Hiện tượng giá gạo trong nước tăng mạnh hơn giá xuất khẩu
Bởi khi nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo buộc phải hoàn tất các tháng cuối năm nhưng trong kho lại thiếu hàng, doanh nghiệp buộc phải đẩy giá mua.
Trong bối cảnh giá gạo trong nước cao hơn giá gạo xuất khẩu, nhiều chuyên gia cho rằng để giảm thiểu rủi ro, các doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng mới khi nào trong kho đã có chân hàng.
Doanh nghiệp không dám ký đơn hàng giao xa
Từ khi Chính phủ Ấn Độ có lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, giá gạo trong nước tăng lên khoảng 1.500 đồng/kg, tương đương 60 USD/tấn, nhưng giá gạo xuất khẩu chỉ tăng từ 30 USD - 40 USD/tấn chưa bù được mức tăng của giá gạo nội địa.
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV cho biết, giá gạo xuất khẩu tăng nhưng không kịp so với đà tăng giá gạo trong nước, nguyên nhân do nguồn nguyên liệu trong nước đang cạn kiệt và do một số đơn vị xuất khẩu còn đang nợ hợp đồng mà thời gian giao hàng không còn nhiều, nên họ tập trung mua cho đủ số lượng để kịp giao hàng trong các tháng cuối năm.
Hiện giá giao dịch hợp đồng mới đối với gạo OM 5451 và ĐT 8 khoảng 500 USD/tấn, tăng lên khoảng 20 USD/tấn so với trước nhưng so với giá gạo trong nước nếu ký bán doanh nghiệp vẫn chưa có lãi, vì vậy, Phước Thành 4 không ký hợp đồng mới mà chủ yếu giao những đơn hàng đã ký trước đây, cùng với đó công ty vẫn tiếp tục mua vào để tạo chân hàng chờ khi nào có lãi mới bán ra.
“Trước tình hình này hầu hết doanh nghiệp đều rất thận trọng khi ký các đơn hàng mới, và do biên độ lãi không nhiều chỉ vào khoảng 200 đến 400 đồng/kg nên doanh nghiệp không dám ký đơn hàng giao xa vì sợ rủi ro, mà chỉ chỉ ký các hợp đồng có thời gian từ 1 đến 3 tháng.
Giá USD tăng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nhưng biên độ lợi nhuận so với giá đầu vào và các chi phí khác tính ra vẫn chưa có lời, do giá gạo trong nước tăng nhanh quá. Đối với các doanh nghiệp có hàng tồn kho họ không cần xuất khẩu bán trong nước vẫn có lãi.
Còn về room tín dụng cho doanh nghiệp gạo đến nay cũng chưa thông suốt lắm, chỉ với những doanh nghiệp có uy tín và tiềm lực kinh tế tốt vẫn còn được ngân hàng ưu ái mới có khả năng mua lúa dự trữ, còn những doanh nghiệp sử dụng vốn lưu động ở ngân hàng nhiều quá khi cần huy động lượng tiền lớn để mua gạo dự trữ chắc sẽ gặp khó khăn, ngay cả việc họ thế chấp hợp đồng ký mới để vay tiền vẫn không được giải chấp", ông Thành cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV |
Cũng theo vị lãnh đạo doanh nghiệp trong cuộc này, hiện nay nếu vay về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn lãi suất khoảng từ 7% - 7.5%/năm nhưng rất khó vay, trong trường hợp vay thương mại khác có mức lãi suất từ 9% - 10%/năm, cũng có doanh nghiệp do khó khăn bắt buộc phải vay lãi suất trên 12%/năm.
"Tôi nghĩ, sắp tới chắc chính phủ chắc sẽ xem xét, điều chỉnh vấn đề tiền tệ, còn hiện nay do các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước sợ lạm phát tăng trần lãi suất, đã có nhiều nhà đầu tư gửi tiết kiệm trở lại nên lượng tiền ở ngân hàng sẽ dồi dào hơn”, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV nói.
