Fed và bài toán cân đối mục tiêu tăng trưởng và lạm phát Mỹ |
Lạm phát là sự gia tăng liên tục của mức giá chung của hàng hóa và dịch vụ trong một nền kinh tế, dẫn đến sự suy giảm giá trị thực của tiền tệ. Theo Investopedia, lạm phát được đo lường bằng tỷ lệ phần trăm tăng trưởng hàng năm của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hoặc chỉ số giá sản xuất (PPI). Khi lạm phát tăng cao, giá cả và chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực tăng giá và giảm lợi nhuận. Lạm phát là một trong những thách thức lớn nhất đối với hoạt động của các doanh nghiệp hiện nay.
Thứ nhất, một trong những tác động rõ rệt nhất của lạm phát đối với doanh nghiệp là chi phí sản xuất gia tăng. Khi giá nguyên vật liệu, nhiên liệu, và dịch vụ tăng cao, doanh nghiệp phải chịu áp lực hoặc chuyển chi phí này sang giá bán sản phẩm hoặc cắt giảm biên lợi nhuận. Theo Investopedia, chỉ số giá sản xuất (PPI) tại nhiều nền kinh tế lớn đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, khiến nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược hoạt động để duy trì lợi nhuận.
![]() |
Khi lạm phát tăng cao, giá cả và chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực tăng giá và giảm lợi nhuận. |
Ông Michael Pearce, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Capital Economics (đơn vị cung cấp thông tin kinh tế độc lập hàng đầu thế giới), nhận định: “Lạm phát gia tăng kéo theo sự biến động trong chuỗi cung ứng và chi phí vận hành, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và bán lẻ. Các doanh nghiệp buộc phải nâng giá bán hoặc cắt giảm quy mô hoạt động để thích ứng với điều kiện thị trường mới”.
Thứ hai, đó là bài toán tiền lương và nhân sự. Với việc lạm phát gia tăng, yêu cầu tăng lương từ người lao động là điều khó tránh khỏi. Những ngành nghề có mức độ biến động lương cao như bán lẻ, sản xuất, và dịch vụ đang đối mặt với tình trạng chi phí lao động leo thang. Theo Công ty Môi giới tài chính thương mại Union Business Finance (Vương Quốc Anh), lạm phát khiến người lao động yêu cầu mức lương cao hơn để đảm bảo sức mua hàng, buộc doanh nghiệp phải xem xét lại chính sách lương thưởng.
Bà Sarah House, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Wells Fargo (Mỹ), cho biết: “Lạm phát không chỉ gây áp lực lên chi phí lương, mà còn ảnh hưởng đến năng suất lao động. Khi chi phí sinh hoạt tăng cao, người lao động có xu hướng tìm kiếm việc làm có mức lương tốt hơn, tạo ra áp lực lớn trong vấn đề giữ chân nhân sự cho doanh nghiệp”.
Thứ ba, không chỉ chịu áp lực từ chi phí đầu vào, doanh nghiệp còn đối mặt với nhu cầu thị trường bất ổn, sức mua giảm sút, đặt ra bài toán về doanh thu. Khi giá cả tăng cao, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tập trung vào các nhu cầu thiết yếu. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ giải trí, và du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (CEPR) Mỹ, lạm phát làm giảm sức mua của người tiêu dùng, dẫn đến sự suy giảm doanh thu của doanh nghiệp. Ông Paul Donovan, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ), nhận định: “Lạm phát làm thay đổi thói quen chi tiêu của khách hàng. Họ có xu hướng cắt giảm những khoản chi không thiết yếu, điều này tác động trực tiếp đến doanh thu của các doanh nghiệp cung cấp hàng hoá và dịch vụ không thiết yếu”.
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố ngày 17/3, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2025 dự kiến chỉ đạt 3,1% thay vì 3,3% như dự báo trước đó (tháng 12/2024). Đến năm năm 2026, tăng trưởng GDP toàn cầu giảm từ 3,3% xuống 3,0%. Những thay đổi này có thể tương đương hàng trăm tỷ USD trong quy mô kinh tế thế giới. Không chỉ là tình trạng lạm phát dai dẳng, OECD cũng bổ sung thêm nguyên nhân là do “rào cản thương mại gia tăng” và “sự bất ổn chính trị” đè nặng lên bức tranh toàn cầu.
OECD cũng cảnh bảo về nguy cơ một cuộc chiến thương mại có thể gây tổn hại nghiêm trọng, không chỉ lên tăng trưởng GDP mà còn thổi bùng ngọn lửa lạm phát. Theo đó, nếu Mỹ áp thuế 10% đối với mọi hàng nhập khẩu phi hàng hóa, và các quốc gia khác đáp trả với mức thuế tương tự, GDP toàn cầu có thể sụt giảm 0,3% chỉ sau 3 năm. Hệ quả, lạm phát toàn cầu sẽ tăng thêm 0,4 điểm phần trăm mỗi năm, riêng tại Mỹ có thể chạm ngưỡng 0,7 điểm phần trăm/năm.
