Hồi phục hậu COVID-19 nhưng áp lực giá nguyên liệu vẫn đè nặng "đôi cánh" h
Theo Hiệp hội hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam là quốc gia có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới, với đà tăng trưởng tới 123% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 6 tháng đầu năm, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 40,7 triệu khách, tăng 56,8% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,8 triệu khách, tăng 904,6%; khách nội địa đạt 38,9 triệu khách, tăng 52,6%.
Ước tính trong năm 2022, các cảng hàng không trên cả nước sẽ đón khoảng 87,8 triệu khách, tăng 190% so với năm 2021. Riêng khách quốc tế dự kiến đạt khoảng 5 triệu khách, tăng 844% và khách nội địa đạt khoảng 82,8 triệu khách, tăng 178,4%.
Có thể thấy, mặc dù hàng không đang phục hồi một cách nhanh chóng song chi phí tăng cao, cùng với đó là khoản lỗ luỹ kế từ giai đoạn dịch khiến tình hình kinh doanh của các hãng hàng không vẫn không mấy sáng sủa.
GIÁ DẦU TĂNG 1-2 USD/THÙNG, HÀNG KHÔNG MẤT THÊM HÀNG TRĂM TỶ ĐỒNG
Theo tài liệu cổ đông của Vietnam Airlines (mã: HVN), trong năm 2021 giá nhiên liệu bay ZA1 bình quân là 72,62 USD/thùng, tăng 2,17 USD/thùng so với kế hoạch khiến chi phí nhiên liệu của HVN tăng 218 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra.
Bước sang năm 2022, giá cả leo thang, hầu hết các đồng tiền chính đều mất giá, lạm phát tăng mạnh ở các nước, đồng tiền Nhật - Hàn giảm 10%, đặc biệt, chi phí nguyên liệu ZA1 tăng phi mã khiến HVN rơi vào tình trạng tiếp tục thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu.
Hiện tại, giá dầu diễn biến khó lường, vào đầu năm giá dầu ZA1 khoảng 83-85 USD/thùng thì nay đã tăng phi mã đến 155-160 USD/thùng. Điều này khiến HVN dự kiến vẫn tiếp tục lỗ lớn trong quý 2/2022. Cả năm 2022, Vietnam Airlines đặt mục tiêu sẽ lỗ ròng 9.335 tỷ đồng, giảm 23,5% so với khoản lỗ năm trước.
Tương tự Vietnam Airlines, tại Đại hội đồng cổ đông Vietjet Air (mã: VJC) tổ chức vào cuối tháng 5, ông Tô Việt Thắng, Phó tổng giám đốc Vietjet Air cũng cho biết, giá nhiên liệu đang chiếm 40% tổng chi phí khai thác.
"Khi giá nhiên liệu tăng trên 100 USD một thùng, chi phí khai thác của các hãng hàng không tăng thêm 50%", ông Thắng nói.
Tân binh của hãng không Việt là Vietravel Airlines thì cho biết, giá nhiên liệu hàng không tăng cao đến thời điểm này đã tác động vào tổng chi phí vận hành của hãng. Thông thường chi phí xăng dầu sẽ chiếm 30% trong tổng chi phí, tuy nhiên hiện tại tỷ trọng này đã tăng lên 45-55% chi phí của mỗi chuyến bay.
Ngoài việc gia tăng chi phí cho hàng không, việc giá xăng tăng lên, sẽ ảnh hưởng đến giá vé và "túi tiền" của người tiêu dùng, từ đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến ngân sách chi trả cho nhu cầu đi lại, ông Nguyễn Vũ Hoàng, Giám đốc Tiếp thị truyền Thông Vietravel Airlines cho biết.
Chỉ vỏn vẹn 3 máy bay song việc chi phí tăng cao cũng khiến hãng "chật vật". Theo báo cáo tài chính của Vietravel, kết thúc quý 1, khoản đầu tư của công ty mẹ lỗ 60 tỷ đồng tại Vietravel Airlines.
Giá vé hiện nay đã tăng trung bình từ 20-50% một phần vì nhu cầu tăng cao sau đại dịch, phần khác từ giá nhiên liệu tăng phi mã |
TĂNG GIÁ VÉ ĐỂ BÙ ĐẮP CHI PHÍ HAY "GỒNG MÌNH" GIỮ KHÁCH?
Giá xăng tăng cao khiến các hãng hàng không đứng trước bài toán khó: Tăng mạnh giá vé để bù đắp chi phí hay cố gắng giữ giá vé ở mức hợp lý nhất để hấp dẫn người dùng trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu hậu Covid-19.
Hiện tại, giá vé máy bay đã tăng trung bình từ 20-50% so với thời điểm đầu năm 2022, một phần vì nhu cầu tăng cao sau đại dịch, phần khác từ giá nhiên liệu tăng phi mã. Tuy nhiên, so với chi phí mà các hãng bay phải bỏ ra, mức tăng giá này vẫn chưa đủ bù đắp.
Đại diện Vietravel Airlines cho biết, với tình hình hiện tại, việc tăng giá vé là giải pháp mà hãng không hề mong muốn nhưng vẫn phải làm để cân đối chi phí chuyến bay.
Các hãng hàng không cũng đã chủ động và tiếp tục cắt giảm các chi phí vận hành không thiết yếu để tiết kiệm chi phí.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air cũng cho biết, khi giá nhiên liệu tăng cao, Vietjet Air có chính sách phụ thu xăng vào giá vé của khách để họ cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Đây cũng là cách mà hầu hết hãng hàng không trong nước và quốc tế áp dụng nếu giá nhiên liệu tăng quá cao.
Bên cạnh đó, Vietjet Air cũng luôn theo dõi sát giá vé để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kiểm soát chi phí ở mức thấp nhất. Hãng hàng không này luôn hướng dẫn phi công đặt chế độ bay phù hợp, sử dụng đội tàu bay tiết kiệm nhiên liệu, nhà cung cấp nhiên liệu có mức giá tốt..
Bên cạnh đó, việc nâng cấp lên các thế hệ tàu bay mới, hiện đại, an toàn và tiết kiệm nhiên liệu, cũng như sử dụng nhiên liệu thay thế trong vận hành máy bay trong tương lai,... cũng là những giải pháp mà các hãng hàng không hướng tới.
Ngoài ra, một số hãng hàng không cũng kiến nghị, Chính phủ cần có thêm các giải pháp hỗ trợ hàng không, cụ thể là giảm thuế phí với nhiên liệu bay.
Theo Vietravel Airlines, thuế phí cho nhiên liệu bay vẫn ở mức khá cao và mới chỉ được giảm 1.500 đồng/lít đối với thuế bảo vệ môi trường. Ngoài loại thuế này, nhiên liệu bay vẫn đang chịu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng. Vì vậy, để hàng không thực sự có thể phục hồi sau đại dịch cần nhiều hơn nữa các biện pháp từ Chính phủ.