Thị trường trái phiếu: Thiếu niềm tin do thiếu thông tin
Quan điểm được chuyên gia đưa ra tại talkshow Chọn danh mục do báo Đầu tư tổ chức sáng 28/10, chủ đề về thị trường trái phiếu.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đóng vai trò quan trọng trong huy động vốn, như chân kiềng đáng ra phát triển rất lâu để huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế thay vì phụ thuộc quá nhiều vào thị trường tiền tệ và tín dụng. Vấn đề đặt ra là Việt Nam đang phát triển, chắc chắn sẽ phát triển, nhưng quản lý như thế nào để đảm bảo hiệu quả và bền vững?
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc CTCK DSC Chi nhánh TP.HCM chia sẻ ông tâm đắc câu nói “thị trường chứng khoán là vấn đề của dòng tiền, còn thị trường trái phiếu là vấn đề của niềm tin”.
“Trong thời gian qua có một cuộc khủng khoảng nhẹ về niềm tin trên thị trường trái phiếu. Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân rất lớn của việc thiếu niềm tin là do chúng ta rất thiếu thông tin đến nhà đầu tư. Tôi hay nói nếu chúng ta biết chúng ta sợ gì thì chúng ta sẽ bớt sợ, nhưng nỗi sợ rất lớn với thị trường lúc này là chúng ta bị mờ thông tin, đặc biệt là với nhà đầu tư cá nhân”, ông Huy nói.
Theo ông Huy, hiện tại Việt Nam chưa có vụ vỡ trái phiếu nào, nhưng nỗi sợ vô hình rất lớn. Hiện thị trường trái phiếu vẫn có trái phiếu tốt, trái phiếu xấu, nhưng nỗi sợ của thị trường là nỗi sợ chung, nhìn vào thị trường trái phiếu là nhà đâu tư sợ cả thị trường trái phiếu.
“Thời gian qua, với tư cách của người làm nghề, tôi cũng băn khoăn và tìm câu trả lời đó. Nhóm nghiên cứu của tôi đã cố đặt lại tất cả những trái phiếu đang có trên thị trường xem trái phiếu nào rủi ro, trái phiếu nào không có rủi ro, sau đó đưa ra những trái phiếu cần lưu ý. Để làm rõ trong một thị trường tổng thể như vậy, đương nhiên có những trái phiếu chúng ta cần lưu ý, như lo ngại thì lo ngại cụ thể”, chuyên gia này cho biết.
Theo ông Huy, với cách làm trên, cũng có một số nhà đầu tư phản ứng tích cực, có nhà đầu tư phản ứng tiêu cực.
“Nhưng mà sau đó, tôi phát hiện ra là chúng ta khá mù mờ về mặt thông tin. Khi tôi đưa ra quan điểm trái phiếu này có vấn đề hay trái phiếu này an toàn thì rất nhiều người đặt câu hỏi lại tại sao anh đưa ra quan điểm đấy?
Tôi lại thấy thị trường đang thiếu đi một tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín, ví dụ quan điểm trái phiếu này có rủi ro hay không, có sợ hay không, phần nào rủi ro thì tôi thấy ở nhiều thị trường phát triển phân ra rất rõ. Còn ở Việt Nam khủng hoảng niềm tin vì chúng ta mù mờ, thiếu thông tin, có thể đâu đấy chúng ta thiếu minh bạch trong triển khai thị trường trái phiếu”, ông Huy nêu.
Ông Trương Thanh Đức (bên trái) và ông Bùi Văn Huy |
Cùng đề cập về vấn đề lòng tin, luật sư Trương Thanh Đức nêu câu hỏi lòng tin với thị trường chứng khoán lẫn thị trường trái phiếu xuất phát từ đâu. Nếu chúng ta đặt ra những tiêu chí, quy định về phát hành trái phiếu rất chặt chẽ, nhà nước kiểm soát, nhiều yêu cầu khác nhau, nhà đầu tư sẽ đặt lại câu hỏi, vậy khi xảy ra vấn đề ai chịu trách nhiệm?
“Quy định mới của chúng ta cũng chưa bắt buộc. Đáng lẽ chúng ta phải bắt buộc nhưng đưa ra lộ trình cụ thể năm thứ nhất làm gì, năm thứ hai làm gì chúng ta mới có tính chất khuyến nghị, khuyến khích thì không biết bao giờ mới trở thành bắt buộc được”, luật sư Đức nêu.
Về tổ chức xếp hạng tín nhiệm như ông Huy đề cập ở trên, ông Đức cho rằng, trong bối cảnh như thế này và với tư cách của một công ty tham gia thị trường thì chỉ được rất ít người biết thì nó không có tính lan tỏa và không có tính tin cậy cao vì bây giờ không trên cơ sở gì rõ ràng, vì chính khách hàng cũng hỏi tại sao lại như thế. Thậm chí, không loại trừ việc họ đưa ra quan điểm liệu có quan hệ gì với những tổ chức xếp hạng tốt hay ngược lại không.
