Những ngày qua câu chuyện đằng sau thương vụ ký kết giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Khắp các diễn đàn, hàng loạt bài học “đau” của cả khách vay lẫn khách gửi tiết kiệm khi bất đắc dĩ trở thành “thượng đế” của gói bảo hiểm không tự nguyện qua ngân hàng được kể lại.
Để rộng đường dư luận, Nhịp sống Doanh nghiệp sẽ có loạt bài phản ánh về vấn đề "nóng" này đang diễn ra ở nhiều ngân hàng.
Mở đầu là câu chuyện “dở khóc dở mếu” của chị A.T. (SN 1989, kinh doanh ăn uống ở Hà Nội). Năm 2021, do mạnh tay chi tiền đầu tư vào quán ăn đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19, vợ chồng chị T. lỗ vốn âm nợ cả tỷ đồng. Khi không còn chỗ để bấu víu, chị T. nghĩ đến việc vay ngân hàng.
Sau đó, vợ chồng chị đến ngân hàng vay thế chấp số tiền 500 triệu đồng với lãi suất 13%. Sau khi được tư vấn giấy tờ thủ tục, vợ chồng chị T. được nhân viên gọi tới tư vấn tham gia gói bảo hiểm nhân thọ. Nói là không bắt buộc nhưng nhân viên thẳng thắn nói cho anh chị biết người vay phải mua gói bảo hiểm nhân thọ hơn 20 triệu đồng/năm thì hồ sơ mới được duyệt và giải ngân vốn.
“Lúc tôi được tư vấn thì được tư vấn viên là nhân viên của ngân hàng gọi điện nói một lèo rồi cho xác nhận hợp đồng và ký online. Tôi cũng không được bạn nhân viên bảo đi khám xét sức khoẻ gì cả. Tôi không có nhu cầu mua bảo hiểm nhưng do cần vay vốn để trả nợ và làm ăn nên mới bắt buộc phải mua”, chị T. chia sẻ.
![]() |
Chị T . đến ngân hàng vay vốn nhưng nhân viên tư vấn tham gia gói bảo hiểm nhân thọ "bắt buộc" |
Đến nay, chị T. đã đóng bảo hiểm đến năm thứ hai và không còn khả năng tham gia nữa. Nhưng chị được biết trường hợp của mình nếu huỷ hợp đồng số tiền hơn 40 triệu đồng sẽ nhận lại chẳng được bao nhiêu hoặc mất trắng. Giữ thì không có tiền đóng định kỳ, bỏ thì tiếc khoản tiền lớn, chị T. như ngồi trên đống lửa.
Gặp cảnh tương tự, anh T.M. (SN 1986, quê Hải Dương) cũng ra ngân hàng vay gần 100 triệu đồng, thế chấp mảnh đất. Sau đó phía ngân hàng gọi tới, đề nghị anh tham gia "bắt buộc" gói bảo hiểm nhân thọ với mức phí 15 triệu đồng hoặc 18 triệu đồng/năm. Bị "gài" thế buộc phải… tự nguyện mua bảo hiểm khi vay vốn, Anh M. đành ngậm ngùi chấp nhận ký tên vào hợp đồng bảo hiểm để ngân hàng giải ngân nhanh khoản vay của mình. Và anh M. đã phải chấp nhận mất trắng 15 triệu đồng để vay tiền.
"Việc này gần như ai cũng bị ép mua bảo hiểm mới được giải ngân còn không mua sẽ bị vay với lãi suất cao hơn từ 1-1,5%. Giống như tôi chấp nhận mua 1 năm để được giải ngân xong rồi bỏ luôn không đóng nữa và mất trắng số tiền này. Chưa kể, nhiều ngân hàng còn bắt mua bảo hiểm cháy nổ cho tài sản thế chấp", anh M. nói.
Không chỉ khách đi vay, người đi gửi tiết kiệm khi mua bảo hiểm qua kênh ngân hàng cũng gặp không ít rắc rối. “Muốn mua bảo hiểm thì chọn mua qua đại lý chứ chớ dại mua qua ngân hàng vì họ không có chuyên môn bảo hiểm. Tiền mất mà chẳng biết lợi ích của mình là gì còn ôm xui rủi vào người. Không khác nào đem con bỏ chợ”, chị P.H (Mễ Trì, Hà Nội) bức xúc nói.
Cụ thể, chị H. gửi khoản tiền lớn tại ngân hàng. Trở thành khách hàng VIP, chị được nhân viên mời chào mua gói bảo hiểm nhân thọ với mức phí 55 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, khi đặt bút ký tên chị mới nhận ra đây chẳng khác nào “hợp đồng mồ côi”. Bởi, người mua không được ai tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ giải quyết quyền lợi bảo hiểm mà chỉ nhận được tin nhắn yêu cầu nộp tiền khi đến kỳ đóng phí.
Gặp những bất cập, chị H. nhiều lần kiến nghị phía ngân hàng bàn giao hợp đồng chuyển sang công ty bảo hiểm để chị dễ dàng được tư vấn viên có chuyên môn tiếp nhận chăm sóc quyền lợi bảo hiểm nhưng hết lần này đến lần khác đều bị ngân hàng làm khó.
Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 6535/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về một số vấn đề trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm; không được tự ý kê khai thông tin cho bên bán bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi "ép" khách hàng mua bảo hiểm.
Mặt khác, Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng cũng không có điều khoản nào bắt buộc về bảo đảm khoản vay. Do đó, việc mua bảo hiểm khoản vay chỉ là thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng. Có mua bảo hiểm khoản vay hay không là hoàn toàn tự nguyện trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng chứ không phải quy định bắt buộc của pháp luật.
![]() |
Ngân hàng và công ty bảo hiểm bắt tay hưởng lợi. ẢNh minh hoạ |
Thế nhưng thực tế, câu chuyện khách vay phải chi tiền mua kèm bảo hiểm để được nhà băng giải ngân vẫn diễn ra phổ biến như một quy trình vay vốn. Bởi lợi nhuận từ việc bán bảo hiểm đang là nguồn thu nhập rất lớn của ngân hàng và nhân viên của họ. Đồng thời, hoạt động mua bảo hiểm qua kênh ngân hàng mang đến không ít lợi ích cho công ty bảo hiểm.
Theo Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, hoạt động mua bảo hiểm qua kênh ngân hàng mang đến không ít lợi ích cho cả ngân hàng và công ty bảo hiểm.
Về phía ngân hàng, việc bán bảo hiểm đã bổ sung nguồn thu khá lớn ở khu vực ngoài lãi, cải thiện cơ cấu thu nhập; giúp đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, giảm bớt rủi ro tín dụng, tăng nguồn vốn huy động của ngân hàng từ phía đối tác bảo hiểm, tăng năng suất hoạt động của nhân viên ngân hàng…
Về phía công ty bảo hiểm, được sử dụng hệ thống phân phối sẵn có của ngân hàng, giúp tiết kiệm chi phí xây dựng mạng lưới riêng, có cơ hội tiếp cận với nền khách hàng của các ngân hàng, tận dụng uy tín thương hiệu, sự tin cậy của khách hàng đối với ngân hàng, gia tăng thị phần, doanh thu…