Loạt cao ốc trên đường Lê Văn Lương, Tố Hữu được điều chỉnh sai quy định
Ảnh minh hoạ. |
Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn vừa ký ban hành Kết luận số 39 về việc thanh tra Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.Hà Nội; Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội; loạt các chủ đầu tư dự án có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch và quản lý xây dựng khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Đây là một trong những tuyến đường rất "nóng" ở Hà Nội thời gian qua vì mật độ cao ốc dày đặc.
Tại kết luận vừa được ban hành, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, sai sót, tồn tại trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch tại một loạt dự án dọc tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.
Theo kết luận thanh tra, năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020. Sau đó, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội tại Quyết định số 1259.
Đối với hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, thực hiện cụ thể hóa quy hoạch chung, UBND TP Hà Nội đã lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/5.000, 1/2.000, 1/500 từ những năm 1999; các quy hoạch phân khu đô thị từ năm 2013-2015 làm cơ sở để lập thẩm định phê duyệt quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc, quản lý đầu tư xây dựng, cấp GPXD. Tuy nhiên, việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến quy hoạch được duyệt còn nhiều tồn tại.
Theo kết luận của cơ quan thanh tra, tại các tuyến đường trên, quy hoạch chi tiết phê duyệt lần đầu đã cơ bản nghiên cứu tính toán việc đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Song khi thực hiện triển khai quy hoạch lại theo đề xuất chủ đầu tư, đã nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc điều chỉnh cục bộ hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án thiết kế rồi tiếp tục điều chỉnh cho từng dự án theo xu hướng: Chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn (có dự án điều chỉnh 5 lần, nhiều dự án chuyển chức năng từ văn phòng, từ công cộng thành hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán), có dự án điều chỉnh tăng từ 5 tầng thành 30 tầng.
Việc điều chỉnh sai quy định dẫn đến tình trạng tăng dân số, chỉ tiêu quy hoạch không đảm bảo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam (QCXDVN) đối với từng dự án, từng ô quy hoạch, từng khu quy hoạch và đô thị, thiếu đất giáo dục, trường học, thiếu diện tích cây xanh, các công trình phục vụ không đảm bảo bán kính phục vụ.
Cũng theo cơ quan thanh tra, Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kỹ thuật nhiều dự án sai quy định; trong đó, tại 19 dự án, công trình không xác định chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng, vi phạm xây dựng tầng hầm công trình làm cơ sở cấp phép xây dựng và đầu tư xây dựng. Điều này là vi phạm Luật Xây dựng.
Tại 10 dự án, công trình ghi số tầng không đúng, 21 dự án có tầng hầm vượt quá chỉ giới xây dựng nhưng không được UBND TP Hà Nội cho phép là "vượt thẩm quyền, vi phạm Nghị định 39".
Ngoài ra, tại 32 dự án công trình có nội dung vi phạm QCXDVN ban hành theo Quyết định 682, gồm: 1 dự án về mật độ; 31 dự án công trình về cây xanh (Tiểu học Lý Thái Tổ, 14 dự án hai bên đường Lê Văn Lương, 15 dự án hai bên đường Tố Hữu).
Nhiều giấy phép được cấp sai quy định
Đối với Sở Xây dựng Hà Nội, kết luận thanh tra cho biết, đơn vị này đã cấp giấy phép xây dựng (GPXD) có một số nội dung sai quy định, trong đó có 12 GPXD không có nội dung màu sắc công trình, chỉ giới xây dựng, mật độ xây dựng, cấp cốt xây dựng công trình không có cơ sở; có 3 GPXD cấp không phù hợp với quy hoạch chi tiết được duyệt, tổng mặt bằng, phương án thiết kế được chấp thuận; có 9 GPXD cấp phần hầm vượt chỉ giới xây dựng; có 2 GPXD ghi số tầng không đúng…
Về quản lý xây dựng theo quy hoạch xây dựng được duyệt, tổng mặt bằng, phương án thiết kế được chấp thuận và GPXD cũng nhiều sai sót.
Cụ thể, tại 31 dự án, công trình, chủ đầu tư thi công sai quy hoạch được duyệt, sai tổng mặt bằng, phương án thiết kế được chấp thuận, không có GPXD, sai GPXD, sai thiết kế được duyệt.
Đáng chú ý, việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án không đảm bảo đồng bộ về hạ tầng, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng, không đúng tiến độ, vi phạm Luật Quy hoạch đô thị 2009, dẫn đến không đảm bảo về môi trường, kiến trúc cảnh quan và đời sống cư dân đô thị…
Trước một loạt vi phạm xảy ra trên tuyến đường trên, Thanh tra Bộ Xây dựng đã đề nghị, UBND TP.Hà Nội chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các cơ quan có liên quan khắc phục những vi phạm, tồn tại đã nêu tại kết luận.
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng cần chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, UBND quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông thực hiện việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân đã để xảy ra cá vi phạm, tồn tại nêu trong kết luận.