Sau giai đoạn tăng giá nhẹ trước Tết Nguyên đán, tưởng chừng như thị trường ô tô, xe máy sẽ sớm hạ nhiệt sau tết thì bất ngờ, các mẫu xe máy, ô tô đều được đại lý tăng thêm từ vài triệu đồng cho đến hàng chục triệu đồng.
Điểm chung của tình trạng này là chỉ xảy ra ở các mẫu xe "hot" nhưng lại thiếu linh kiện lắp ráp dẫn đến mức giá giữa đại lý và nhà sản xuất chênh lệch khá lớn.
Chiêu "lách luật" có lợi cho cả người bán lẫn người mua
Với thị trường xe máy, các mẫu xe bị đội giá nhiều nhất có thể kể đến như: Honda Vision, LEAD, SH Mode và SH 125/150i. Các mẫu xe này hiện đang được bán chênh từ 7-15 triệu đồng/xe, cá biệt có mẫu xe SH350i chênh giá đến hàng chục triệu đồng.
Trên thực tế, tình trạng các đại lý bán chênh so với giá đề xuất không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã có từ trước. Tuy nhiên, thông thường, mức chênh của các mẫu xe ăn khách như Honda Vision, LEAD hay Air Blade chỉ chênh từ 3-7 triệu đồng/xe, ngược lại các mẫu xe kén khách như Honda Winner lại được các đại lý bán với giá thấp hơn giá đề xuất từ 2-4 triệu đồng.
Nguyên nhân của đợt tăng giá này là do tác động của dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản lượng xe giảm mà nhu cầu lại tăng cao sau khi nền kinh tế phục hồi, học sinh, sinh viên đi học trực tiếp trở lại khiến mất cân đối cung - cầu.
Từ đó, các mẫu xe ăn khách bị đẩy giá lên cao, trong khi đại lý không có xe để bán. Anh Hoàng Hải, nhân viên kinh doanh tại một đại lý uỷ quyền Honda (HEAD) tại Mỹ Đình, Hà Nội cho biết: "Xe SH bây giờ rất khan hàng, mỗi tháng các đại lý chỉ lấy được một vài chiếc nên không đủ bán, vì vậy giá mới tăng cao".
Ngoài tình trạng bán xe đội giá rất cao so với giá đề xuất, người tiêu dùng cũng phản ánh về tình trạng giá trên hoá đơn của các đại lý không đúng với thực tế, chỉ bằng với giá bán lẻ đề xuất của hãng.
Đây là chiêu "lách luật" để có lợi cả cho cửa hàng lẫn người mua, nếu ghi đúng giá bán ra, mức thuế của GTGT mà người mua phải đóng sẽ tăng lên theo giá bán thực tế, đồng thời doanh thu của cửa hàng cao hơn cũng khiến mức thuế thu nhập doanh nghiệp mà HEAD phải nộp lớn hơn.
Vì vậy, việc ghi giá bán xe thấp hơn giá bán thực tế đã có từ lâu, nhưng nhiều người "nhắm mắt cho qua" vì có lợi cho mình.
Vẫn chiêu bán "bia kèm lạc"
Với thị trường ô tô, tuy không tăng giá trực tiếp vào các mẫu xe nhưng người mua muốn sở hữu những mẫu ô tô ăn khách tại thời điểm này để được hưởng mức giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ phải mua thêm gói phụ kiện từ 30-120 triệu đồng.
Các mẫu xe có thể kể đến như: Ford Ranger phải mua bộ phụ kiện đi kèm trị giá 80 triệu đồng, Hyundai Tucson đi kèm bộ phụ kiện 90 triệu đồng, Hyundai Santafe mua kèm bộ phụ kiện giá tới 120 triệu đồng.
Nhân viên bán hàng tại một đại lý KIA cũng cho biết, các mẫu xe KIA Carnival, KIA Sonet hay KIA Seltos đều không đủ giao cho khách. Hiện tại, nếu khách hàng đặt cọc KIA Sonet hay KIA Seltos thì phải vài tháng nữa mới nhận được xe. Nếu muốn nhận xe ngay để được hưởng giảm 50% lệ phí trước bạ thì phải chấp nhận mua thêm bộ phụ kiện.
Trước tình trạng này, nhiều người dùng đã chuyển sang mẫu xe khác hoặc lựa chọn thuê xe dùng và chờ thêm để thị trường xe "hạ nhiệt".
Anh Q. Sơn, một người dùng bức xúc, bỏ 80 triệu để được lấy xe ngày thì thà đi thuê xe dùng trong 3-4 tháng nữa chờ có xe về rồi lấy. Chi phí thấp hơn mà cũng thoải mái.
Trái ngược với tình trạng "khan hàng" của nhiều mẫu xe KIA, Ford hay Hyundai, các mẫu xe xăng của VinFast lại đang giảm giá 40 triệu đồng và cũng không có tình trạng bán "bia kèm lạc" do nhu cầu với các mẫu xe này đã giảm mạnh sau khi VinFast tuyên bố khai tử mảng xe xăng vào cuối năm nay.