e magazine
29/10/2020 14:35
Tình hình lao động, việc làm ở Việt Nam trong đại dịch Covid-19

29/10/2020 14:35

Do dịch bệnh Covid-19, đến hết tháng 6 năm 2020, cả nước có tới 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch, trong đó, ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng cao nhất với 57,3% (tương ứng 17,6 triệu người). Vấn đề đặt ra là cần phải triển khai quyết liệt các chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) về an sinh xã hội, giúp người dân từng bước vượt qua khó khăn của đại dịch.
Thực trạng, dự báo và kiến nghị

Do dịch bệnh Covid-19, đến hết tháng 6 năm 2020, cả nước có tới 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch, trong đó, ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng cao nhất với 57,3% (tương ứng 17,6 triệu người). Vấn đề đặt ra là cần phải triển khai quyết liệt các chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) về an sinh xã hội, giúp người dân từng bước vượt qua khó khăn của đại dịch.

***

Thực trạng, dự báo và kiến nghị

1.1. Ảnh hưởng về lao động, việc làm

Theo báo cáo về lao động, việc làm quý II/2020, lực lượng lao động Việt Nam giảm sâu kỷ lục. Lao động nữ là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với lao động nam trong bối cảnh dịch Covid-19. Cụ thể, lực lượng lao động nữ trong độ tuổi giảm 4,9% so với quý trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức giảm của lao động nam (giảm 3,9% so với quý trước và giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước). Đối với nhóm ngoài độ tuổi lao động, trong khi lực lượng lao động nữ ghi nhận giảm thì lực lượng lao động nam lại tăng nhẹ.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 29.000, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng trong quý II/2020, số lao động mất việc làm trong độ tuổi lao động khoảng 1,3 triệu người và tăng 221.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình thiếu việc làm quý II năm 2020 là 1,4 triệu người, tăng 292 nghìn người so với quý trước và tăng 648,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2020 là gần 1,3 triệu người, tăng 192,8 nghìn người so với quý trước.

Thực trạng, dự báo và kiến nghị

Về lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên, 6 tháng đầu năm 2020 đạt 54,2 triệu người, giảm gần 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động 6 tháng đầu năm 2020 là 47,9 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 16,4 triệu người, chiếm 34,3%; lực lượng lao động nữ trong độ tuổi lao động, đạt 21,5 triệu người, chiếm 44,9% lực lượng lao động trong độ tuổi của cả nước.

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2020 là 53,0 triệu người, giảm gần 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi 6 tháng đầu năm 2020 là 2,58%, tăng 1,06 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó thiếu việc làm ở khu vực nông thôn tăng 1,2 điểm phần trăm.

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2020 là gần 1,2 triệu người, tăng 123,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khu vực thành thị, quý II là 4,46%, tăng 1,28 điểm phần trăm so với cùng kỳ quý trước và 1,36 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Đây là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất của khu vực này trong vòng 10 năm qua.

Thực trạng, dự báo và kiến nghị
Thực trạng, dự báo và kiến nghị
Hàng triệu người mất việc, phải đi tìm việc làm mới do Covid-19. 2020 là năm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất 10 năm qua.

1.2. Nguyên nhân của thực trạng trên

Ngoài những lý do khách quan, chủ quan thường thấy khác, đại dịch Covid-19 là nguyên nhân chủ yếu khiến số người bị mất việc, ngưng việc lớn như hiện nay. Tình trạng “đứt gãy” chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp hoặc đình trệ cũng khiến hàng loạt nhà máy, xí nghiệp trong nước phải tạm dừng hoạt động. Giãn cách xã hội làm cho không chỉ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mà cả ngành giáo dục, du lịch, nhà hàng, khách sạn... cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Lao động những ngành này vì vậy đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Thực trạng, dự báo và kiến nghị

Theo Tổng cục Thống kê, với tác động của dịch bệnh, các khó khăn vẫn có thể sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Dự báo, đến hết năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục bị hạn chế do các đối tác thương mại hàng đầu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Mặt khác, nguyên nhiên liệu cần cho sản xuất bị cạn kiệt.

Cục Việc làm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tính đến kịch bản xấu nhất là số lao động mất việc làm có thể tăng khoảng 60.000 đến 70.000 mỗi tháng, tập trung ở các lĩnh vực như du lịch, hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống, xây dựng, vận tải, chế biến, chế tạo... Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể lên đến 70%, trong khi số lao động bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới 3,5 - 5 triệu người.

Thực trạng, dự báo và kiến nghị

3.1. Hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ

Nhà nước xác định cùng lúc phải hỗ trợ cả doanh nghiệp và NLĐ. Chỉ khi doanh nghiệp duy trì được sản xuất, kinh doanh thì NLĐ mới không bị thất nghiệp, ngưng việc, giãn việc.

