Vướng quy định phòng cháy chữa cháy, hơn 70 cây xăng tại Bình Dương tạm dừng hoạt động
Kiến nghị xây dựng Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ |
Một cửa hàng xăng dầu trên địa bàn xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng đóng cửa. Báo Bình Dương |
UBND tỉnh Bình Dương đã họp bàn tìm giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc cho một số dự án cụ thể; xử lý khó khăn của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu; việc cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án đăng ký không thuộc danh mục các ngành nghề thu hút đầu tư…
Ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 74 cửa hàng đang tạm dừng hoạt động. Nguyên nhân các cửa hàng xăng dầu không được cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu chủ yếu do cửa hàng chưa đáp ứng điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và không đáp ứng khoảng cách an toàn theo QCVN 01:2020/BCT; một số cửa hàng xăng dầu chưa chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thương mại, dịch vụ theo quy định…
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Sở này đã có văn bản đề nghị công an tỉnh có giải pháp hướng dẫn doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu PCCC đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu khi doanh nghiệp nộp hồ sơ.
Sở Công thương Bình Dương cũng đã tổng hợp danh sách các cửa hàng xăng dầu chưa chuyển mục đích sử dụng đất (phân theo các giai đoạn đầu tư theo Luật Doanh nghiệp năm 1999, Luật Đầu tư năm 2005 và Luật Đầu tư năm 2014) kèm theo các tài liệu về đầu tư, xây dựng… gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, có ý kiến về chủ trương đầu tư khi thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất đối với từng trường hợp cụ thể.
Để xử lý nhanh chóng các vấn đang gây khó khăn cho doanh nghiệp, lãnh đạo địa phương này cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát cấp giấy chứng nhận chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thương mại, dịch vụ đảm bảo đúng quy định. Sở Công Thương phối hợp với Công an tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ các hộ kinh doanh hoàn thiện những điều kiện về PCCC.
Về việc thực hiện quy định PCCC, mới đây 7 hiệp hội vừa có văn bản gửi kiến nghị lên Chính phủ và các cơ quan bộ ngành phản ánh những khó khăn khi các văn bản quy phạm pháp luật và quy chuẩn PCCC liên tục được ban hành, sửa đổi thời gian gần đây.
Trong quá trình thi hành, áp dụng thực tiễn đã phát sinh nhiều khó khăn, bất cập, làm gia tăng gấp nhiều lần thời gian, chi phí và tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, có rất nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và hàng nghìn nhà xưởng xây mới hoặc cải tạo nhưng không thể đưa vào hoạt động do không đáp ứng kịp sự thay đổi của chính sách, không thể kiểm định, cấp phép phòng cháy chữa cháy, làm ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh chung của Việt Nam.
Trước thực trạng đó, các doanh nghiệp kiến nghị tháo gỡ một số vấn đề như cần nhanh chóng công bố và cấp phép cho nhiều sản phẩm đủ tiêu chuẩn PCCC để doanh nghiệp có cơ sở lựa chọn sản phẩm phù hợp. Đồng thời, Chính phủ nên nhanh chóng xã hội hóa công tác kiểm định, thẩm duyệt, nghiệm thu công tác PCCC để đẩy nhanh việc xét duyệt hồ sơ, đưa công trình vào sản xuất - kinh doanh, tạo sản phẩm cho xã hội.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn 4.617 tỷ đồng, tăng gấp đôi sau 3 tháng |