Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tháng 8 ở mức 152.398 đơn vị, giảm 23% so với tháng trước. Đây cũng là tháng có lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước thấp nhất kể từ tháng 11/2021.
Tính chung cả 8 tháng đầu năm 2022, cá nhân trong nước mở mới ròng gần 2,2 triệu tài khoản chứng khoán, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm trước và cao hơn 43% so với mức 1,5 triệu tài khoản mở mới cả năm 2021.
Trong khi đó, lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư tổ chức trong nước tháng 8 đạt 169 đơn vị, tăng mạnh so với tháng trước (81 đơn vị). Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tới hết tháng 8 đạt gần 6,5 triệu, tương đương hơn 6,5% dân số. Trong khi đó, theo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045, số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số năm 2025 và 8% dân số vào năm 2030.
Tuy nhiên, con số này chưa thực sự phản ánh chính xác tỷ lệ người dân tham gia vào chứng khoán bởi một nhà đầu tư có thể có nhiều tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán.
Lượng tài khoản mở mới ròng của nhà đầu tư nước ngoài là 306 đơn vị, giảm 25% so với tháng trước. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mở mới 267 tài khoản chứng khoán (tháng 7 là 385 tài khoản). Lượng tài khoản chứng khoán của tổ chức nước ngoài tăng thêm 39 đơn vị, tăng 70% so với tháng 7. Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài tại thời điểm cuối tháng 8 đạt 152.567.
Mặc dù số tài khoản mở mới giảm mạnh về mức thấp nhất trong 4 tháng gần đây, nhưng ghi nhận thanh khoản thị trường lại tích cực khi ghi nhận mức cao nhất trong hơn 4 tháng.
Thanh khoản đã bắt đầu cải thiện từ tháng 8 sau giai đoạn ảm đạm chưa từng thấy trong vòng hơn 2 năm kể từ khi làn sóng nhà đầu tư mới đổ bộ vào thị trường. Giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE trong tháng 8 đạt hơn 14.000 tỷ đồng, tăng hơn 37% so với tháng 7. Trước đó, thanh khoản thị trường đã liên tục sụt giảm từ tháng 3 và có thời điểm giá trị khớp lệnh trên HoSE xuống dưới 8.000 tỷ đồng.
Thị trường chiết khấu sâu từ đỉnh là một trong những yếu tố kích thích dòng tiền bắt đáy qua đó đẩy thanh khoản hồi phục mạnh mẽ. Thêm nữa, việc áp dụng chu kỳ thanh toán mới T+2 từ ngày 29/8 và giao dịch lô lẻ từ ngày 12/9 tới đây cũng được kỳ vọng sẽ góp phần giúp thị trường giao dịch sôi động hơn. Theo các chuyên gia, thanh khoản có thể tăng khoảng 20-30% tùy thuộc vào mức độ hưng phấn của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường cũng được hỗ trợ phần nào từ sự trở lại của khối ngoại sau thời gian dài bán ròng triền miên. Tính từ đầu quý 2, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng lên đến gần 10.000 tỷ đồng trên HoSE qua đó đảo chiều xu hướng bán ròng hồi đầu năm. Tính chung 8 tháng đầu năm, giá trị mua ròng đạt hơn 2.500 tỷ đồng, khả quan hơn nhiều con số bán ròng kỷ lục hơn 60.000 tỷ đồng trong năm ngoái.
Điều chỉnh là cơ hội tích luỹ cổ phiếu tốt
Nhận định về thị trường tháng 9 này, VNDIRECT kỳ vọng vùng 1.240-1.260 điểm sẽ là hỗ trợ mạnh cho VN-Index. Nhà đầu tư có thể nâng tỷ trọng cổ phiếu nếu VN-Index giảm về vùng hỗ trợ.
Bình luận về việc triển khai giao dịch T+2 vào ngày 29/8, VNDIRECT cho biết, quyết định này tác động tích cực đến các nhà đầu tư và TTCK. Cụ thể, về phía nhà đầu tư, việc rút ngắn chu kỳ thanh toán xuống T+2 giảm thời gian thanh toán, giúp nhà đầu tư phản ứng nhanh hơn với những thay đổi của nền kinh tế và thị trường tài chính. Từ đó, nhà đầu tư có thể tăng hiệu quả đầu tư cũng như tiết kiệm chi phí giao dịch.
Về phía thị trường, điều này góp phần tăng tính thanh khoản cho thị trường. Ngoài ra, nó còn giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp cận dần với các tiêu chuẩn quốc tế và hỗ trợ thị trường nâng hạng lên Thị trường mới nổi.
Cũng theo VNDIRECT, VN-Index đang giao dịch với mức chiết khấu 22% so với mức đỉnh của năm nay và giảm 17% so với mức P/E trung bình 5 năm. Việt Nam cũng nổi bật trong số các thị trường mới nổi với mức tăng trưởng EPS cao trong giai đoạn 2022-24, kéo theo mức P/E dự phóng cho năm 2022 là 12,2 và P/E dự báo cho 2023 là 10,4 lần, thấp hơn nhiều so với P/E trung bình 5 năm gần đây là 16,4 lần.
Tương tự, Công ty chứng khoán Mirae Asset cũng cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện được giao dịch tại mức định giá khá rẻ so với tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước vẫn tiếp tục phục hồi, định giá thị trường chứng khoán vẫn đang là điểm sáng hấp dẫn trong mắt những nhà đầu tư nước ngoài, minh chứng qua việc khối ngoại kéo dài đà mua ròng xuyên suốt 5 tháng qua.
Theo thống kê của Bloomberg, EPS của VN-Index nửa đầu năm 2022 tăng 15,2% so với cùng kỳ năm. Tương ứng với mức tăng trưởng EPS kỳ vọng của Mirae Asset, VN-Index được dự phóng sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục trong trung và dài hạn. Vì vậy, các nhịp điều chỉnh (nếu có, do ảnh hưởng từ việc thế giới tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 9), sẽ mở ra cơ hội tích lũy cổ phiếu tốt để đầu tư trong trung và dài hạn.