Chính phủ đang thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp; đồng thời chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp, thời hạn cho vay dài và điều kiện tiếp cận với nguồn vốn thuận lợi hơn. Doanh nghiệp cũng được giảm thuế, giảm phí, hoãn nộp thuế... để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Chính phủ cũng đang tích cực sửa một số điều kiện để các doanh nghiệp có thể tiếp cận gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 và Quyết định 15, tức gói hỗ trợ 62.000 tỷ (đã giảm bớt các điều kiện ngặt nghèo). Tại đợt dịch đầu tiên, việc đóng quỹ hưu trí và tử tuất được hoãn đến hết tháng 6/2020, nhưng với diễn biến dịch hiện nay, việc này có thể kéo dài thêm sáu tháng nữa.

Các bộ, ban, ngành chức năng cần nắm chắc tình hình việc làm, nhu cầu của các doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ, cung ứng lao động, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời; góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh và bảo đảm đời sống NLĐ. Các cơ quan chức năng cũng cần hướng dẫn người dân làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động. Có thể cần đến một khoản tiền trong quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp; đào tạo, chuyển đổi nghề cho NLĐ phù hợp với tình hình thực tế.

Thực trạng, dự báo và kiến nghị

Đà Nẵng tiếp tục chi hỗ trợ NLĐ mất việc do Covid-19.

3.2. Hỗ trợ lao động tiếp cận các nguồn lực

Hiện cơ quan chức năng đang rà soát để đảm bảo người nghèo, bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh được hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ. Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết và Quyết định nói trên để mở rộng nhóm hỗ trợ, giảm bớt thủ tục hành chính và điều kiện thụ hưởng.

Trước hết, hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không bảo đảm mức sống tối thiểu. Hỗ trợ thêm một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch. Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm trong bảo đảm cuộc sống cho NLĐ. Ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách.

Đến thời điểm này, hầu hết các tỉnh, thành phố đã chi trả cho bốn nhóm đối tượng: người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo đạt khoảng 98% kế hoạch đặt ra.

Đối với các nhóm đối tượng còn lại, hiện các địa phương cơ bản khảo sát xong và đang được Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách và kinh phí. Công tác chi trả thực hiện theo tinh thần đến đâu cấp đến đấy, phải khẩn trương hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

3.3. Đào tạo chuyển nghề, đào tạo nghề mới

Các địa phương khẩn trương xây dựng đề án về cung ứng lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn. Xác định rõ, cụ thể nhu cầu sử dụng lao động của từng doanh nghiệp, tổ chức; có các giải pháp để cung ứng nguồn lao động, xác định vai trò và trách nhiệm của các trung tâm dịch vụ việc làm địa phương; chú trọng giải quyết việc làm cho NLĐ mất việc do dịch Covid-19 và những đối tượng cần quan tâm; đồng thời, có chính sách thu hút lao động chất lượng cao.

Trước mắt, các sở, ban ngành phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại các địa phương, với các doanh nghiệp có từ 200 lao động mất việc làm trở lên, sẽ tiến hành tổ chức tư vấn, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngay lập tức.

Nhà nước khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo, đào tạo lại cho NLĐ tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp để kịp thời cung cấp lực lượng lao động thời kỳ hậu Covid-19. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đứng ra kết nối các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các hiệp hội lao động, hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, trung tâm dịch vụ việc làm để xác định nhu cầu đào tạo và triển khai đào tạo.

Nhà nước cần đẩy mạnh hệ thống thông tin thị trường lao động trên online ở website, fanpage, tư vấn trực tuyến. Một số công ty đang có nhu cầu tuyển dụng lớn được trung tâm giới thiệu lên mạng và lập kế hoạch cho các ngày hội việc làm, xây dựng sàn lao động công nghệ thông tin.

Tài liệu tham khảo

1. ILO Monitor: COVID-19 and the world of work. Fifth edition Updated estimates and analysis.

2. Hoàng Thùy (2019), Số lượng lớn lao động có thể thất nghiệp vào cuối năm, Tạp chí Tài chính, số tháng 8/2020.

3. World Bank, “What will be the new normal for Vietnam? The economic impact of COVID-19”, tháng 07/2020.

4. https://ec.europa.eu/eurostat/documents/2995521/11054062/3-02072020-AP-EN.pdf

5. https://asia.nikkei.com/Economy/South-Korea-unemployment-rate-surges-to-10-year-high-in-May

6. https://www.japantimes.co.jp/news/2020/07/03/business/economy-business/japan-jobless-data-masks-woes/.

Bài: Phương Hữu Từng - Khoa Quản trị nguồn nhân lực, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

Vũ Quang Thọ - Nguyên Viện Trưởng Viện Công nhân và Công đoàn

Đồ họa: Hoàng Hà

Xem phiên bản di động