![]() |
Đa phần các doanh nghiệp đều đã được chiết khấu về vùng hấp dẫn bởi mức định giá P/E 13 lần (Ảnh minh hoạ) |
6 tháng đầu năm, VN-Index để mất hơn 20%, cùng với đó, thanh khoản thị trường cũng về mức thấp. Chỉ số hiện đang giao dịch giằng co quanh 1.200 điểm, liệu diễn biến thị trường thời gian tới đây như thế nào, lạm phát có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam, đã đến lúc giải ngân cho kế hoạch đầu tư dài hạn hay chưa…, chúng tôi có cuộc trao đổi với với ông Tô Quốc Bảo, Trưởng nhóm Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI).
Thanh khoản bình quân phiên trên HoSE trong tháng 6 chỉ đạt hơn 13.000 tỷ, là mức thấp nhất trong hơn 1 năm trở lại đây. Con số này nói lên điều gì và theo ông đâu là nút thắt giúp thanh khoản cải thiện trở lại?
Thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua rung lắc với những nhịp điều chỉnh mạnh, kéo theo thanh khoản giảm sâu. Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 6 ghi nhận giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 14.529 tỷ đồng và 547.70 triệu cổ phiếu, tương ứng giảm 2,8% về giá trị - là mức thấp nhất trong hơn 1 năm trở lại đây và tăng 1,38% về khối lượng bình quân so với tháng 5. Trong bối cảnh thị trường rơi vào chu kỳ giảm dài hạn, việc thanh khoản giảm tương ứng là điều hết sức bình thường.
Trong giai đoạn 2020 – 2021, thị trường chứng khoán bùng nổ nhờ dòng tiền rẻ tới từ các nhà đầu tư F0. Tuy nhiên khi cơn sóng qua đi, cùng với đó là những nhịp điều chỉnh mạnh đã khiến các nhà đầu tư mới tham gia thị trường chịu nhiều tổn thương dẫn tới một lượng lớn dòng tiền đầu cơ rời bỏ thị trường để dồn tiền qua các kênh đầu tư tiết kiệm khác.
Trong ngắn hạn, thanh khoản thị trường chưa thể nóng trở lại khi chỉ số VN-Index vẫn đang tiếp tục trong trạng thái giằng co trước áp lực cản quanh 1.200 điểm. Thanh khoản hiện tại mang tính thực chất bền vững hơn khi dòng tiền đầu cơ rút ra cùng với đó là sự sụt giảm giao dịch tạo thanh khoản do các đội lái tạo ra sau hàng loạt vụ xử lý liên quan đến việc thao túng thị trường.
Do đó để có thể nhìn thấy những phiên giao dịch tỷ USD, chúng ta cần có thời gian để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư nhờ những yếu tố nội tại tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp cũng như số lượng các nhà đầu tư tiếp tục tăng lên.
Lạm phát là từ khóa được nhắc đến nhiều và ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu, còn ở Việt Nam, ông đánh giá thế nào về mức lạm phát sau 6 tháng và dự báo thời gian tới? TTCK Việt Nam liệu có ảnh hưởng bởi lạm phát?
Lạm phát cao trong năm 2022 là yếu tố không thể tránh khỏi sau hai năm liên tiếp các NHTW bơm lượng lớn tiền để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch, chuỗi cung ứng tiếp tục gián đoạn bởi chiến tranh Nga-Ukraine và các đợt phong tỏa diện rộng của Trung Quốc kết hợp với sức cầu tăng sau khi thế giới bước vào thời kỳ “bình thường mới”.
CPI 6 tháng đầu năm của Việt Nam tăng 2,44% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức lạm phát 8,6% của Mỹ và 8,1% của châu Âu trong tháng 5. Tốc độ tăng giá hàng hóa ở Việt Nam là nhanh hơn so với năm trước nhưng nhờ chủ động sản xuất được nhiều hàng hóa thiết yếu, nền kinh tế Việt Nam đang thể hiện sức chống chịu tương đối tốt trong cơn bão giá hàng hóa toàn cầu.
Mặc dù vậy, tôi vẫn đánh giá lạm phát là rủi ro trọng yếu đối với nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tôi cho rằng, lạm phát của Việt Nam năm 2022 sẽ ở quanh mức 5%. Theo đó, NHNN sẽ tiếp tục hút ròng tiền qua kênh OMO như trong 6 tháng đầu và lãi suất điều hành có thể được điều chỉnh tăng nhẹ khoảng 0,25-0,5 điểm phần trăm để làm giảm bớt tốc độ tăng của CPI trong những tháng tiếp theo.
