Quan điểm được ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao, CTCK KIS Việt Nam chia sẻ với chúng tôi xoay quanh diễn biến thị trường chứng khoán hiện nay.
Dòng vốn khối ngoại đang là trung tâm của thị trường hiện nay. Ông có cho rằng xu hướng mua ròng của khối ngoại được duy trì?
Tuần qua, thị trường trong nước có những đợt rung lắc đến từ việc nhà đầu tư cá nhân chốt lời. Trong giai đoạn tăng vừa rồi có một số nhà đầu tư bắt đáy kịp đã lãi 5-10%, họ chốt lời bảo toàn lợi nhuận.
Với giao dịch khối ngoại, tuần rồi, lượng mua ròng của khối này ít hơn tuần trước nhưng số tiền mua vẫn là cao, đạt gần 700 tỷ tới gần 1.000 tỷ mỗi phiên, được đánh giá là tích cực so với thời điểm trước.
Việc mua ròng do định giá thị trường Việt ở vùng thấp dù thị trường đã có đợt tăng nhưng P/E vẫn ở 10 lần. Trong khi P/E thị trường ở giai đoạn ổn định thường là 17-18 lần. Họ nhận thấy mặt bằng giá cổ phiếu thấp hơn trước rất nhiều.
Thứ hai định giá P/B vẫn có nhiều cổ phiếu có thị giá dưới giá trị sổ sách. Trong khi thời điểm thị trường tốt, định giá lúc nào cũng cao hơn giá trị sổ sách của doanh nghiệp. Theo đó vẫn còn lý do để khối ngoại mua ròng trong thời gian tới.
Ngoài ra việc mua ròng của các quỹ đầu tư vẫn còn tiếp diễn. Do một số quỹ ETF nội, ngoại hiện trở lại trạng thái hút ròng dòng tiền vào Việt Nam, đều thấy dòng tiền dương.
Đặc biệt trong thời gian qua, tỷ giá ngoại hối giảm đi nhiều. Cộng thêm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho tín hiệu sẽ giảm dần tốc độ tăng lãi suất điều hành và khả năng tăng của Fed giãn ra nhiều hơn so với trước. Điều này là thông tin tích cực với ngành tài chính, làm giảm áp lực lên tỷ giá cũng như giảm việc phải tăng lãi suất tại Việt Nam.
Vì vậy dòng vốn trú ẩn an toàn bắt đầu tìm đến khoản rủi ro cao hơn, đặc biệt là chứng khoán, trong đó những thị trường cận biên, mới nổi như Việt nam sẽ hút dòng vốn này rất lớn. Vì vậy dòng vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài tiếp tục chảy vào Việt Nam. Kể cả sang năm 2023 thì dòng vốn giải ngân ròng vào thị trường Việt vẫn còn.
Vừa qua NHNN đã quyết định nới room tín dụng thêm 1-2%, có nhiều ý kiến khác nhau về động thái này. Quan điểm của ông thì sao?
Thứ nhất, tôi đánh giá động thái nới room tín dụng của NHNN đợt này rất kịp thời, mang nhiều ý nghĩa hỗ trợ cho nền kinh tế nói chung, cho doanh nghiệp.
Cuối năm thường là về đích của doanh nghiệp, họ có khuynh hướng cần nguồn vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh, đặc biệt cho thị trường Tết. Việc tiếp cận được tín dụng, đáp ứng vốn tái tục các hợp đồng, đặc biệt các hợp đồng xuất nhập khẩu hay đến hạn thanh toán nợ cho các hợp đồng nhập khẩu hàng trước đây.
Việc nới room không những giúp cho những doanh nghiệp đó mà còn giúp cho các doanh nghiệp cần nguồn vốn đang bị tắc lại, ví dụ đến hạn thanh toán nợ cho ngân hàng hay thanh toán các khoản trái phiếu nếu không huy động được trên thị trường trái phiếu nữa có thể vay trên thị trường tiền tệ, đặc biệt từ ngân hàng.
Cuối cùng, việc nới tín dụng giúp cho dòng tiền trên thị trường tiền tệ được khơi thông tốt hơn, được luân chuyển tốt, giúp cho nhà băng có điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhiều hơn dựa trên nhu cầu tiền mặt của doanh nghiệp.
