Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) bầu thêm Thành viên HĐQT và BKS
Theo thông tin giới thiệu BSR, ông Hà Đổng sinh năm 1965, trình độ Thạc sỹ Máy và thiết bị công nghiệp Dầu khí. Ông Đổng từng là Kỹ sư trưởng, Phó Trưởng phòng Cơ khí năng lượng, Công ty liên doanh NMLD Việt Nga; Phó Trưởng phòng Công nghệ, Ban QLDA NMLD Dung Quất; Giám đốc và Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bảo Dưỡng và Sửa chữa Công trình Dầu khí.
Ông Hoàng Ngọc Xuân sinh năm 1982, từng làm Trưởng Phòng Giao dịch, Chi nhánh Đà Nẵng, Phó Giám đốc, Giám đốc Chi nhánh Thanh Hóa, Thư ký Phó Tổng Giám đốc, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Chuyên viên Ban Tài chính Kế toán và Kiểm toán, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Được biết, HĐQT BSR nhiệm kỳ 2018-2022 có 6 thành viên, bao gồm Chủ tịch HĐQT, 01 Thành viên kiêm Tổng Giám đốc, 04 Thành viên không điều hành.
Thù lao, chi phí hoạt động và các lợi ích khác của HĐQT và từng Thành viên HĐQT BSR như sau:
Ông Nguyễn Văn Hội - Chủ tịch HĐQT BSR và ông Bùi Ngọc Dương - Thành viên HĐQT kiêm TGĐ BSR nhận thù lao 2,1 tỷ đồng trong năm 2022, bình quân nhận 180 triệu đồng/người/tháng. Các thành viên HĐQT còn lại nhận bình quân 160 triệu đồng/người/tháng.
Thù lao, chi phí hoạt động và các lợi ích khác của HĐQT và từng Thành viên HĐQT BSR. |
Năm 2023, BSR đặt ra kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận sau thuế giảm tới 89% so với thực hiện 2022.
Cụ thể, BSR đặt kết hoạch doanh thu năm nay đạt 95.645 tỷ đồng, giảm gần 43% so với thực hiện năm trước. Các chỉ tiêu lợi nhuận thậm chí còn giảm “sốc” hơn, mục tiêu lãi trước và sau thuế lần lượt là 1.820 tỷ đồng và 1.628 tỷ đồng, thấp hơn thực hiện 2022 gần 89% cho mỗi chỉ tiêu.
Kế hoạch sản lượng hơn 5,6 triệu tấn thành phẩm, trong đó cao nhất là dầu diesel chiếm hơn 2,36 triệu tấn, tiếp theo là xăng RON 95 đạt 1,38 triệu tấn, RON 91/92 gần 789 nghìn tấn.
Kế hoạch sản lượng dầu diesel hơn 2,36 triệu tấn trong năm 2023. |
Về kế hoạch này, BSR đã có đánh giá về những khó khăn sẽ gặp phải trong năm 2023 như thuế nhập khẩu xăng giảm từ 8% xuống còn 5% thuế suất, trong khi thuế TNDN tăng từ 5% lên 10%, khiến lợi nhuận của BSR có thể giảm.
Bên cạnh đó, lạm phát các nền kinh tế lớn trên thế giới đang ở mức rất cao và Việt Nam có nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ nước ngoài khi nhiều sản phẩm trong nước phụ thuộc vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu. Điều này kéo theo chi phí hoạt động SXKD của BSR trong năm 2023 dự kiến tang và đòi hỏi BSR phải nỗ lực giám sát, tối ưu chi phí.
Khi mua dầu thô trong nước, BSR phải tham gia chào mua cạnh tranh với các người mua khác nên có rủi ro không mua được lô dầu để thu xếp đủ nguồn dầu thô cho NMLD Dung Quất đảm bảo an toàn sản xuất, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Ảnh hưởng của các Nghị định 95/2021/NĐ-CP và 83/2014/NĐ-CP về công thức giá trong đó giá cơ sở và phụ phí (Premium) có thể gây tác động bất lợi đến hiệu quả SXKD của BSR.
Ngoài ra, BSR chịu sự cạnh tranh với xăng dầu nhập khẩu từ các nước Việt Nam tham gia hiệp định thương mại tự do và xăng dầu được sản xuất từ NMLD Nghi Sơn (NSRP). Đặc biệt là sản phẩm PP dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với sản phẩm của các nhà máy trong nước như Hyosung Vina, NSRP, LSP,... và hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Năm 2023, thị trường dầu mỏ biến động rất nhanh và khó dự báo.
Một trong những khó khăn mà BSR đưa ra liên quan đến việc Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ tiến hành bảo dưỡng trong năm 2023. Tuy nhiên trong ĐHĐCĐ thường niên 2023 của PVTrans (HOSE: PVT), ban lãnh đạo PVT đã tiết lộ việc bảo dưỡng này sẽ được hoãn lại đến đầu năm 2024.