Ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch CTCP Chứng khoán Smart Invest (AAS) |
Sau đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam đã hồi phục mạnh mẽ, tuy nhiên những khó khăn từ bên ngoài cũng ít nhiều tác động tới các doanh nghiệp, cũng như thị trường chứng khoán trong nước.
Tại Talkshow Phố Tài Chính (The Finance Street) trên VTV8 mới đây, ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch CTCP Chứng khoán Smart Invest (AAS) đã có những chia sẻ quan điểm về quản trị rủi ro cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay.
BTV Mùi Khánh Ly: Dù kinh tế Việt Nam đang phục hồi tốt nhưng vẫn còn các sức ép đến từ bên ngoài. Theo ông, những thách thức mà các doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt là gì?
Ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS): Sau khi đại dịch trôi qua thì nền kinh tế thế giới, những biến động địa chính trị trên thế giới đã xảy ra rất nhiều. Lạm phát các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Châu Âu, xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy giá nhiên liệu và cấu thành giá của những hàng hóa khác, đặc biệt là ngành vận tải. Chính vì thế, lại càng đẩy chỉ số lạm phát chung của toàn cầu lên rất cao.
Việt Nam chúng ta cũng chịu sức ép từ biến động giá ở trên thế giới rất là lớn. Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay Chính phủ chủ yếu tập trung vào một bài toán rất hóc búa, đấy là vừa phải ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đảm bảo được tốc độ tăng trưởng sau dịch. Khi mà chúng ta muốn theo đuổi tăng trưởng thì chắc chắn phải chấp nhận một tỷ lệ lạm phát nhất định và khi theo đuổi ổn định sẽ phải cố gắng để tạo ra những chính sách để kiềm chế lạm phát.
Trong khi đó, chúng ta có thể thấy khi đại dịch trôi qua, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh được bình thường hóa trở lại thì tốc độ tăng trưởng tín dụng đã rất lớn so với những năm trước đó, dẫn đến nguy cơ dòng tiền trong nền kinh tế và nguy cơ lạm phát ở trong nội tại cũng như của thế giới tác động đến Việt Nam sẽ lớn lên rất nhiều.
Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã có những điều hành để tỷ lệ tăng trưởng tín dụng nằm ở trong một khuôn khổ, đảm bảo được cả hai yếu tố là ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế, dẫn đến việc các doanh nghiệp khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn để phát triển trong giai đoạn vừa qua.
Trước những thách thức ấy, vấn đề quản trị rủi ro cho doanh nghiệp càng được chú trọng?
Ở mọi giai đoạn trước cũng như hiện tại, tất cả doanh nghiệp đều quan tâm và chú trọng đến công tác quản trị rủi ro. Rủi ro đối với một doanh nghiệp thường đến từ ba yếu tố cơ bản, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động trong vận hành của một doanh nghiệp, liên quan nhiều đến yếu tố quản trị và chúng ta đang trong một quá trình chuyển đổi số. Suốt hơn 2 năm đại dịch đã thúc đẩy các doanh nghiệp và người dùng tìm đến những sản phẩm số, đặc biệt là ở trong các hoạt động của ngân hàng và các công ty chứng khoán. Chính những điều này đã giúp công tác quản trị, tiết kiệm chi phí, quản lý chi phí tốt hơn đối với các doanh nghiệp và tổ chức.
Thứ ba là rủi ro tài chính của các doanh nghiệp. Đối với cả các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam thì rủi ro này hiện hữu hơn hết. Trong suốt quá trình làm tư vấn về tài chính cho các doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam năng lực về vốn thường rất yếu. Sau một quá trình sản xuất kinh doanh lõi sẽ đạt được những thành công nhất định, họ mở rộng sang các hoạt động đầu tư khác nhưng nguồn vốn thì lại cơ cấu không được chặt chẽ. Người ta cơ cấu những nguồn vốn ngắn hạn sử dụng để sang đầu tư cho những hoạt động đầu tư dài hạn.