Ngoài nới room tín dụng, thị trường còn rất quan tâm vấn đề lãi suất. Ông có nhận định gì về xu hướng của lãi suất thời gian tới?
Các nhận định cho thấy, sắp tới Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhưng có thể mức tăng là 0,5%, thấp hơn những lần tăng trước là 0,7%. Với khả năng tăng như vậy, có thể chưa quá lớn để buộc NHNN Việt Nam tiếp tục đẩy lãi suất ở thị trường tiền tệ trong nước.
Tôi cho rằng cần chờ xem thêm động thái tỷ giá như thế nào. Nếu tỷ giá tiếp tục tăng cao thì áp lực tăng lãi suất là có. Nếu tỷ giá vẫn giữ như hiện nay thậm chí có khuynh hướng giảm như trong tuần qua thì NHNN không nhất thiết phải tăng lãi suất điều hành lên.
Hiện trên thị trường đã có những ngân hàng huy động với lãi suất 10%, thậm chí hơn, lãi suất đầu ra đã tăng lên 12-14%. Nếu lãi suất điều hành tiếp tục tăng cao thì mặt bằng chi phí vốn của doanh nghiệp tăng theo, gây khó cho các doanh nghiệp, cho nền kinh tế. Vì vậy tôi cho rằng NHNN sẽ thận trọng, với tình hình hiện nay thì có thể chưa cần dùng tới biện pháp nâng lãi suất.
Ngoài vốn từ ngân hàng, trái phiếu vẫn được kỳ vọng là kênh cấp vốn tốt cho doanh nghiệp. Hiện thị trường kỳ vọng về việc sửa đổi Nghị định 65 để phát triển thị trường trái phiếu hiệu quả. Ý kiến của ông như thế nào về điều này?
Tôi đánh giá cao việc Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời cho Bộ Tài chính hay những cơ quan liên quan như UBCK xem xét điều chỉnh bổ sung những nghị định, quy định cho thị trường trái phiếu trong thời gian tới. Những chỉ đạo sâu sát như vậy giúp cho Nghị định 65 hiệu quả, thiết thực hơn với những gì đang diễn ra với doanh nghiệp.
Với những thực tế đang diễn ra với doanh nghiệp, tôi cho rằng việc điều chỉnh là cần thiết giúp cho doanh nghiệp thích ứng tốt hơn, điều tiết thị trường trái phiếu vận hành mạch lạc, khơi thông không bị tắc nghẽn cục bộ như thời gian qua. Việc sửa đổi là một trong những giải pháp hữu hiệu khơi thông điểm nghẽn trong Nghị định 65 về trái phiếu.
Cuối cùng, ông có nhận định gì về thị trường trong thời điểm cuối năm này?
Dù trong bối cảnh khó khăn nhưng doanh nghiệp Việt thường có sức chống chịu, sức bật tốt, điển hình qua đợt dịch phần lớn số đông tồn tại và bật mạnh trở lại.
Với thị trường tiền tệ, biến động vừa rồi không phải là yếu tố quá lớn hạn chế tối đa phát triển tăng trưởng của doanh nghiệp. Tôi cho rằng 2022 hầu hết doanh nghiệp vẫn tăng trưởng tốt, đặc biệt là doanh nghiệp đầu ngành, có kế hoạch có chiến lược khả thi thì hiệu quả kinh doanh vẫn có.
Với kết quả kinh doanh doanh nghiệp tốt, có thể biên lợi nhuận không cao như năm trước nhưng khi về đích vẫn có lợi nhuận dương, đáp ứng các tiêu chí về mặt tài chính, kỳ vọng của nhà đầu tư. Theo đó, giúp nhà đầu tư về tài chính yên tâm, mạnh dạn giải ngân.
Thứ hai dòng vốn ngoại như đề cập ở trên đẩy mạnh vào Việt Nam cho nên lực cầu từ khối này vẫn còn khá nhiều.
Kết hợp hai yếu tố trên, tôi cho rằng từ nay tới cuối năm mở ra nhiều cơ hội. Kịch bản tích cực biên độ dao động VN-Index từ 1.100 -1.200 điểm. Cá nhân tôi thị trường sẽ vận động theo khuynh hướng tích cực, mưa đã tạnh, đã qua giai đoạn khủng hoảng.
Cảm ơn ông chia sẻ!