Trước câu chuyện ngân hàng chào mời lãi suất tiền gửi cao hơn nhiều so với mức lãi suất niêm yết công khai, đại diện Hiệp hội Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã lên tiếng. |
Sau loạt bài viết ghi nhận thực trạng nhiều ngân hàng chào mời khách với mức lãi suất cao hơn mức niêm yết, phóng viên Nhịp sống Doanh nghiệp đã đặt câu hỏi về vấn đề vấn đề này tới luật sư cũng như Hiệp hội liên quan, cơ quan chức năng có thẩm quyền.
"Các ngân hàng cũng cực chẳng đã thôi, chứ họ chẳng muốn"
Nói về tình trạng ngân hàng “đi đêm” lãi suất, âm thầm tăng lãi suất huy động trong bối cảnh hiện nay, trả lời phóng viên Nhịp sống Doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hùng- Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết: “Các ngân hàng cũng cực chẳng đã thôi chứ họ chẳng muốn. Còn đối với người gửi, khách hàng lựa chọn những ngân hàng nào cao hơn thì họ gửi. Tổ chức tín dụng thì cũng không muốn khách hàng rút tiền về nên cũng có thể họ đưa ra một hình thức nào đó hấp dẫn hơn. Còn về mặt cơ bản, các ngân hàng rất bức xúc về việc cứ ngân hàng nọ đến ngân hàng kia tăng lãi suất. Đó là vấn đề mà tôi cho rằng khó nhất”.
Khi đặt vấn đề về trường hợp có ngân hàng dùng “chiêu” phát hành chứng chỉ thời hạn từ 3 đến 7 năm nhưng sau 1 năm khách hàng đã được rút bằng cách chuyển nhượng nhưng vẫn nhận lãi suất vượt trần, lên đến 11,2%. Nói về trường hợp này, vị Tổng Thư ký cho hay: Tổ chức tín dụng cho phép rút đi trước hạn mà trả khách hàng một lãi suất tiếp theo thì là việc của họ. Về mặt quy định là họ làm đúng chứ không sai. Theo luật thì đây là thỏa thuận dân sự”.
“Cũng cần phải nói thêm, thời hạn gửi dài thì tỉ lệ dự trữ an toàn thanh khoản thấp cũng là một phần để giảm chi phí đầu vào. Còn nếu huy động ngắn hạn thì tỉ lệ dự trữ an toàn cao lên”, ông Hùng phân tích.
Đối với trường hợp ngân hàng không thực hiện cam kết, ngầm tăng lãi suất, cộng lãi suất so với niêm yết, ông Hùng khẳng định, có thể xử lý được ngân hàng vi phạm. Nếu có trường hợp này thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ chấn chỉnh lại và xem xét xử lý đối với Phòng giao dịch đó. Đồng thời, cũng có văn bản chỉ đạo các Giám đốc NHNN các tỉnh, thành phố thanh, kiểm tra.
Nếu thanh, kiểm tra ngân hàng có vi phạm, NHNN sẽ xử phạt. Liên quan đến phân bổ chỉ tiêu tín dụng, nếu ngân hàng tăng lãi suất lên để mở chỉ tiêu tín dụng thì có thể sẽ không cho mở chỉ tiêu tín dụng nữa. Còn về phía Hiệp hội không thể xử lý được vì đây là thỏa thuận tự nguyện của các ngân hàng hội viên.
Cần những biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động huy động vốn
Trả lời phóng viên Nhịp sống Doanh nghiệp về việc chào mời khách với mức lãi suất cao hơn mức niêm yết, Luật sư Lê Thị Thanh Huyền (Công ty Luật TNHH HTH Global và cộng sự) khẳng định: ”Việc chào mời khách dẫn đến giao dịch nhận gửi tiền có lãi suất cao hơn mức lãi suất đã niêm yết công khai bởi ngân hàng là không đúng quy định tại Điều 3 Thông tư số 07/2014/TT-NHNN”.
Cụ thể, theo quy định của pháp luật, hiện chưa có biện pháp xử lý đối với hành vi chào mời khách gửi tiết kiệm với mức lãi suất cao hơn mức niêm yết. Tuy nhiên nếu việc chào mời đó dẫn tới việc “đi đêm” lãi suất, tức là phát sinh giao dịch nhận gửi tiền có lãi suất không đúng (cụ thể là cao hơn) với mức lãi suất đã niêm yết công khai bởi ngân hàng theo yêu cầu tại Điều 3, Thông tư số 07/2014/TT-NHNN quy định về lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng (“Thông tư 07/2014/TT-NHNN”) thì ngân hàng có thể bị xử phạt từ 20.000.000 VNĐ đến 40.000.000 VNĐ theo quy định của điểm b, Khoản 1, Điều 12, Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Tại Điều 3 Thông tư số 07/2014/TT-NHNN quy định: “Tổ chức tín dụng niêm yết công khai lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại các địa điểm nhận tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nghiêm cấm tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật và Thông tư này”.
Tại Khoản 13 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 (“Luật các tổ chức tín dụng”) quy định: “Nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận”.
Luật sư cũng cho hay, Nhà nước đã có Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, với chế tài cụ thể cho các hành vi vi phạm trong hoạt động huy động vốn được quy định tại Điều 12 và Điều 13. Tuy nhiên, quy định trên mới chỉ dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính nên có thể chưa đủ độ nghiêm khắc để răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Luật sư Lê Thị Thanh Huyền đặt vấn đề, nên chăng Nhà nước/NHNN cần xem xét những biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn cùng với cơ chế kiểm soát chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động huy động vốn cũng như cho vay của các tổ chức tín dụng, tạo môi trường minh bạch, cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực này.