Số lượng tàu vào TPHCM ăn hàng rất nhiều
Ông Trần Tuấn Kiệt - Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Xuất nhập khẩu Miền Nam, thị trường gạo xuất khẩu trong các tháng cuối năm rất nhộn nhịp, số lượng tàu vào TP.HCM ăn hàng rất nhiều và đa số là những tàu lớn đi gạo đóng túi có trọng lượng từ 4,5kg đến 5 kg/túi, phần lớn các hợp đồng xuất khẩu gạo đều có điểm đến là Philippines, Trung Quốc và châu Phi…
Do nhu cầu giao hàng của doanh nghiệp tăng mạnh nên giá gạo trong nước đã tăng trên 1.000 đồng/kg, tuy vậy nguồn cung vẫn có đủ cho nhu cầu mua vào của doanh nghiệp, và phần lớn các doanh nghiệp ký hợp đồng mới đều có chân hàng trong kho nên đạt lợi nhuận đạt từ 15 USD đến 20 USD/tấn. Bên cạnh đó, khi ký hợp đồng tỷ giá USD/VND cũng thấp hơn so với tỷ giá hiện nay nên doanh nghiệp xuất khẩu càng có lợi, chính vì vậy, khi nhận hàng đối tác xét chất lượng rất khắt khe.
“Giá lúa gạo trong nước đang tăng lên từng ngày theo sức mua của doanh nghiệp giúp người nông dân cải thiện thu nhập. Giá lúa tươi Thu Đông tại ruộng lúa IR 50404 đang dao động từ 6.300 đến 6.400 đồng/kg, so với vụ Hè Thu cao hơn từ 500 đến 700 đồng/kg. Do ảnh hưởng của nước lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông về nhiều nên diện tích sản xuất vụ Thu Đông năm nay thấp hơn các năm trước. Dự báo diễn biến giá lúa gạo có thể vẫn duy trì ở mức cao đến vụ Đông Xuân 2022-2023”, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Xuất nhập khẩu Miền Nam nói.
Ông Trần Tuấn Kiệt - Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Xuất nhập khẩu Miền Nam |
Giá gạo sẽ ổn định khi vào vụ thu hoạch mới?
Ông Đỗ Hà Nam – Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) – Tổng giám đốc Intimex Group cho biết, hiện nay các hợp đồng ký mới đều cao hơn các hợp đồng cũ nhưng doanh nghiệp vẫn không có lời là do nhiều doanh nghiệp không mua đủ hàng, vì nguồn cung trong nước đang cạn buộc họ phải đẩy giá gạo lên để hút hàng về, khiến giá gạo trong nước sẽ bật tăng. Đó là nguyên nhân giá gạo trong nước tăng nhanh hơn giá gạo xuất khẩu.
Bản chất của vấn đề là do đầu năm có nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng rất ít, vì vậy tâm lý chung là khi thấy giá gạo xuất khẩu tăng lên và có hợp đồng mới thì có nhiều người ký bán, nhưng họ không ngờ giá gạo trong nước lại lên nhanh hơn giá gạo xuất khẩu.
Khi lượng hợp đồng ký cao hơn lượng hàng có thật trong nước và khi doanh nghiệp cần hàng để giao cho đối tác buộc phải đẩy giá lên để huy động, tất nhiên giá nội địa sẽ phải cao hơn giá gạo xuất khẩu. Song, giá gạo sẽ dần ổn định trở lại khi Đồng bằng sông Cửu Long vào vụ thu hoạch rộ vụ Thu Đông và nguồn hàng trên thị trường có trở lại, ông Đỗ Hà Nam nhận định.
Ông Đỗ Hà Nam – Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) – Tổng giám đốc Intimex group |
“Giá gạo lên xuống, tăng giảm do biến động của cung cầu và việc giá gạo nội địa tăng cao hơn giá gạo xuất khẩu chỉ có tính ngẫu nhiên, nhất thời không phản ánh đúng bản chất của sự việc. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp thấy giá gạo xuất khẩu tăng nên ký nhiều hợp đồng mới, đến khi giao hàng nguồn hàng trên thị trường không dồi dào như họ nghĩ.
Về mặt suy luận dễ dàng thấy chúng ta đang thị trường trong nước thiếu khoảng 500.000 tấn gạo từ Ấn Độ nhập về để cho tiêu dùng, nên khi lượng gạo này bị cắt thì tiêu dùng trong nước sẽ lấy từ nguồn gạo xuất khẩu để bù vào. Bên cạnh đó, lượng gạo xuất khẩu cũng tăng lên, có hai lực hút gạo cùng lúc tăng tất nhiên là nguồn cung sẽ bị thiếu hụt cục bộ. Sau khi thị trường cân đối được cung cầu thì sẽ trở lại nhịp bình thường của nó”, Phó chủ tịch VFA, Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc Intimex Group phân tích thêm.
Theo ông Nam, điều quan trọng nhất hiện nay là các doanh nghiệp nên thận trọng trong việc ký các hợp đồng mới khi trong kho chưa có chân hàng, chỉ khi nào tính toán được chân hàng rồi hãy ký chứ chưa có chân hàng mà ký thì sẽ gặp nhiều rủi ro.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 10 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu gạo đạt 2,9 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. |