Nhóm ngành nào sẽ hưởng lợi lớn trong năm 2023?
Năm 2022 đã gần khép lại và mặc dù nền kinh tế nói chung vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực song càng về cuối năm những khó khăn đối với các nhóm ngành càng lộ rõ. Theo các chuyên gia, năm 2023 Việt Nam sẽ phải tiếp tục đối mặt các thách thức do tăng trưởng xuất khẩu thấp, môi trường lãi suất cao, lạm phát thế giới vẫn ở mức cảnh báo, thanh khoản thắt chặt và gia tăng áp lực nợ xấu ở mảng bất động sản.
Trong báo cáo về chiến lược đầu tư mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 không nhiều, bao gồm: khôi phục du lịch quốc tế, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công vào phát triển cơ sở hạ tầng và xu hướng chuyển đổi năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ.
Công ty chứng khoán này dự báo GDP 2023 tăng 6,7%, cao hơn so với mục tiêu 6,5% của Chính phủ, song thấp hơn mức ước tính 7,9% năm 2022. Ngoài ra, lộ trình mở cửa của Trung Quốc và gia tăng cạnh tranh FDI giữa các nước trong khu vực là những biến số quan trọng đối với triển vọng kinh tế trong thời gian tới.
Trong bối cảnh xu hướng tăng trưởng sẽ chậm lại trong năm 2023, khả năng các nhóm ngành được hưởng lợi cũng sẽ ít đi. Theo đó, VNDirect cho rằng việc phục hồi hàng không quốc tế sẽ đẩy lợi nhuận của mảng hàng không/dịch vụ hàng không tăng vọt trong năm 2023.
Bên cạnh đó, sau năm 2022 chậm chạp, giải ngân đầu tư công sẽ khởi sắc, nhưng cơ hội dường như chỉ sáng với các doanh nghiệp lớn trong ngành. Ngoài ra, việc chuyển đổi năng lượng sẽ mang đến rất nhiều cơ hội đầu tư, song ở giai đoạn đầu của lộ trình này, mảng hạ tầng năng lượng và một vài doanh nghiệp lấn sân năng lượng tái tạo vẫn đang được hưởng lợi.
Ngành hàng không được thúc đẩy bởi sự phục hồi của khách quốc tế
Sau khi kiểm soát thành công dịch COVID-19 trong quý 1/2022, hàng không nội địa bắt đầu phục hồi từ tháng 4/2022 và đã vượt qua mức trước đại dịch kể từ tháng 5/2022 nhờ nhu cầu du lịch trong nước phục hồi mạnh mẽ sau dịch. Do lượng khách nội địa trong quý 3/2021 đạt mức thấp do dịch bệnh bùng phát mạnh trên toàn quốc, lưu lượng hành khách nội địa trong quý 3/2022 tăng 87 lần so với cùng kỳ, tương đương 154,7% trước đại dịch, lượng hành khách nội địa 9 tháng tăng 164,6% so với cùng kỳ, tương đương 122,9 % trước đại dịch.
Cùng với đó từ 15/2/2022, Việt Nam đã gỡ bỏ hạn chế về tần suất các chuyến bay quốc tế. Tính đến ngày 15/03/2022, Việt Nam đã đưa số lượng đường bay thường lệ về mức trước đại dịch, khôi phục chính sách thị thực như giai đoạn trước dịch. Nhờ đó, lượng hành khách quốc tế trong quý 3/2022 đã có sự phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 35 lần so với cùng kỳ, lên 4,9 triệu, bằng 49,8% mức trước đại dịch, đưa lượng hành khách quốc tế 9 tháng tăng 14,5 lần so với cùng kỳ, bằng 22,3% mức trước đại dịch.
Hiện có hơn 30 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 96 đường bay quốc tế kết nối Việt Nam với 21 quốc gia/vùng lãnh thổ. Mới đây nhất, đường bay thường lệ Việt Nam - Trung Quốc đã chính mở lại lại từ hôm nay (9/12), kết thúc sự gián đoạn kéo dài gần 3 năm qua bởi COVID-19. Việc nối lại đường bay thường lệ với Trung Quốc được kỳ vọng sẽ khiến cho việc du lịch đến và đi từ Trung Quốc thuận lợi hơn.
Trong kịch bản dự báo cơ sở, VNDirect kỳ vọng lượng khách quốc tế của Việt Nam đạt 12,5 triệu khách trong năm 2022 (so với 0,5 triệu khách trong năm 2021) và có thể tăng 195,2% trong năm 2023 - bằng 88,5% mức trước đại dịch.
Do kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hàng không Việt Nam có độ phụ thuộc lớn với lưu lượng hàng không quốc tế, nên VNDirect tin rằng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc kể từ năm 2023 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường quốc tế.
Theo dự báo của VNDirect, lượng khách quốc tế của Việt Nam có thể phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch trong năm 2024 (bằng 105,2% mức 2019) và có thể đạt 118,9% mức 2019 trong năm 2025.