Bàn đến nội dung “thoả thuận dân sự” thì Luật sư Lê Thị Thanh Huyền cho biết, Luật dân sự được coi là luật chung/luật gốc của luật tư trong hệ thống pháp luật, là tổng hợp những quy phạm điều chỉnh các quan hệ tài sản và một số quan hệ nhân thân trong giao dịch dân dự trên cơ sở bình đẳng, tự định đoạt và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể tham gia các quan hệ dân sự. Tuy nhiên, với mỗi lĩnh vực hoạt động khác nhau, chúng ta còn có các luật chuyên ngành và vấn đề này sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật các tổ chức tín dụng cùng các Nghị định/Thông tư liên quan bên cạnh các nguyên tắc chung của Luật dân sự.
Đối với việc chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi khi chưa đến hạn, Luật sư Lê Thị Thanh Huyền dẫn chiếu Khoản 1 Điều 17 Thông tư số 01/2021/TT-NHNN quy định về phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: “Giấy tờ có giá được chuyển quyền sở hữu dưới các hình thức mua, bán, cho, tặng, trao đổi, thừa kế và các hình thức khác phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan”. Như vậy Chứng chỉ tiền gửi có thể được chuyển nhượng khi chưa đến hạn nhưng rủi ro cho khách hàng là đến thời điểm cần chuyển nhượng (khách hàng cần rút tiền trước hạn) thì không có bên nhận chuyển nhượng để thực hiện giao dịch và cũng có thể giá trị chuyển nhượng lúc đó không được như kỳ vọng của khách hàng (là giá trị thoả thuận giữa bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng; khi đó Ngân hàng chỉ là đơn vị thực hiện thủ tục chuyển nhượng và duy trì mức lãi suất như ban đầu cho bên nhận chuyển nhượng). Việc này khiến cho Chứng chỉ tiền gửi là tài sản rủi ro hơn trong khi tính thanh khoản thấp hơn đáng kể so với phương thức gửi tiết kiệm. Đây có thể là yếu tố mà không nhiều người gửi tiền chú ý đến.
TCTD phải niêm yết công khai lãi suất tiền gửi tại các địa điểm nhận tiền gửi
Trả lời Nhịp sống Doanh nghiệp về vấn đề này, NHNN khẳng định: “Nghiêm cấm tổ chức tín dụng (TCTD) khi nhận tiền gửi thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật và Thông tư này. Theo đó, TCTD phải niêm yết công khai lãi suất tiền gửi tại các địa điểm nhận tiền gửi”.
Điều này được quy định chi tiết tại khoản 2 Điều 91 Luật Các TCTD 2010 (đã được sửa đổi bổ sung) quy định TCTD được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng; tại Điều 3 Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014 quy định TCTD niêm yết công khai lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại các địa điểm nhận tiền gửi theo quy định của NHNN.
NHNN cho biết thêm, trong các tháng cuối năm 2022, các TCTD liên tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi trong bối cảnh các NHTW tăng lãi suất, sức ép lạm phát gia tăng, nhu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế phục hồi trở lại, sự kiện SCB...Trước tình hình đó, NHNN đã triển khai một số các biện pháp để ổn định mặt bằng lãi suất như sau: (i) Chỉ đạo các TCTD duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro; không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường; nghiêm cấm thực hiện các biện pháp kỹ thuật để lách vượt trần lãi suất huy động, nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn. NHNN sẽ theo dõi các trường hợp TCTD tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các TCTD này. (ii) Đầu năm 2023. NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt chẽ lãi suất tiền gửi để giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường. (iii) Trong tháng 2/2023, NHNN đã có buổi làm việc với các NHTM về việc ổn định mặt bằng lãi suất, giảm lãi suất tiền gửi để có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh. Theo đó, về cơ bản các NHTM đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,5%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 6 đến 12 tháng.
Trên cơ sở điều hành và chỉ đạo của NHNN, đến nay, về cơ bản các NHTM đã không điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi liên tục như trước đây và mặt bằng lãi suất đã ổn định dần trong tháng đầu năm 2023 và đang có xu hướng giảm. Hiện lãi suất tiền gửi phát sinh mới bình quân ở mức khoảng 7%/năm (trong đó, một số NHTM đã giảm mạnh lãi suất tiền gửi so với cuối năm 2022).
NHNN nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi sát diến biến lãi suất thị trường; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động nhận tiền gửi của các TCTD, trong đó có nội dung về niêm yết công khai lãi suất tiền gửi và lãi suất thực tế của các TCTD. Trường hợp, cơ quan báo chí hoặc người dân có đầy đủ thông tin, bằng chứng về việc TCTD thỏa thuận ngầm về lãi suất tiền gửi với khách hàng cao hơn mức lãi suất tiền gửi niêm yết theo quy định, thì phản ánh đến NHNN để NHNN có thêm thông tin kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh hoạt động của TCTD nhằm đảm bảo hoạt động ngân hàng được an toàn, minh bạch”.
Ngân hàng Nhà nước lần đầu giảm giá bán USD trong năm nay
Tỷ giá VND/USD diễn biến ổn định, Đồng Việt Nam (VND) được đánh giá là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu ... |
Thực hiện: Minh Nguyệt |