua nhà ở xã hội", đồng chí Lê Thị Thùy nói. |
có những dự án nhà ở xã hội không hấp thụ được vì người dân không đủ điều kiện mua
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh Bàn về vấn đề đối tượng người mua nhà ở xã hội và những bất cập trong điều kiện mua nhà ở xã hội, ông Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế nhận định: "Tôi không ngạc nhiên với việc người đi ô tô mua nhà, họ mới là người có tiền mua nhà ở xã hội". Ông Vũ Đình Ánh đề nghị cơ cấu lại tỷ trọng phát triển nhà xã hội chỉ dành cho thuê nhằm hạn chế tình trạng bán nhà sai đối tượng, để việc tiếp cận nhà ở xã hội trúng với người đủ điều kiện. Chuyên gia kinh tế này cho rằng, chương trình nhà ở xã hội hiện nay đang được thiết kế trên tư duy "mua - bán" chứ không phải cho thuê. Việc cần làm là xác định rõ đối tượng nhà ở xã hội với các vấn đề về thu nhập thực tế thay vì thu nhập danh nghĩa. Bên cạnh đó là phân phối thu nhập và khả năng chi trả của đối tượng. Qua đó, ông Ánh đề xuất, với nhà ở xã hội, chính sách nên hướng đến thúc đẩy việc xây dựng để cho thuê nhiều hơn là để bán nhằm đáp ứng nhu cầu và phù hợp hơn với khả năng chi trả của người dân. Ông Ánh nhấn mạnh: "Nếu không nghiên cứu kỹ, việc đẩy mạnh phát triển nguồn cung nhà ở xã hội có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Doanh nghiệp xây nhà ở xã hội đang phải đối mặt với rủi ro bán sai đối tượng. Còn người chưa có nhà thì không có khả năng mua, nếu mua thì cuộc sống sẽ khó khăn hơn vì phần lớn thu nhập để trả các khoản vay. Như vậy chính sách nhà ở xã hội lại dồn gánh nặng vào vai người dân". Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, với việc phát triển nhà ở xã hội, nên tiếp cận ở nhiều góc độ, nhiều giải pháp để hướng đến kết quả cuối cùng là hỗ trợ được cho người dân. Theo ông, nhà ở xã hội nên phát triển cả bán và cho thuê, ai có đủ năng lực mua sẽ mua, ai không đủ thì thuê. Bàn luận thêm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, bước sang năm 2024, điểm sáng rõ nhất của thị trường bất động sản là những tín hiệu thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội, nhiều dự án đã khởi công, được chấp thuận chủ đầu tư. "Năm 2024 dự kiến 108 dự án sẽ hoàn thành, cung cấp 148.000 căn nhà ở xã hội. Có thể nói đây là điểm nhấn quan trọng của lượng cung. Sự hưởng ứng của các doanh nghiệp là rất tuyệt vời. Bên cạnh đó, sự đốc thúc của Chính phủ về giảm lãi suất cho vay và điều kiện tiếp cận nhà ở xã hội được cải thiện cũng góp phần tạo ra tín hiệu tốt cho việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới", ông Phong nhấn mạnh. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong Dưới góc nhìn từ phía nhà thầu xây dựng, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, thách thức của việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua là những ưu đãi của Nhà nước về thuế sử dụng đất, thuế VAT, tín dụng, chi phí quản lý chưa phù hợp với quy luật của thị trường nên chưa thể đi đến thống nhất giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Do đó, ông Hải đề xuất, cần có ưu đãi về quyền sử dụng đất, thuế VAT, tín dụng đối với doanh nghiệp đầu tư, bên cạnh đó cũng cần thúc đẩy phía cầu, là người mua. "Có những dự án nhà ở xã hội quy mô 4 - 5 nghìn căn nhưng không hấp thụ được do người dân chưa có nhà có nhu cầu mua lại không đủ điều kiện thụ hưởng mua nhà ở xã hội. Khi không tiêu thụ được sản phẩm thì nhà đầu tư sẽ không dám mạnh dạn đầu tư. Khơi thông nguồn cung nhưng nghẽn ở phía cầu thì cũng tắc", ông Lê Viết Hải nhấn mạnh. |
đơn giản thủ tục và điều kiện mua nhà ở xã hội từ 2025
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính Ngày 16/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Thủ tướng Chính phủ đánh giá chung, nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc, tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương, các doanh nghiệp, cả nước đã hoàn thành hàng trăm dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giúp cho hàng chục nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn. Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là nội dung quan trọng của các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội. Tinh thần là không hi sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các địa phương gắn với phát triển thị trường bất động sản, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn và tuân thủ pháp luật, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. "Và điều quan trọng nhất là khi tổ chức thực hiện phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong vận dụng cơ chế, chính sách, luật pháp", Thủ tướng nêu rõ. Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), trong đó cắt giảm quy định về điều kiện cư trú đối với đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội; các đối tượng là công nhân, lực lượng vũ trang được hưởng thêm các chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và nhà ở cho lực lượng vũ trang. Bộ Xây dựng cho hay, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản mới đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6, đã có thêm các chính sách ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đơn giản thủ tục và các điều kiện để được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội,... Ngày 1/1/2025 thì luật có hiệu lực thi hành. |
Theo đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", đến năm 2030, tổng số căn nhà ở xã hội các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn. Trong năm nay, nghị quyết của Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, phấn đấu hoàn thành khoảng 130.000 căn. |
Theo quy định của Luật và Nghị định hiện hành, để được mua nhà ở xã hội cần đáp ứng 3 điều kiện về nhà ở, cư trú và thu nhập. Cả 3 điều kiện theo quy định hiện hành đã được được thay đổi, nới lỏng rất nhiều trong dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến (đến trước 23/04/2023) để trình Chính phủ. Cụ thể, về điều kiện nhà ở, so với quy định hiện hành, trong dự thảo đã không còn đề cập việc phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hoặc có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên nơi có nhà ở xã hội. Dự thảo nêu, chỉ cần vợ hoặc chồng của người đó chưa có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội đó là được mua, thuê mua nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, nếu như đang sở hữu nhà ở mà có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội thì diện tích nhà đang ở dưới 15m2 sàn/người, trong khi hiện hành quy định là dưới 10m2 sàn/người. Điểm thay đổi khác đáng lưu ý là về điều kiện thu nhập. Cụ thể, có mức thu nhập bình quân hàng tháng của người đứng đơn và vợ hoặc chồng của người đó không quá 15 triệu đồng/tháng. Thời hạn xác định điều kiện về thu nhập trong 3 năm trước liền kề năm được xét mua, thuê mua nhà ở xã hội. Trong khi theo quy định hiện hành yêu cầu thu nhập không quá 11 triệu đồng/tháng, như vậy đã tăng lên thêm 4 triệu đồng. |
Bài: NGUYỄN LUẬN - MINH NGUYỆT Ảnh: NGUYỄN LUẬN, VPG, TƯ LIỆU |