Phiên "tát ao", thanh khoản đã nhảy vọt
Diễn biến giao dịch phiên 19/9 |
Có thể sẽ còn xuất hiện những lo ngại VN-Index còn tiếp tục giảm về dưới 1.200 điểm sau phiên hôm nay. Tuy nhiên, điều này sẽ ít có cơ sở bởi trạng thái chung của các thị trường châu Á trước khi FED công bố lãi suất là không quá đà như thị trường Việt Nam.
Một loạt chỉ số như NIKKEI 225 (-1,1%), KOSPI (-1,14%), KLCI (-1,19%) cũng đều bị ảnh hưởng mạnh nhưng cũng chỉ giảm trên 1%. VN-Index trong khi đó kết phiên hôm nay còn giảm hơn 2 lần so với các chỉ số này, mất 2,32% tương đương 28,6 điểm xuống 1.205,43 điểm.
VN30 vẫn là chỉ số dẫn dắt khi giảm 1,83%. Trong phiên chiều, đã có trường hợp giảm sàn là GVR (-6,9%) trong khi đó một loạt mã giảm trên 3% như SSI (-5,9%), POW (-5,3%), BVH (-5,2%), TPB (-4,9%), PDR (-4,7%), STB (-3,8%), BID (-3,7%), MBB (-3,7%), VIB (-3,1%). Tổng cộng có 27/30 mã giảm giá trong rổ.
Sự chênh lệch của VN-Index và VN30 đến từ việc các cổ phiếu Midcap và Penny đã có rất nhiều mã tỏ ra nhạy cảm và giảm sàn như NKG, HSG, VCI, HDG, HDC, VGC, GEX, DCM, DGW, CII, KBC, DPG, BCG, PVD, PET, MIG, GIL, LDG, CKG, SCR. Nếu gộp cả GVR trong rổ VN30, toàn sàn có 61 mã giảm sàn.
Dù vậy thanh khoản của thị trường đã cho thấy việc rủ bỏ là thật sự có cơ sở. Sau phiên sáng duy trì mức thanh khoản tốt, phiên chiều tiếp tục có tiền vào bắt đáy. Chốt phiên, đạt 16.706 tỷ đồng cao hơn phiên thứ Sáu khoảng 1.200 tỷ đồng.
Với HNX-Index, chỉ số đã tỏ ra nhạy cảm do hầu hết các mã trên sàn chỉ có quy mô tương nhóm Midcap và Penny. Các trường hợp giảm trên 7% xuất hiện nhiều như IDC (-9,9%), L14 (-9,4%), PVC (-9%), L18 (-7,6%), TNG (-7,5%), MBS (-7%). PVS (-6,7%) cũng gần như xấp xỉ mức này. Chính vì vậy, HNX-Index chốt phiên giảm 3,16% xuống 264,25 điểm. Giá trị giao dịch đạt tới 2.009 tỷ đồng.
Trong khi đó, UPCoM-Index chỉ giảm 1,25% xuống 88,34 điểm. Giá trị giao dịch sàn đạt 696 tỷ đồng.
*****
Vẫn là sức ép từ VN30 khi tổng cộng có 26 mã giảm về cuối phiên sáng. Tuy nhiên, biên độ của các mã giảm mạnh nhất cũng chưa đến 4% như PDR (-3,6%), SSI (-3,5%), GVR (-3,5%), VIB (-2,9%), VRE (-2,8%).
Tuy nhiên, trên thị trường hiện tượng rũ bỏ của một số mã Midcap và Penny đã xuất hiện. Điển hình như DIG (-4,45%), PVD (-5%), VCI (-5,17%), HDC (-6,26%), DPG (-6,33%), NKG (-4,05%), HSG (-4,07%). Điều này đang tạo ra đà rơi mạnh hơn cho VN-Index (-1,11%) so với VN30 (-1,03%).
Tuy nhiên, thanh khoản vẫn đang được liên tục theo dõi và vẫn đang cho thấy có dòng tiền tham gia tốt. So với phiên sáng ngày 16/9, chênh lệnh hiện đã được nới lên thành 900 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch đang là 6.856 tỷ đồng Với việc phiên chiều sẽ có còn thêm lực cung của cổ phiếu 15/6, giao dịch hoàn toàn có thể vẫn được đẩy mạnh hơn.
