Áp lực giá cả sẽ tăng vào 6 tháng cuối năm
Standard Chartered dự báo tăng trường GDP của Việt Nam sẽ đạt 10,8% trong quý 3/2022 và 3,9% trong quý 4/2022, đưa tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7%.
“Quá trình phục hồi kinh tế đã cho thấy những tín hiệu lan tỏa, các chỉ số kinh tế vĩ mô được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi trong tháng 7. Quá trình hồi phục của nền kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối năm, đặc biệt khi lĩnh vực du lịch đã được mở cửa trở lại sau 2 năm đóng cửa” ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Standard Chartered chia sẻ.
Các chuyên gia kinh tế của Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất chính sách ở mức 4% trong năm 2022 để hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như quá trình tăng trưởng của nền kinh tế mặc dù lạm phát đang gia tăng. Tăng trưởng doanh thu bán lẻ sẽ tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ ở mức 30,2% trong tháng 7, so với mức 27,3% trong tháng 6.
Xuất khẩu, nhập khẩu và sản xuất công nghiệp được dự đoán sẽ tăng lần lượt 22,2%, 20% và 15% trong tháng 7 so với các mức 20%, 16,3% và 11,5% trong tháng 6. Dự kiến Việt Nam sẽ ghi nhận thâm hụt thương mại trong tháng này.
“Chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ tăng lên 3,6% trong tháng 7, so với mức 3,4% trong tháng 6 – mức nhanh nhất trong 2 năm trở lại đây, chủ yếu do các áp lực từ phía nguồn cung, trong khi đó áp lực từ phía nguồn cầu cũng dần gia tăng. Ở thời điểm hiện tại, tình hình lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát.” ông Tim Leelahaphan chia sẻ.
Theo Standard Chartered, giá nhiên liệu gia tăng trong khi đó giá các mặt hàng khác trong rổ lạm phát vẫn ở mức khá thấp. Áp lực giá cả, đặc biệt là thực phẩm và nhiên liệu, có thể sẽ tăng vào nửa cuối năm 2022 và trong năm 2023.
Việt Nam đã liên tục giảm giá xăng dầu (khoảng 20%) kể từ đầu tháng 7, sau 7 lần tăng giá liên tục kể từ cuối tháng 4, đầy giá xăng dầu trong nước tăng lên khoảng 40%. Chính phủ cũng đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu xăng dầu về 10% từ mức 20%.