Chủ đề: "Kinh nghiệm để sở hữu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp":
Gói cho vay NOXH: Cá nhân "hết suất", ưu tiên chủ đầu tư |
![]() |
Trước khi nghĩ đến việc mua nhà, điều tiên quyết là người lao động phải nắm rõ tình hình tài chính cá nhân. Ảnh minh họa tạo bởi AI. |
Phải nắm rõ tình hình tài chính cá nhân
Chuyên gia tài chính Trần Hữu Văn Bình, làm việc tại một doanh nghiệp chuyên hoạch định, tư vấn tài chính cá nhân tại TP. Đà Nẵng, chia sẻ: Trước khi nghĩ đến việc mua nhà, điều tiên quyết là người lao động phải nắm rõ tình hình tài chính cá nhân như lòng bàn tay.
Đầu tiên, người lao động hãy lập một bảng thống kê chi tiết về thu nhập. Đừng bỏ sót bất kỳ nguồn thu nào, dù là lương chính, thưởng, thu nhập từ công việc làm thêm, hay thậm chí là lợi nhuận từ các khoản đầu tư nhỏ (nếu có). Việc liệt kê đầy đủ sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn diện về tiền của mình.
Tiếp theo, hãy xem kĩ các khoản chi tiêu. Chia chúng thành hai nhóm chính là chi tiêu cố định và chi tiêu biến đổi.
"Các khoản cố định là những chi phí bạn bắt buộc phải trả hàng tháng, ví dụ như: tiền thuê nhà, tiền điện nước, internet, chi phí đi lại, tiền ăn uống hàng ngày, học phí cho con cái… Các khoản chi tiêu biến đổi bao gồm những chi phí có thể điều chỉnh được như mua sắm quần áo, giải trí, du lịch... Sau khi đã liệt kê đầy đủ, hãy tiến hành tính toán. Cộng tất cả các khoản thu nhập và chi tiêu để xác định số tiền chênh lệch. Đây chính là "vốn" tiềm năng mà bạn có thể tiết kiệm mỗi tháng để có thể mua nhà", ông Bình nói.
Đã có vốn, việc vay bao nhiêu cần tính kỹ hơn
![]() |
Nguyên tắc quản lý tài chính 50/30/20. Đồ họa AI. |
Theo ông Bình, hiện nay, có một nguyên tắc quản lý tài chính đơn giản mà hiệu quả, được nhiều người áp dụng, đó là nguyên tắc 50/30/20 khi quyết định vay mua nhà. Theo đó, 50% thu nhập nên dành cho các nhu cầu thiết yếu (ăn uống, sinh hoạt, đi lại…), 30% cho các khoản chi tiêu không bắt buộc (giải trí, mua sắm…), và 20% còn lại dành cho tiết kiệm và trả nợ.
"Nguyên tắc 50/30/20 là một khung tham khảo hữu ích. Nếu bạn thấy rằng chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu đã vượt quá 50% thu nhập, điều đó cho thấy bạn đang gặp khó khăn trong việc cân đối ngân sách và có thể sẽ chật vật nếu gánh thêm một khoản nợ lớn từ việc mua nhà. Vượt ngưỡng 50% còn đồng nghĩa với việc bạn sẽ ít có khả năng ứng phó với những rủi ro bất ngờ như bệnh tật, thất nghiệp hoặc các sự cố không lường trước được" ông Bình phân tích.
Theo vị này, khi đã có vốn để mua nhà, việc vay mua nhà bao nhiêu là một quyết định tài chính quan trọng. Đừng để áp lực từ bạn bè, đừng để tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) chi phối. “Phải dùng lý trí để suy xét thật kỹ, chỉ khi bạn vay trong khả năng, đảm bảo thu nhập từ nhiều nguồn và có một kế hoạch trả nợ rõ ràng, bạn mới có thể thực sự tận hưởng niềm vui an cư và biến ngôi nhà thành tổ ấm hạnh phúc, chứ không phải một gánh nặng đeo bám suốt cuộc đời," ông Bình đưa ra lời khuyên chân thành.
Cùng chung quan điểm về sự thận trọng trong quyết định mua nhà, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc chuyên trang Batdongsan, cũng đã chia sẻ rằng nếu chưa đủ tiềm lực tài chính, người mua nên cân nhắc phương án thuê nhà trước.
Theo ông Quốc Anh, việc mua nhà nên được xem xét kỹ lưỡng và phải phù hợp với tình hình tài chính cá nhân. "Thời điểm nào mua nhà cũng đúng, miễn là người mua đã tính toán cẩn thận về tài chính và các yếu tố đảm bảo tiện nghi cuộc sống. Người mua nên có sẵn tối thiểu 30-40% giá trị căn nhà dưới dạng tiền tích lũy, đồng thời tự tin rằng dòng tiền ổn định trong 3-5 năm tới đủ để duy trì cuộc sống. Mặc dù nhiều chủ đầu tư và ngân hàng hỗ trợ cho vay đến 80-85% giá trị sản phẩm, người mua cần cân nhắc kỹ lưỡng khả năng trả nợ. Nếu chưa đủ tài chính, nên cân nhắc phương án thuê nhà trước," ông Quốc Anh khuyến nghị.
Lời khuyên từ các chuyên gia tài chính và bất động sản đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá đúng năng lực tài chính và sự kiên nhẫn trong quá trình tích lũy. Việc sở hữu một căn nhà, đặc biệt là NOXH là một mục tiêu hoàn toàn khả thi đối với người lao động có thu nhập trung bình, nhưng nó đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt tài chính và một kế hoạch thực hiện nghiêm túc.
Xem thêm: Cách dễ dàng tiếp cận thông tin các dự án nhà ở xã hội