Dư nợ cho vay margin tại các CTCK giảm mạnh, riêng một CTCK giảm 9.000 tỷ kể từ đầu năm
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng quý 2/2022, VN-Index để mất 20,07% kể từ đầu năm, trở thành một trong những chỉ số có có hiệu suất tệ nhất thế giới. Theo số liệu từ Bloomberg, tại mức điểm chốt tháng 6 là 1.1976 điểm, định giá P/E VN-Index chỉ còn 13 lần. Trong khi mức đỉnh được thiết lập vào cuối tháng 6/2021, P/E của thị trường từng ở mức hơn 19 lần. Mức P/E này cũng thấp hơn nhiều mức trung bình 10 năm là 15 lần.
Không chỉ giảm về điểm số, thanh khoản thị trường cũng sụt giảm đáng kể với giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên sàn HoSE ghi nhận trong tháng 6/2022 chỉ đạt 13.182 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 1 năm trở lại đây và giảm 57% so với đỉnh ghi nhận tháng 11/2021 với gần 31.000 tỷ đồng/phiên.
Kéo theo đó, dư nợ vay margin cũng giảm mạnh. Mặc dù VN-Index giảm 20% nhưng nhiều cổ phiếu giảm 60-80% từ đỉnh và nếu dùng margin nhiều nhà đầu tư có thể thua lỗ 80-90% tài khoản. Do đó cả vốn thực và vốn margin đều suy giảm, nhà đầu tư muốn vay margin trở lại cũng không đủ tài sản đối ứng.
Theo ước tính của chúng tôi, dư nợ cho vay (chủ yếu là cho vay margin) trên toàn thị trường tính tới cuối quý 2/2022 vào khoảng 150.000 tỷ đồng, giảm khoảng 50.000 tỷ đồng so với quý trước đó. Cũng cần lưu ý, đây là số dư nợ không bao gồm cho vay 3 bên, nếu tính thêm dư nợ cho vay 3 bên con số có thể lớn hơn.
Thống kê riêng 20 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường có dư nợ cho vay cuối quý 2/2022 khoảng 128.000 tỷ đồng, giảm 25% so với quý 1/2022, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm 2021.
Dư nợ cho vay của các CTCK hầu hết đều giảm tốc trong quý 2. Trong top 20 CTCK có dư nợ lớn nhất thị trường, không có công ty nào ghi nhận mức tăng trưởng dương. Nhóm dẫn đầu vẫn là những cái tên quen thuộc SSI (14.724 tỷ đồng), TCBS (14.234 tỷ đồng), Mirae Asset (13.444 tỷ đồng), VND (11.644 tỷ đồng), HSC (11.227 tỷ đồng).
Các CTCK lớn có sự mức sụt mạnh nhất về dư nợ cho vay quý 2 là SSI khi giảm 6.479 tỷ (-31%) so với cuối quý 1 và giảm gần 9.000 tỷ đồng so với đầu năm, VPS (giảm 32% so với quý 1 và giảm 25% so với đầu năm), MiraeAsset (-27% so với quý 1), KIS (-40% so với quý 1 xuống 4.512 tỷ đồng), SHS (-44% so với quý 1 xuống 2.806 tỷ đồng)…
Áp lực cạnh tranh đến từ các CTCK ngoại tiếp tục mạnh mẽ, đặc biệt đến từ nhóm CTCK vốn Hàn Quốc. Riêng trong quý 2 vừa qua, có 3 CTCK ngoại xuất hiện trong top 10 dư nợ và đều là các CTCK Hàn Quốc, bao gồm Mirae Asset, KIS và KB Securities.
Trong một báo cáo phát hành vào cuối tháng 3/2022, CTCK VND từng đưa ra số liệu dư nợ margin cuối tháng 1/2022 có thể đạt khoảng 230.000 tỷ đồng và ghi nhận mức kỷ lục. Việc nhà đầu tư đẩy mạnh sử dụng margin khi đó đã khiến nhiều thời điểm một số CTCK không thể cho vay do đã "kín room". Theo quy định hiện hành, CTCK chỉ có thể cho vay tối đa gấp 2 lần Vốn chủ sở hữu (VCSH) và điều này khiến một số CTCK lớn đang tiệm cận mức giới hạn cho vay như HSC, PHS, MBS, Mirae Asset…
Để giải quyết bài toán room cho vay, hàng loạt Công ty chứng khoán đã đẩy nhanh kế hoạch tăng vốn ngay từ đầu năm 2022, thậm chí còn lên kế hoạch sẽ tăng vốn vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, đến thời điểm này kế hoạch tăng vốn của nhiều CTCK có thể “phá sản” khi thị trường trở nên khó khăn hơn.