Nhìn chung, kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn duy trì được nền tảng vững chắc. Lạm phát so với khu vực và thế giới vẫn ở mức thấp. Các doanh nghiệp niêm yết dự báo sẽ tiếp tục công bố kết quả kinh doanh tích cực trong Quý 2 và cả Quý 3. Vì vậy, tôi cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn với cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong dài hạn.
![]() |
Ông Tô Quốc Bảo, Trưởng nhóm Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) |
P/E thị trường là 1 chỉ số tham khảo để giải ngân, hiện mức P/E đang 13 lần, theo ông là mức đắt hay rẻ? Liệu giai đoạn này có thể gia tăng cổ phiếu cho kế hoạch đầu tư dài hạn không?
Tâm lý chung trên thị trường hiện nay vẫn còn khá yếu và thiếu tính ổn định khi thị trường liên tục có những phiên giao dịch biến động mạnh đi cùng với thanh khoản vẫn ở mức rất thấp. Trong ngắn hạn nhiều khả năng thị trường vẫn sẽ tiếp tục gặp áp lực điều chỉnh khi quay trở lại kiểm nghiệm vùng điểm 1.200.
Tuy nhiên với góc nhìn dài hạn hơn, thị trường sẽ hình thành được vùng tích lũy cứng khi mà tại vùng giá hiện tại, đa phần các doanh nghiệp đều đã được chiết khấu về vùng hấp dẫn bởi mức định giá P/E 13 lần (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) tương đối thấp so với mức trung bình 10 năm trong bối cảnh đà phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch vẫn đang được duy trì. Tốc độ tăng trưởng GDP trong Quý 2/2022 là 7,72%, là mức cao nhất trong hơn một thập kỉ qua cùng với đó là nhiều doanh nghiệp được dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong quý này.
Các nhà đầu tư dài hạn về giá trị có thể bắt đầu giải ngân tại những nhịp điều chỉnh mạnh như phiên 30/6 vừa qua. Tuy nhiên với bối cảnh thị trường đang hình thành vùng tích lũy, việc chỉ số giằng co biến động mạnh là không thể tránh khỏi, vì vậy các nhà đầu tư nên cân nhắc chia việc giải ngân ra thành từng phần để tránh những yếu tố tâm lý tác động lớn mỗi khi thị trường có những nhịp biến động mạnh.
Xin ông biết dự báo KQKD quý 2 và tác động đến TTCK?
Về kết quả kinh doanh Quý 2, tôi cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp niêm yết sẽ chứng kiến tăng trưởng dương. Trong đó, một số nhóm ngành được chúng tôi kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng là dầu khí, thủy sản, dệt may, bán lẻ hàng tiêu dùng, ngân hàng.
Cụ thể, nhóm doanh nghiệp thuộc ngành dầu khí sẽ chứng kiến tăng trưởng vượt trội nhờ hưởng lợi từ giá dầu cao. Ngành thủy sản, dệt may cũng sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực khi giá bán và số lượng đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh. Bán lẻ hàng tiêu dùng được hưởng lợi khi nhu cầu tiêu dùng tăng lên cùng tăng trưởng kinh tế và xu hướng tiêu dùng “trả thù” của người dân sau khi bị kìm hãm trong 2 năm dịch bệnh. Ngành ngân hàng chứng kiến tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 8,51%, cao hơn cả mức tăng trưởng những năm trước dịch, hứa hẹn một mùa báo cáo tài chính rất đáng mong chờ.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành xây dựng và vật liệu xây dựng có thể sẽ chứng kiến một mùa báo cáo tài chính ảm đạm Quý 2 này.
Ở thời điểm hiện tại, kết quả kinh doanh Quý 2 của các doanh nghiệp phần lớn đã được phản ánh vào giá cổ phiếu do ít có những yếu tố bất ngờ và tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp gần như đã được các chuyên gia dự báo từ trước. Nhóm doanh nghiệp hoạt động trong những ngành thiết yếu, ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố lạm phát và chu kỳ bao gồm các doanh nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước sẽ vẫn giữ được giá cổ phiếu tương đối ổn định hoặc có thể vượt trội hơn so với thị trường.