Khi những hoạt động đầu tư dài hạn chưa mang lại được lợi ích ngay cho hoạt động của doanh nghiệp mà nguồn vốn ngắn hạn đã đến thời hạn phải chi trả, phải cơ cấu dẫn đến mất cân đối tài chính. Hầu hết các doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất và bất động sản thường gặp phải vấn đề này.
Trước những áp lực từ kinh tế toàn cầu thì việc mở thêm “van” tín dụng, khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp cũng đang rất được các doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm, ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?
“Room” tín dụng là câu chuyện của cả năm 2022. Đúng là sự tăng trưởng tín dụng sau dịch rất lớn. Về cuối năm thì nhu cầu về đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh sẽ càng tăng mạnh, dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp do “room” tín dụng không còn quá nhiều.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của thị trường chứng khoán dẫn đến công tác tiếp cận vốn trung, dài hạn thông qua kênh thị trường chứng khoán, từ cổ phiếu phát hành thêm cho đến trái phiếu đã bị hạn chế và kém đi rất nhiều, dẫn đến nhu cầu về vốn các doanh nghiệp đổ dồn lên phần tín dụng của các ngân hàng thêm trầm trọng hơn.
Do đó, bắt buộc các doanh nghiệp phải tìm những cách không phải phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng từ bên ngoài nữa mà hãy cố gắng để tập trung vào những hoạt động sản xuất cốt lõi, tập trung nguồn lực tài chính và những hoạt động mang tính chất thiết yếu, cốt lõi của doanh nghiệp để tạo đà tăng trưởng tốt cho giai đoạn sắp tới, hạn chế việc đầu tư dàn trải cũng là một trong những biện pháp quản trị ở trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh những nỗ lực từ các doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết, với bối cảnh hiện nay, sẽ cần các giải pháp vĩ mô như thế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ sau dịch cũng như chống chọi lại những thách thức bên ngoài?
Đối với hoạt động trên thị trường chứng khoán, 2022 là một năm có rất nhiều những biến động liên quan đến việc minh bạch hóa và những luật dự kiến sẽ được sửa đổi để làm cho thị trường được chặt chẽ hơn. Đặc biệt là những luật liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp và dự kiến thời gian tới đây sẽ được thông qua để giúp cho thị trường trái phiếu được hoạt động minh bạch hơn, phát triển bền vững hơn. Các cơ quan quản lý trong suốt giai đoạn vừa qua cũng đã hoạt động rất tích cực và bám sát thị trường để giúp hoạt động của thị trường không bị phát triển quá nóng.
Tất nhiên, những điều đó sẽ tác động ngắn hạn đến tâm lý của nhà đầu tư nhưng về mặt dài hạn sẽ giúp thị trường bền vững, đặc biệt là thị trường chứng khoán Việt Nam đang hướng tới việc nâng hạng ở trong giai đoạn sắp tới.
Về phía nhà đầu tư sẽ phải làm thế nào để lựa chọn được những doanh nghiệp có khả năng quản trị rủi ro tốt và hiệu quả?
Đối với các doanh nghiệp niêm yết ở trên thị trường thì lưu ý thời gian hoạt động của doanh nghiệp, thời gian càng lâu trên thị trường càng chứng tỏ là doanh nghiệp đó tồn tại và phát triển mang tính chất bền vững hơn.
Yếu tố thứ hai là trong suốt quá trình hoạt động, những thông tin, những công bố phải hết sức minh bạch và không có thông tin mang tính chất tiêu cực xảy ra ở trong quá trình vận hành. Khi quan tâm đến việc quản trị rủi ro của doanh nghiệp, chúng ta phải đặc biệt chú ý đến những yếu tố này.
Yếu tố thứ ba là đánh giá của các tổ chức có uy tín như Standard Chartered, Moody’s, Fitch Ratings và ở Việt Nam gần đây có một số doanh nghiệp đứng ra làm công tác đánh giá hệ số tín nhiệm của các doanh nghiệp là một trong những yếu tố mà nhà đầu tư cần phải tham khảo.