Chuyên gia: Hỗ trợ lao động mất việc, không chỉ là trợ cấp tiền
Chuyên gia: Hỗ trợ lao động mất việc, không chỉ là trợ cấp tiền (Ảnh minh họa). |
Thị trường lao động việc làm trong nước những tháng cuối năm 2023 vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, chủ yếu do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất; tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng; tình trạng lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp diễn.
Theo đánh giá của ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong thời điểm này, cả doanh nghiệp và người lao động đều khó khăn. Về phía doanh nghiệp là thiếu đơn hàng ảnh hưởng từ tình hình chung bao gồm chính sách tiền tệ; sức mua sụt giảm; chi phí sản xuất tăng cao; giá nguyên liệu tăng mạnh...
Hơn hết, sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp phải chống đỡ thời gian dài, để cải thiện tình trạng khó khăn, họ phải thực hiện nhiều biện pháp trong đó có chuyển đổi cơ cấu lao động.
“Khi doanh nghiệp bị ảnh hưởng thì người lao động bị liên đới nhiều nhất. Đặc biệt, trong lĩnh vực như dệt may, da giày, chế biến gỗ…, người lao động trong các ngành này bị sa thải, đột ngột thất nghiệp”, ông Thành thông tin.
Cũng theo ông Thành, các chính sách hỗ trợ người lao động trong bối cảnh này cần sát hơn, cũng như cần các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu nội địa…để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, vốn, giá nguyên vật liệu đầu vào cũng rất cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi. Từ đó, người lao động sẽ có công ăn, việc làm.
Công tác định hướng, dự báo cũng rất quan trọng, giúp dần định hướng lại, hỗ trợ trong công tác phát triển nhân lực, phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp. Như vậy, từng bước phục hồi thị trường lao động, việc làm bền vững.
Trong khi đó, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, với những người lao động mất việc, thì đằng sau họ là cả gia đình, con cái, nên việc di chuyển đến địa phương khác để có công việc mới gặp rất nhiều khó khăn, liên quan đến an sinh xã hội.
Tuy nhiên, công tác định hướng, dự báo cũng rất quan trọng, giúp dần định hướng lại, hỗ trợ trong công tác phát triển nhân lực, phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp. Như vậy, từng bước phục hồi thị trường lao động, việc làm bền vững.
Mặc dù thời gian qua Nhà nước đã có nhiều chính sách kịp thời hỗ trợ người lao động, song ông Lê Đình Quảng cũng cho rằng cần hoàn thiện theo hướng hỗ trợ nhiều hơn nữa, chú trọng vào đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động một cách bền vững, chứ không chỉ trợ cấp tiền cho họ khi mất việc làm.
Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng cần hướng tới đảm bảo việc làm, hỗ trợ nâng cao tay nghề cho người lao động. Ngoài ra, vẫn cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp để người lao động bị mất việc làm có điều kiện đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là chính sách về tiền lương, thu nhập, tránh tình trạng khi mất việc không đủ tiền duy trì cuộc sống, họ buộc phải rút bảo hiểm xã hội một lần.