Tuy nhiên, cũng bởi lượng khách du lịch quốc tế dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ, trong khi nhiều dự án hạ tầng hàng không trọng điểm vẫn đang được xây dựng, VNDirect cho rằng cơ sở hạ tầng sẽ không thể theo kịp nhu cầu tăng trưởng trong ngắn hạn có thể gặp tình trạng quá tải trong giai đoạn 2023-2024. Công ty chứng khoán này ước tính các sân bay hàng không Việt Nam có thể hoạt động ở mức 132%/142% tổng công suất thiết kế trong giai đoạn 2023-2024, trước khi giảm tải từ năm 2025 khi nhiều dự án cơ sở hạ tầng hàng không quan trọng khánh thành như sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và dự án mở rộng nhà ga T2 ở Nội Bài.
Trong khi sản lượng hàng hóa hàng không Việt Nam dự báo sẽ đi ngang trong năm 2023, VNDirect cho rằng bán lẻ hàng không sẽ là ngành hưởng lợi nhất khi sản lượng khách quốc tế phục hồi. Các công ty bán lẻ sân bay đang chứng kiến biên lợi nhuận gộp gần như quay trở lại mức trước đại dịch trong 9 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, do hoạt động kinh doanh bán lẻ sân bay có tương quan với lượng hành khách quốc tế, doanh thu bán lẻ sân bay hiện tại vẫn còn thấp.
Với kỳ vọng giao thông hàng không quốc tế phục hồi từ quý 4/2022, VNDirect tin rằng kết quả kinh doanh của các công ty bán lẻ sân bay có thể phục hồi với lợi nhuận ròng dương vào năm 2022 và có thể tăng mạnh từ năm 2023 khi lượng khách quốc tế phục hồi mạnh mẽ.
Nhóm cao su và nhiệt điện cũng kỳ vọng được hưởng lợi
Ngoài hàng không, VNDirect nhận định ngành điện, đặc biệt là các doanh nghiệp năng lượng tái tạo sẽ có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong năm 2023.
Theo VNDirect, nhu cầu điện Việt Nam sẽ ghi nhận một mức tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2022-2030, do dự báo GDP tăng trưởng nhanh chóng. Theo dự thảo Quy hoạch Điện 8, trong kịch bản phụ tải cao, nhu cầu điện dự báo sẽ tăng trưởng kép đạt 9,2% trong 2022-2030. Đây có thể là một trong các yếu tố bản lề, củng cố triển vọng ngành điện khi các nhà máy được huy động ở mức công suất cao hơn.
VNDirect dự báo điện khí sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 2023-2024, củng cố bởi nhu cầu phụ tải tăng cao và giá khí dự báo giảm. Cùng với đó, năng lượng tái tạo sẽ gặp thuận lợi hơn khi nút thắt chính sách được tháo gỡ, mở ra một chu kỳ phát triển mới cho các doanh nghiệp có quy mô và năng lực.
Ngược lại, công ty chứng khoán này cho rằng trong giai đoạn 2023-2024, giá than nhập tiếp tục neo cao sẽ là cản trở chính cho tăng trưởng mảng điện than. Tuy nhiên, áp lực sẽ nhẹ nhàng hơn đối với các doanh nghiệp than nội địa tại Miền Bắc, do giá điện thấp hơn cũng như những dự báo về nhu cầu điện tăng cao trong các năm tới tại khu vực này.
Tương tự, sau năm 2022 rực rỡ, thủy điện nhiều khả năng sẽ kết thúc một chu kỳ tăng trưởng khi pha La Nina dự kiến kết thúc từ tháng 1/2023 và bắt đầu chuyển sang pha trung tính.
Đồng nhận định, Chứng khoán EVS dẫn dự báo của IRA cho biết, trạng thái La Nina nhiều khả năng sẽ chỉ duy trì đến giai đoạn tháng 2 – 4/2023 và chuyển dần sang trung tính có thể khiến lượng điều kiện thủy văn kém thuận lợi dẫn tới giảm sản lượng các nhà máy thủy điện. Nhiều khả năng EVN sẽ phải huy động từ các nhà máy nhiệt điện khi vào mùa khô để bù đắp cho sự thiếu hụt này. Nhờ đó, giá điện CGM dự báo sẽ tiếp tục tăng cao khi giá nguyên vật liệu như than hay khí vẫn sẽ neo cao do Trung Quốc chính thức mở cửa hoàn toàn vào 2023 và cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu chưa thể giải quyết nhanh chóng.
Ngoài nhiệt điện, Chứng khoán EVS dự báo nhóm cao su cũng có tiềm năng hưởng lợi trong năm 2023. Công ty chứng khoán này đánh giá việc Trung Quốc mở cửa có thể tạo ra cú huých. Theo Nomura, Bắc Kinh có thể sẽ mở cửa vào tháng 3/2023 khi các số liệu nền kinh tế Trung Quốc đang dần trở nên xấu đi. Việc Trung Quốc gỡ bỏ các biện pháp giãn cách có thể giúp di chuyển đơn giản hơn, gia tăng nhu cầu đối với xăng dầu và lốp xe. Đồng thời, xu hướng “tiêu dùng trả thù” nhiều khả năng sẽ xảy ra khi nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén suốt 3 năm do đại dịch.
Tính đến tháng 11/2022, tổng lượng xe lưu hành tại Trung Quốc đạt 315 triệu xe (bao gồm cả xe 4 bánh và 2 bánh), giúp nước này trở thành thị trường tiêu thụ xe lớn nhất thế giới. EVS Research kỳ vọng việc mở cửa sẽ làm gia tăng mạnh nhu cầu về các sản phẩm từ cao su như săm lốp, từ đó khiến giá cao su tăng cao trong thời gian sắp tới.