Hiện chỉ số HNX-Index đang giảm 1,38% xuống 269,11 điểm. Giá trị giao dịch của sàn HNX đang là 743 tỷ đồng.
****
VN-Index đã giảm liền 3 tuần và với các diễn biến nhiều xáo trộn trong phiên cơ cấu ETFs ngoại cuối tuần vừa qua thì khả năng chỉ số kiểm tra lại vùng 1.230 có khả năng cao xảy ra.
Đầu phiên sáng nay, phe bán đang tỏ ra áp đảo và còn đang nhúng chỉ số xuống dưới khá sâu mốc 1.230. Tính đến 10h30, VN-Index đang giảm gần 10 điểm xuống 1.224 điểm.
Biên độ của VN-Index đang bám sát VN30 cho thấy nhóm VN30 vẫn còn chi phối mạnh tâm lý chung. Sau các diễn biến như đáo hạn phái sinh hay cơ cấu ETFs, thị trường dường như vẫn còn thói quen nhìn vào VN30 để hành động. Điều này có thể sẽ tiếp diễn đặc biệt là trong tuần Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ công bố mức tăng lãi suất.
Cả rổ VN30 hiện chỉ có 5 mã tăng giá còn lại là 22 mã giảm và 2 mã đứng giá tham chiếu. Các cổ phiếu có đà giảm mạnh nhất là VIB (-3,3%), SSI (-2,6%), PDR (-2,8%), VRE (-2,7%), TPB (-2,5%), GVR (-2,2%), TCB (-2,4%), STB (-1,6%). Nhóm Ngân hàng với các trường hợp như VIB, TPB, TCB, STB cộng thêm thêm những ông lớn như BID (-1,5%), VCB (-1,3%), CTG (-1,5%) đang tạo ra áp lực quá lớn mà hầu như các trụ khác cũng rất khó để bù lại.
Trong khi đó, một số trụ như VHM (-0,3%), VNM (-1,1%), MSN (-0,4%) cũng đang giao dịch khá "lờ đờ" thì tín hiệu cho thị trường bật lên là hoàn toàn chưa có.
Do chịu chi phối của VN30 nên hàng loạt nhóm ngành khác cũng đang giảm giá kể những nhóm ngành vẫn còn khả quan như Năng lượng khi POW (-0,7%), NT2 (-0,6%), PC1 (-0,5%) đều giảm nhẹ. Hoặc như nhóm Bán lẻ với MWG (-0,4%), DGW (-2,8%). Hay Phân bón và Dầu khí với PVD (-2,4%), DPM (-2,1%), DCM (-2,6%), BFC (-2,8%).
Khi những nhóm có xu hướng khả quan cũng giảm thì những nhóm yếu hơn như Bất động sản, Chứng khoán, Thép càng có ít cơ sở để níu giữ giá. Một loạt cổ phiếu như DIG (-2,37%), GEX (-2,26%), HDG (-3,3%), DPG (-4,3%), PDR (-2,99%), HDC (-3,4%), DPG (-4,08%), (-2,63%), SSI (-2,36%), HCM (-1,71%), NLG (-2,34%), NKG (-2,93%), HSG (-3,2%) đều giảm trên 2%.
Yếu tố duy nhất được xem là tích cực là thanh khoản nhưng cũng chưa hẳn là quá ấn tượng. Giá trị giao dịch tới 10h30 của HOSE đang là gần 4.122 tỷ đồng, cao hơn phiên thứ Sáu tuần trước gần 600 tỷ đồng. Nếu thanh khoản của cả phiên hôm nay duy trì cao hơn phiên này thì sẽ là điều rất cần chú ý bởi trong phiên thứ Sáu đã có đóng góp rất lớn từ những hoạt động cơ cấu của các ETFs ngoại.
Với HNX, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế tuy nhiên chỉ số đại diện đã không những diễn biến thái quá. Mức giảm của chỉ số cũng gần như bám sát VN-Index, giao dịch tại 269,14 điểm.