Mất bao lâu thị trường chứng khoán mới hồi phục trở lại sau cú giảm vì tăng lãi suất?
VN-Index đang phản ứng tiêu cực trước thông tin tăng lãi suất điều hành (Ảnh minh hoạ) |
Mặc dù thông tin tăng lãi suất điều hành được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định đưa ra vào tuần vừa qua không nằm ngoài dự báo của giới chuyên gia và các công ty chứng khoán cũng như nhà đầu tư. Tuy nhiên, sang đến phiên thứ 2 sau thông tin tăng lãi suất, thị trường lại có những phản ứng tiêu cực hơn nhiều.
Tạm dừng phiên sáng 26/9, VN-Index giảm gần 30 điểm xuống 1.173,64 điểm, tương đương mức giảm gần 2%. Hiện vẫn chỉ có KOSPI và TWSE đang giảm trên 2% trong khi các chỉ số chứng khoán khác chỉ dao động quanh 1%. Biên độ của các cổ phiếu trên sàn đều đang được nới ra thêm trong khi đó độ rộng cũng đang chứng kiến gần 90% mã giảm.
Đánh giá về tác động của việc tăng lãi suất lên thị trường chứng khoán, Chứng khoán BSC cho biết, thống kê quá khứ những lần phản ứng của VN-Index trước thông báo tăng lãi suất điều hành và cho biết, khi NHNN công bố nâng lãi suất điều hành thì TTCK Việt Nam thường có xu hướng giảm ngay tức thì so với thời điểm trước khi công bố. Đó là phản ứng ngắn hạn của thị trường trước thông tin tiêu cực.
Tuy nhiên, tính đến tháng thứ 3 thì thị trường đã hồi phục trở lại sau khi thông tin tiêu cực đã được phản ánh hết và bắt đầu xuất hiện những dòng tiền bắt đáy, ngoại trừ hai giai đoạn thị trường giảm rất sâu là 2008 và 2011 do bị ảnh hưởng bởi cuộc suy thoái toàn cầu 2008, cùng với đó là sự gia tăng nợ khó đòi của ngân hàng và đổ vỡ tín dụng đen tạo điểm tối đáng ngại trong bức tranh tài chính Việt Nam 2011. Tình trạng lạm phát đi kèm suy thoái có tác động nặng nề đến thị trường chứng khoán khi đó.
Theo BSC, việc NHNN nâng lãi suất điều hành có tác động ngược chiều với xu hướng của VN-Index do kỳ vọng của các nhà đầu tư vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị giảm. Bởi lẽ, trong bối cảnh lãi suất tăng, lợi nhuận có thể giảm khi chi phí đi vay tăng cũng như nhu cầu đi vay để thực hiện thêm các dự án đầu tư, hoạt động tài chính và các thương vụ M&A bị hạn chế hơn.
Ngoài ra, người tiêu dùng sẽ chi tiêu ít hơn khi các mức lãi suất cho vay tăng và từ đó làm giảm doanh số bán hàng của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, BSC vẫn bày tỏ quan điểm lạc quan khi yếu tố vĩ mô của Việt Nam vẫn đang duy trì đà tăng trưởng tích cực. Tăng trưởng GDP thực trong quý tăng lên mức 7,7% so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 5,03% của quý 1/2022.
Bên cạnh đó, lạm phát Việt Nam vẫn ở dưới ngưỡng mục tiêu, cho thấy ở thời điểm hiện tại nhập khẩu lạm phát chưa đáng kể, áp lực NHNN phải tham gia vào cuộc chạy đua thắt chặt chính sách tiền tệ cùng với các NHTW khác trên thế giới chưa quá nặng nề.
Tại báo cáo, BSC lưu ý giá hàng hóa thế giới mặc dù đã có dấu hiệu đạt đỉnh nhưng vẫn ở mức cao, cùng với tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang được dự đoán sẽ tiếp tục duy trì suy giảm sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của các quốc gia có độ mở lớn như Việt Nam.
Về nhóm ngành hưởng lợi bởi quyết định tăng lãi suất điều hành, theo BSC là nhóm ngành có giá đã điều chỉnh đủ sâu, thường có P/E thấp và sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc tăng lãi suất bằng những nhóm cổ phiếu chưa điều chỉnh; (2) là nhóm các doanh nghiệp vay nợ ít, nhờ đó sẽ tiết kiệm được chi phí lãi vay trong giai đoạn lãi suất cao; (3) những doanh nghiệp có nhiều tiền mặt, từ đó sẽ hưởng lợi từ việc đem lượng tiền mặt dư thừa đi gửi tiết kiệm ngân hàng để hưởng mức lãi cao.