![]() |
Quản lý dòng tiền chặt chẽ là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp ứng phó với lạm phát. |
Trước tình hình lạm phát leo thang, theo các chuyên gia kinh tế tại Công ty Dịch vụ Tài chính tiêu dùng Bankrate (Mỹ), doanh nghiệp cần có chiến lược thích nghi linh hoạt để duy trì hoạt động và tối ưu hóa lợi nhuận.
Thứ nhất, một trong những cách hiệu quả nhất để đối phó với lạm phát là tối ưu hóa chi phí sản xuất. Các doanh nghiệp có thể tìm kiếm nguồn cung ứng thay thế, sử dụng nguyên liệu rẻ hơn mà vẫn đảm bảo chất lượng, hoặc thương lượng lại hợp đồng với nhà cung cấp.
Ông Andrew Kenningham, chuyên gia kinh tế trưởng tại Capital Economics, cho biết: “Các doanh nghiệp thành công trong môi trường lạm phát cao thường là những doanh nghiệp có khả năng kiểm soát chi phí và tìm ra các giải pháp sáng tạo để giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu đắt đỏ”.
Thứ hai, việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm hoặc dịch vụ có thể giúp doanh nghiệp thích ứng với thay đổi của thị trường. Khi sức mua của khách hàng giảm, việc cung cấp các sản phẩm có giá cả hợp lý hoặc dịch vụ giá trị gia tăng sẽ giúp duy trì doanh thu.
Báo cáo từ McKinsey chỉ ra rằng những doanh nghiệp linh hoạt trong chiến lược giá cả và sản phẩm có khả năng duy trì thị phần tốt hơn trong môi trường lạm phát. Ông Richard Barkey, CEO của Công ty Imparta, nhận định: “Những doanh nghiệp biết cách điều chỉnh mô hình kinh doanh để đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách hàng sẽ có lợi thế cạnh tranh trong thời kỳ lạm phát”.
Thứ ba, việc quản lý dòng tiền chặt chẽ và tăng cường hiệu quả quản trị tài chính là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp ứng phó với lạm phát. Các chuyên gia tài chính khuyến nghị doanh nghiệp nên tập trung vào tối ưu hóa dòng tiền, kiểm soát chi phí vận hành, và xem xét các giải pháp tài chính như phòng ngừa rủi ro lạm phát.
Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), những doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững chắc sẽ có khả năng chống chịu tốt hơn trước những cú sốc kinh tế. Ông David Malpass, cựu Chủ tịch World Bank, nhấn mạnh: “Duy trì thanh khoản và có kế hoạch tài chính rõ ràng là cách tốt nhất để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn”.
Thứ tư, tận dụng công nghệ và tự động hóa giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí lao động, nâng cao năng suất và giảm thiểu tác động tiêu cực từ lạm phát. Nhiều doanh nghiệp đang đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI), phần mềm quản lý chuỗi cung ứng và các hệ thống tự động để tối ưu hóa hoạt động.
Báo cáo từ Deloitte chỉ ra rằng những doanh nghiệp áp dụng công nghệ trong sản xuất và vận hành có thể giảm đáng kể chi phí và cải thiện biên lợi nhuận trong môi trường lạm phát cao.
Có thể thấy, lạm phát không chỉ là một thách thức mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp rà soát lại mô hình kinh doanh, tìm kiếm giải pháp sáng tạo và tăng cường hiệu quả vận hành. Những doanh nghiệp có chiến lược thích nghi linh hoạt, quản trị tài chính tốt và ứng dụng công nghệ sẽ có khả năng vượt qua khó khăn và thậm chí mở rộng thị phần trong thời kỳ bất ổn.
Lạm phát là một phần của chu kỳ kinh tế, và những doanh nghiệp có tư duy dài hạn, biết cách tận dụng cơ hội trong thách thức sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, sự chủ động và linh hoạt trong chiến lược kinh doanh chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp tồn tại và bứt phá.
![]() Trong tình huống hiện tại, chính phủ các nước cần đưa ra biện pháp giảm tác động của lạm phát lên người dân và đưa ... |
![]() Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng Bảy và 7 tháng năm 2024 của Tổng cục Thống kê, tình hình kinh ... |
![]() Tiền lương trung bình thực tế toàn cầu đã bắt đầu tăng trở lại khi lạm phát giảm dần. Năm 2023, tiền lương thực tế ... |