Có tới 8/11 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ giảm lãi, lỗ đậm trong năm 2022
Trong năm 2022, bức tranh lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tương đối ảm đạm khi hầu hết các doanh nghiệp ghi nhận con số giảm. Duy nhất ghi nhận một doanh nghiệp vượt kế hoạch.
Do chi phí bồi thường bảo hiểm tăng, "ông lớn" Bảo Việt (mã: BVH) ghi nhận lãi ròng quý 4 giảm 37%, còn gần 342 tỷ đồng. Cả năm 2022, Tập đoàn Bảo Việt đạt gần 103 tỷ đồng lợi nhuận gộp kinh doanh bảo hiểm, giảm 83% so với năm trước; trong khi lợi nhuận đầu tư tài chính tăng 3%, đạt gần 8.081 tỷ đồng. Vì vậy, lợi nhuận ròng của BVH giảm 20%, xuống còn hơn 1.530 tỷ đồng.
"Ông lớn" Bảo Việt ghi nhận lợi nhuận giảm trong năm 2022 |
Tương tự, Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long (UPCoM: BLI) giảm 73% so cùng kỳ, còn hơn 10 tỷ đồng. Mặt khác, hoạt động đầu tư tài chính của BLI có lợi nhuận tăng nhẹ 8% lên hơn 18 tỷ đồng. Thế nhưng, BLI vẫn lỗ ròng hơn 42 tỷ đồng do lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm và đầu tư tài chính không đủ bù đắp chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 81 tỷ đồng.
Ghi nhận cả năm, BLI thu về hơn 88 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng 6% so với năm trước, chủ yếu nhờ hoạt động tài chính mang về lợi nhuận tăng 41%, đạt hơn 136 tỷ đồng, do lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư gấp gần 4 lần năm trước.
Tại CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (ABIC, mã: ABI), nhờ lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 43% đạt gần 138 tỷ đồng và đầu tư tài chính tăng trưởng 16% đạt hơn 36 tỷ đồng đã giúp doanh nghiệp bảo hiểm này thoát lỗ, có lãi ròng hơn 53 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 17 tỷ đồng.
Mặc dù thoát lỗ trong quý 4, song lãi ròng cả năm 2022 của ABI vẫn giảm 19% so năm trước, còn gần 222 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 19% lên hơn 1.323 tỷ đồng trong khi doanh thu thuần bảo hiểm chỉ tăng nhẹ 7%.
Chưa hết, Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) còn lỗ kỷ lục năm 2022 hơn 352 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi hơn 257 tỷ đồng. Riêng quý 4/2022, doanh nghiệp bảo hiểm này lỗ ròng hơn 4 tỷ đồng. Được biết, đây là năm đầu tiên thua lỗ của doanh nghiệp bảo hiểm này kể từ khi niêm yết (năm 2011).
PTI giải trình do phát sinh chi phí liên quan đến chương trình bảo hiểm “Vững Tâm An” số tiền hơn 353 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bồi thường của PTI tăng mạnh so với cùng kỳ, gây ảnh hưởng xấu đến kết quả kinh doanh. Tính chung cả năm, tổng chi bồi thường bảo hiểm năm 2022 tăng hơn 747 tỷ đồng, tương đương tăng 35% so với năm trước.
Trong khi đó, nhờ lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 43% đạt gần 138 tỷ đồng và đầu tư tài chính tăng trưởng 16% đạt hơn 36 tỷ đồng, CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (ABIC, mã: ABI) may mắn thoát lỗ quý 4, có lãi ròng hơn 53 tỷ đồng. Thế nhưng, cả năm 2022 của ABI vẫn giảm 19% so năm trước.
Hay như Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (mã: PGI) cũng ghi nhận lãi giảm mạnh trong năm 2022 khi PGI đạt gần 204 tỷ đồng lãi ròng, giảm 41% so với năm trước. Tính riêng quý 4/2022 PGI đạt hơn 41 tỷ đồng lợi nhuận ròng, giảm 50% so với cùng kỳ.
Tại Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã: BIC) lãi sau thuế giảm 20% còn hơn 321 tỷ đồng. Nguyên nhân bởi lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 13% đạt 569 tỷ đồng trong khi đó tổng chi phí HĐKD bảo hiểm tăng tới 39% lên hơn 2.082 tỷ đồng và chi phí quản lý tăng 13% lên 533 tỷ đồng.
Hầu hết các công ty bảo hiểm phi nhân thọ ghi nhận lợi nhuận lãi giảm trong năm 2022 |
Cùng cảnh ngộ, Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC - Mã: MIG) đạt 159 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 29% so với năm trước. Trong đó, chi phí HĐKD bảo hiểm tăng tới 48% lên 3.194 tỷ đồng; chi phí hoạt động tài chính tăng mạnh 61%; chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng tới 21% và chi phí khác tăng 36%.
Đáng chú ý, Tổng CTCP Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare, mã: VNR) đã ngược dòng vói kết quả kinh doanh tăng trưởng. Cụ thể, VNR có lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm gấp 2 lần cùng kỳ, lên gần 40 tỷ đồng, do chi phí bồi thường bảo hiểm giảm 33% và chi phí khác giảm 18% khiến chi phí kinh doanh bảo hiểm giảm mạnh hơn doanh thu (giảm 22%).
Đồng thời, hoạt động tài chính có lợi nhuận tăng đáng kể (tăng 68% so với cùng kỳ), đạt gần 139 tỷ đồng, giúp lợi nhuận ròng của VNR tăng 78%, đạt hơn 126 tỷ đồng trong quý 4. Cả năm 2022, VNR đạt hơn 380 tỷ đồng lãi ròng, tăng 10% so với năm trước, nhờ lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm tăng 83%, đạt hơn 237 tỷ đồng. Tổng kết, VNR đã tăng nhẹ 7% so với thực hiện năm 2021, vượt 6% mục tiêu lợi nhuận đặt ra.
Ngoài VNR, Tổng CTCP Bảo Minh (mã: BMI) cũng ghi nhận con số lợi nhuận khả quan. Tính chung cả năm 2022, BMI ghi nhận lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt hơn 343 tỷ đồng và gần 293 tỷ đồng, tăng 12% và 15% so với năm trước.
Hay Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng không (mã: AIC), trong năm 2022 lợi nhuận ròng tăng 16% so với năm trước, đạt hơn 20 tỷ đồng. Trước đó, hoạt động quý 4/2022 của AIC lỗ gộp hơn 47 tỷ đồng nhưng Công ty vẫn thu về lợi nhuận ròng gần 11 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước.
Trước đó, từ kết quả kinh doanh quý III/2022 của 11 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ niêm yết cho thấy, có 6 doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế giảm mạnh và 2 doanh nghiệp lỗ. Mặc dù doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của 11 doanh nghiệp đang niêm yết đạt 16.384 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước nhưng không theo kịp mức tăng 17% của chi phí kinh doanh bảo hiểm (chi phí bồi thường và chi phí khác).
Tính đến hết 12/12/2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm trên cả nước ước đạt 251.306 tỷ đồng (tăng 15,09% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 68.201 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 183.105 tỷ đồng. |