Doanh nghiệp thực phẩm tăng sản xuất để đáp ứng đơn hàng dịp Tết
Doanh nghiệp lên kế hoạch phục vụ nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người tiêu dùng dịp Tết. Ảnh: Thu Giang |
Tất bật chuẩn bị
Theo ông Trần Hữu Trường - Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Chiko Food, hiện tại doanh nghiệp đang hoàn thiện các khâu cuối cùng trong kế hoạch tăng tốc cuối năm để bắt đầu tăng sản lượng theo đúng kế hoạch. Chiko Food đang tổng hợp danh sách, tính toán số lượng tiêu thụ từng mã hàng, thông báo kế hoạch bày hàng Tết tới cửa hàng tiêu thụ, sau đó sẽ đặt hàng nguyên liệu sản xuất dự trù đối với từng mã sản xuất. Dự đoán tổng lượng hàng hóa dịp Tết sẽ tăng khoảng 30 - 50%, nhiều doanh nghiệp thực phẩm, phân phối hàng tiêu dùng tại Hà Nội đã lên kế hoạch chuẩn bị, tính toán dự trù nguồn hàng lên đến 250 - 300% để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ông Nguyễn Văn Ngọc - Giám đốc trung tâm MM Mega Market Thăng Long chia sẻ, hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng khoảng 20 - 30% so với dịp Tết 2022 và tăng 40 - 50% so với những tháng bình thường.
Người tiêu dùng thường bắt đầu mua sắm ít nhất 4 tuần trước khi dịp Tết chính thức bắt đầu, tính từ ngày 15/12/2022 tới 21/1/2023 đơn vị này sẽ trưng bày hàng Tết để người dân linh hoạt thời gian mua sắm.
Một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thịt, trứng gia cầm cũng đã hoàn tất khâu chuẩn bị tại trại chăn nuôi và trại liên kết từ giữa tháng 10/2022 để bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho thị trường.
Phía Công ty TNHH Ba Huân cũng đã tăng đàn gà, vịt với số lượng tăng từ 10 - 20%, riêng nhà máy sản xuất tăng khoảng 20% sản lượng hàng so với cùng kỳ năm ngoái.
Đảm bảo cung ứng hàng hoá cho thị trường tiêu dùng dịp Tết
Liên tục cập nhập thông tin thị trường, Bộ Công Thương mới đây cũng nhận định, trong thời gian tới, thị trường hàng hóa thế giới còn tiềm ẩn bất ổn sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường hàng hóa trong nước và xuất khẩu của Việt Nam theo hướng bất lợi.
Chính vì vậy, bên cạnh việc khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ động thực hiện chương trình bình ổn thị trường, Bộ Công Thương cho rằng, cần tiếp tục thực hiện các phương thức hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện như hỗ trợ lãi suất vốn vay tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng hoặc vay vốn với lãi suất 0%…
Đặc biệt, Bộ Tài chính cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, chỉ đạo các địa phương triển khai chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán năm 2023 để góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Dự báo của Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, năm nay nhu cầu tiêu dùng ngành hàng thực phẩm dịp cuối năm sẽ tăng khoảng 30%, đây cũng là tháng cao điểm để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất. Điểm thuận lợi lúc này là giá nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng giảm, vì vậy doanh nghiệp có thể tăng thu mua nguyên liệu bằng cách đa dạng thêm nhà cung cấp và tối ưu hóa chi phí để sẵn sàng đón đầu nhu cầu tiêu dùng cuối năm.
Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, nhiều doanh nghiệp đã có dự trữ ổn định từ nay cho tới cuối năm và qua 1 - 2 tháng đầu của năm 2023. Tuy đang có lợi thế về mặt nguyên liệu, nhưng theo đánh giá của Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, các doanh nghiệp đang giảm thời gian tích trữ hàng hoá so với mọi năm bởi nguồn vốn hạn hẹp. Nhiều doanh nghiệp đang tìm cách để vừa ổn định sản xuất, vừa không tăng áp lực tài chính trong giai đoạn sản xuất gấp rút cuối năm.
Theo nguồn: laodong.vn