Khởi động mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3, có doanh nghiệp đã vượt xa kế hoạch năm
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP quý 3 tăng trưởng tới 13,67% so với cùng kỳ năm trước – thời điểm COVID-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và khiến GDP kỳ đó âm 6,17%.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế quý 3/2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,24%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,91% và đặc biệt khu vực dịch vụ tăng 18,86%.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 3/2022 cũng cho thấy có 38,6% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý 3/2022; 36% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 25,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Cùng với đà hồi phục và tăng trưởng của nền kinh tế, kết quả kinh doanh (KQKD) của nhiều doanh nghiệp trong quý 3 được kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc.
Thực tế, nhìn vào KQKD quý 3 ước tính mà một số doanh nghiệp vừa hé lộ có thể thấy mức tăng trưởng lợi nhuận khá khả quan nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều thuận lợi.
Trong quý 3, dù giá dầu đã giảm đáng kể nhưng vẫn neo ở mức cao, nhờ đó mà doanh thu và lợi nhuận của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS, mã GAS) vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng.
Tại hội thảo nhà đầu tư mới đây, Chủ tịch HĐQT PV GAS tiết lộ, doanh nghiệp đã vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch năm 2022, trong đó chỉ tiêu tài chính ước thực hiện 9 tháng vượt kế hoạch từ 40-60%. Dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh cả năm 2022 vượt kế hoạch từ 25-77% kế hoạch cả năm, trong đó doanh thu dự kiến đạt mốc 100.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến 15.500 tỷ đồng, tương ứng tăng 26,6% và tăng 38,4% so với kết quả năm 2021.
Lãnh đạo PV GAS cho biết doanh thu 9 tháng đầu năm của công ty đạt 76.500 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế là 14.000 tỷ đồng, tăng 61,8%.
Như vậy, trừ đi kết quả 2 quý đầu năm, quý 3, PV GAS đạt doanh thu khoảng 22.158 tỷ đồng và lãi trước thuế 3.218 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và tăng 4% so với quý 3/2021. Tuy nhiên, so với hai quý đầu năm, đây là giai đoạn có kết quả thấp nhất cả về doanh thu và lợi nhuận của PV GAS.
Tương tự, giá dầu neo ở mức cao cũng hỗ trợ rất nhiều cho doanh thu của CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (mã BSR) trong quý 3 cũng như 9 tháng đầu năm.
Tổng giám đốc Lọc hoá dầu Bình Sơn cho biết tổng doanh thu 9 tháng đầu năm của đơn vị quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất này đạt hơn 125.000 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 14.000 tỷ đồng. So với kế hoạch doanh thu cả năm là 91.411 tỷ đồng, BSR đã vượt 36% chỉ tiêu.
Theo báo cáo soát xét bán niên nửa đầu năm, tổng doanh thu của BSR đạt hơn 87.174 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 12.444 tỷ đồng – vượt xa kế hoạch lợi nhuận cả năm. Như vậy ước tính trong quý 3, doanh thu của BSR khoảng 37.826 tỷ đồng, gấp 2,14 lần kết quả doanh thu cùng kỳ năm ngoái.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã GVR) cho biết, trong 9 tháng đầu năm doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn đạt 18.397 tỷ đồng, bằng 102% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận khoảng 4.408 tỷ đồng, bằng 104% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, doanh thu công ty mẹ là 1.927 tỷ đồng, lợi nhuận công ty mẹ là 876 tỷ, tăng 1% và 2%. Tính riêng quý 3, doanh thu của GVR đạt khoảng 7.916 tỷ đồng, tăng 28% so với quý 3/2021.
Năm 2022, GVR đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận hợp nhất lần lượt là 29.707 tỷ đồng và 5.340 tỷ đồng. Như vậy sau 9 tháng đầu năm, tập đoàn đã thực hiện được 62% và 83% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm.
Ở mảng giao thông, CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng IDICO (mã HTI) ước tính doanh thu quý 3 đạt gần 105 tỷ đồng, gấp hơn 5,6 lần cùng kỳ năm trước. Trừ các chi phí, công ty lãi trước thuế hơn 17 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lỗ trước thuế 16,4 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, HTI ghi nhận doanh thu gần 310 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 51,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 38% và gấp 2,6 lần so với thực hiện 9 tháng 2021. Với kết quả này, công ty đã thực hiện gần 80% kế hoạch doanh thu và 75,8% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Một doanh nghiệp khác trong lĩnh vực hạ tầng giao thông là CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã HHV) cũng hé lộ kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với doanh thu tăng khoảng 15% và lợi nhuận tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. 9 tháng năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu đạt 1.245 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 218 tỷ đồng.
Ở mảng thực phẩm, CTCP Tập đoàn PAN (mã PAN) ước tính doanh thu thuần quý 3 đạt 3.643 tỷ đồng tăng 43% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 140 tỷ đồng, tăng 192%. Trong đó lợi nhuận công ty mẹ đạt 53 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của PAN đạt 9.815 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 537 tỷ đồng, lần lượt tăng 53 và 132% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, ước tính sau 3 quý đầu năm PAN đã hoàn thành gần 70% kế hoạch doanh thu thuần và hơn 71% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, tỷ lệ hoàn thành này so với các năm trước tương đối cao, các năm trước thông thường chỉ hoàn thành 55-65% kế hoạch đề ra cả năm vì quý 4 là cao điểm mảng nông nghiệp cũng như thủy sản, tiêu dùng.
Một doanh nghiệp thực phẩm khác là CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) cho biết, trong 9 tháng đầu năm, công ty ước tính doanh số tiêu thụ chung đạt 181,7 triệu USD (hơn 4.300 tỷ đồng), bằng 117,5% so cùng kỳ và đạt 79% kế hoạch năm. 6 tháng đầu năm, FMC đạt 2.739 tỷ đồng doanh thu thuần, như vậy quý 3 doanh thu của công ty đạt khoảng 1.560 tỷ đồng.
Có thể thấy, đến thời điểm hiện tại, những doanh nghiệp hé lộ KQKD quý 3 sớm đều là các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành có hoạt động sản xuất kinh doanh gặp thuận lợi trong 9 tháng đầu năm và đặc biệt là so với cùng kỳ năm trước.
Theo dự báo của FiinTrade, KQKD quý 3 của các doanh nghiệp sẽ cải thiện ở hầu hết các ngành nhờ mặt bằng lợi nhuận thấp cùng kỳ. Một số ngành có mức cải thiện ấn tượng như ngân hàng, bán lẻ, tiện ích, công nghệ thông tin, ô tô và phụ tùng.
Còn theo VNDirect, trong quý 3/2021, có tới 11 nhóm ngành ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm; kết quả kinh doanh của một số ngành như du lịch và hàng không, công nghiệp, ô tô, bán lẻ và thực phẩm - đồ uống đã giảm mạnh do đợt giãn cách xã hội lần bởi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4.
Theo đó, những nhóm này được kỳ vọng sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong quý 3/2022 dựa trên mức nền so sánh thấp của cùng kỳ năm 2021.