![]() |
Bộ đôi quỹ ETF ngoại lâu năm tại Việt Nam là Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) và FTSE Vietnam ETF có hiệu suất khá “tệ” (Ảnh minh họa) |
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/6, VN-Index để mất 20,07% kể từ đầu năm, trở thành một trong những chỉ số có có hiệu suất tệ nhất thế giới. Theo số liệu từ Bloomberg, tại mức điểm chốt tháng 6 là 1.1976 điểm, định giá P/E VN-Index chỉ còn 13 lần. Trong khi mức đỉnh được thiết lập vào cuối tháng 6/2021, P/E của thị trường từng ở mức hơn 19 lần. Mức P/E hiện tại cũng thấp hơn nhiều mức trung bình 10 năm là 15 lần.
Với diễn biến kém thuận lợi của thị trường trong 6 tháng đầu năm 2022 không chỉ các nhà đầu tư cá nhân mà ngay cả những tổ chức chuyên nghiệp cũng gặp khó khăn. Thống kê các quỹ lớn trên thị trường cho thấy các quỹ đều ghi nhận mức tăng trưởng âm trong 2 quý đầu năm, thậm chí gần một nửa số quỹ trong thống kê có hiệu suất kém hơn so với thị trường chung.
Trong số các quỹ được chúng tôi thống kê, bộ đôi quỹ ETF ngoại lâu năm tại Việt Nam là Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) và FTSE Vietnam ETF có hiệu suất khá “tệ” khi hiệu suất danh mục đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2022 lần lượt -31,84% và -28,25%.
Xếp ngay sau là SSIAM VNFinLead ETF (-27,24%), JPMorgan VOF (-23,8%), DCDS (-22,48%), Fubon ETF (-22,18%) đều là những quỹ có hiệu suất tệ hơn so với VN-Index.
Trong khi đó, VEIL Dragon Capital có hiệu suất ngang bằng VN-Index với mức âm 20,07%. Thời gian vừa qua, VEIL đã gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trong bối cảnh thị trường ghi nhận nhịp điều chỉnh mạnh.
Dragon Capital đánh giá vùng chỉ số 1.200 của VN-Index là vùng định giá hấp dẫn và đang có dấu hiệu quá bán. Hiện các quỹ do DCVFM quản lý đã và đang chủ động tái cơ cấu danh mục để tận dụng tốt đợt điều chỉnh mạnh này của thị trường, tăng tỷ trọng các nhóm ngành và doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận tốt trong thời gian tới.
Pyn Elite Fund (-20,03%) có mức giảm tương đương với VN-Index nhưng vẫn kém khá xa so với VN30-Index.
![]() |
Quỹ có thành tích tốt nhất thị trường trong 6 tháng đầu năm 2022 là DCVFM VNDiamond ETF khi hiệu suất danh mục chỉ -3,57%. Kể từ khi thành lập vào năm 2020 tới nay, DCVFM VNDiamond ETF thường xuyên nằm trong top những chỉ số tăng trưởng hàng đầu. Với danh mục gồm các cổ phiếu Bluechips hết room ngoại như FPT, MWG, PNJ, MBB… đã giúp hiệu suất quỹ vượt trội so với các quỹ khác trên thị trường.
Kể từ đầu năm đến nay, VNDiamond ETF cùng với Fubon đã có đóng góp lớn vào giá trị mua ròng mạnh của khối ngoại. Trong nửa đầu năm, giá trị mua ròng của khối ngoại đạt 3.900 tỷ đồng, tích cực hơn nhiều so với việc bán ròng 62.000 tỷ đồng năm 2021.
Quỹ có thành tích tốt hơn so với mức giảm của VN-Index, ngoài DCVFM VNDiamond ETF, là Passion Investment (-7,83), KIM Vietnam Korea (-12,56%), VOF VinaCapital (-14,39%), Lion Global Vietnam Fund (-16,09%).