“Chúng ta cũng không thể hy vọng một vài công ty xếp hạng, thậm chí một vài năm xếp hạng tín nhiệm mà nó chuẩn chỉ, nó cũng là một quá trình, nhưng quan trọng là không làm thì không biết đến bao giờ mới thành hiện thực được. Quan trọng bây giờ là không khuyến khích nữa mà bắt buộc, có thể không được ngay nhưng có lộ trình.
Còn hành lang cơ sở pháp lý khác không phải thêm, không phải ràng buộc, chặt chẽ hơn mà quan trọng nhất là tâm thế của nhà đầu tư biết đầu tư cái gì, đầu tư như thế nào, lựa chọn đúng sai như thế nào thì không có kết quả xếp hạng tín nhiệm thì họ vẫn tự xếp hạng bằng một cách thức nào đó”, luật sư Đức nêu quan điểm.
Chia sẻ cụ thể, ông Đức cho biết mình cũng mua vài cổ phiếu ngân hàng khá tốt, nhưng 5-7 năm nay không nhận được đồng cổ tức nào. Chưa biết chừng vào một ngày nào đó lại là ngân hàng 0 đồng. Nhưng trái phiếu còn minh bạch, rõ ràng hơn, cam kết cao hơn như hồ sơ, thủ tục, tất cả mọi thứ,… tất nhiên cuối cùng nó phụ thuộc vào sức khỏe doanh nghiệp. Nhưng cũng đặt câu hỏi cho nhà đầu tư, tại sao app huy động vốn liên tục, thậm chí trò như cờ bạc mà mất hàng chục nghìn tỷ, hàng trăm nghìn tỷ, mà hàng chục vụ xảy ra như vậy mà nhà đầu tư vẫn cứ lao vào. Cái này còn rủi ro hàng trăm lần và còn phạm pháp mà vẫn lao vào.
“Vậy thì trái phiếu rất tốt, rất ổn nhưng trong 100 mã trái phiếu thì 5-7 mã xấu, tỷ lệ thấp, nhưng đừng vì rủi ro nhỏ mà ảnh hưởng niềm tin lớn, nguy cơ sập đổ cả thị trường, chúng ta phải biết phân biệt, sàng lọc, xem xét và lựa chọn. Quan trọng là hành lang pháp lý phải có lộ trình, phải dẫn dắt được phải đi đến đích là tạo lập thị trường lựa chọn thực sự là lòng tin chứ không phải đặt ra những điều kiện kinh doanh”, ông Đức khuyến nghị.
Với các câu chuyện thị trường trái phiếu hiện tại thì việc tiếp theo, cơ quan quản lý và bản thân các nhà phát hành nên có hành xử như thế nào và có thông điệp nào phù hợp?
Luật sư Đức cho rằng chính sách thế nào, hành động thế nào thì quan trọng nhất là đạt được sự công khai, minh bạch thông tin phải đúng, trung thực, bất kỳ doanh nghiệp nào vi phạm phải xử lý rất nặng chứ còn nó rủi ro thì không quan tâm.
“Vì rủi ro là bản chất của thị trường, bản chất của rủi ro, sự nguy hiểm tăng theo lãi suất, lãi suất tăng theo rủi ro là nguyên tắc cơ bản những nhà đầu tư phải biết. Thậm chí rủi ro rất cao, trên thế giới có nhiều mô hình đầu tư mạo hiểm, không biết là có tương lai gì không vẫn đầu tư hàng triệu, hàng tỷ USD”, ông Đức chia sẻ.
Còn theo ông Huy, với tư cách của một nhà đầu tư, ông trình bày góc nhìn của nhà đầu tư thì rủi ro luôn có. Chúng ta không sợ rủi ro, có người chấp nhận rủi ro thấp, có người chấp nhận rủi ro cao, nhưng cái mà nhà đầu tư sợ là sợ bất định. Người chấp nhận rủi ro thấp thì có thể chấp nhận đầu tư vào những trái phiếu an toàn, người chấp nhận rủi ro cao thì có thể đầu tư vào những trái phiếu rủi ro cao, thậm chí ở Mỹ có cả những trái phiếu rác, quan trọng là tỷ suất sinh lợi bao nhiêu để nó tương xưng với rủi ro như vậy.
“Khi chúng ta xác định được được mức độ rủi ro của từng trái phiếu thì chúng ta lựa chọn rất dễ. Và khi hình dung được câu chuyện đấy thì câu chuyện rút tiền hàng loạt không xảy ra, nên cuối cùng là tôi vẫn cùng ý kiến với anh Đức là chúng ta xây dựng được một thị trường minh bạch, ở đấy, cái gì tốt, cái gì xấu cũng được phơi ra, cái gì rủi ro cao, rủi ro thấp cũng được phơi ra để nhà đầu tư có được thông tin và dựa trên cơ sở đấy họ có thể ra được quyết định đúng đắn”, ông Huy chia sẻ.