Nhìn về chuỗi sụt giảm 10 tháng liên tiếp của vốn FDI đăng ký mới
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 25,14 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, tổng vốn FDI đăng ký mới đạt hơn 11,5 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 5,7 điểm % so với thống kê của 10 tháng. Đồng nghĩa, đây là tháng thứ 10 liên tiếp kể từ đầu năm, vốn FDI đăng ký mới sụt giảm so với cùng kỳ.
Việc sụt giảm này có thể ảnh hưởng đến số vốn FDI giải ngân trong tương lai và do đó, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
LO NGẠI VỐN FDI GIẢI NGÂN GIẢM TRONG TƯƠNG LAI?
Theo Tổng cục Thống kê, nếu xét số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và GVMCP nhiều nhất trong 10 tháng năm 2022 (chiếm 20,7% số dự án mới, 33,2% số lượt điều chỉnh và 34,1% số lượt GVMCP).
Tuy nhiên, theo ông Hong Sun - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới trở nên khó khăn hơn khi xung đột giữa Nga và Ucraina kéo dài; lạm phát duy trì ở mức cao, nhất là ở châu Âu và Mỹ… đã khiến các nhà đầu tư Hàn Quốc thận trọng khi tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
“Do biến động của kinh tế thế giới, xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia khiến ngoài đồng USD thì tất cả các đồng tiền đều giảm giá. Trong đó đồng Won của Hàn Quốc cũng bị giảm giá 20- 30%. Điều này cũng cũng ảnh hưởng nhất định đến nguồn đầu tư ngắn hạn của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam. Bởi vì khi đầu tư, nhiều doanh nghiệp phải dùng nhiều tiền Won đổi sang đồng USD”, ông Hong Sun chia sẻ.
Tương tự, trong báo cáo Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) quý 3/2022 cũng cho thấy, niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu về môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam giảm xuống 62,2 điểm phần trăm, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu.
“Hiện tại Châu Âu đang trong thời gian rất khó khăn khi cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina kéo dài đã tác động tới năng lượng, lạm phát. Khi mà đối mặt với những khó khăn ở trong nước thì các doanh nghiệp rất khó để có thể tìm kiếm cơ hội bên ngoài”, ông Alain Cany, Chủ tịch Eurocham lý giải.
Nhìn nhận về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, thời điểm hiện tại, xu hướng kinh tế thế giới đang xấu đi, kinh tế Việt Nam cũng không thể khác được. Trong đó, dù vốn FDI đăng ký cấp mới có dấu hiệu phục hồi trong tháng 10 và 11, nhưng tính chung 11 tháng vẫn giảm 18% so với cùng kỳ.
Việc sụt này có thể ảnh hưởng đến số vốn FDI giải ngân trong tương lai và do đó, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
“Vốn đăng ký cấp mới và giải ngân FDI có mối liên quan tích cực với nhau, nếu đăng ký mới tăng lên sau này tỷ lệ giải ngân có thể tăng. Nhưng nếu đăng ký giảm thì sau này tỷ lệ giải ngân vốn chắc chắn giảm. Như vậy, xu hướng giải ngân vốn FDI có thể tiếp tục giảm thời gian tới”, ông Cung quan ngại.
NHIỀU ĐỘNG THÁI QUAN TRỌNG ĐỂ THU HÚT VỐN FDI
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư mới sụt giảm không phải là câu chuyện của riêng Việt Nam, mà là xu hướng toàn cầu. Theo số liệu của FDI Markets, trong nửa đầu năm 2022, các dự án cấp mới trên toàn cầu đã giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào một quốc gia thường phải tính toán bài toán kinh tế hiệu quả, tức là ở đâu có an toàn và hiệu quả thì đầu tư. Trên thực tế, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn và an toàn, chi phí hợp lý, nguồn nhân lực dồi dào.
“Tôi đã có tiếp xúc và làm việc với hơn 20 doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có nhiều nhà đầu tư tỷ đô. Sau khi khảo sát và đánh giá, các doanh nghiệp FDI đều cho rằng Việt Nam là top đầu trong lựa chọn đầu tư. Một khi các kế hoạch này được triển khai, vốn FDI sẽ tăng tốc vào Việt Nam”, ông Hoàng thông tin.
Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, việc Việt Nam giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế cũng như nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh là điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư FDI của Hàn Quốc.
Nêu ví dụ cụ thể, Phó Chủ tịch Hong Sun cho biết, khi các doanh nghiệp FDI gặp khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ triệu tập lãnh đạo các bộ ngành và địa phương đối thoại cùng với các doanh nghiệp, để làm sao giải quyết được khó khăn của từng ngành và từng lĩnh vực. Đây là điều rất hiếm khi xảy ra, vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp rất tin tường và cam kết đầu tư tại Việt Nam.
“Những doanh nghiệp tiêu biểu của Hàn Quốc liên tục mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam như Tập đoàn Samsung đã đầu tư hàng tỷ USD, Tập đoàn LG đã đầu tư hơn 1 tỷ USD, hay trong năm 2022 Tập đoàn Lotte cũng vừa đầu tư thêm 1 tỷ USD tại TP.HCM. Không chỉ vậy, nhiều công ty cấp 1, cấp 2, cấp 3 và các công ty phụ trợ đi theo các tập đoàn lớn cũng đã và đang đầu tư vào Việt Nam”, ông Hong Sun thông tin.
Kết quả khảo sát Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) quý 3/2022 của EuroCham cũng cho thấy điều tương tự. Mặc dù BCI quý 3 đã giảm xuống còn 62,2 điểm, nhưng vẫn có tới 42% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu được hỏi cho biết, họ sẽ tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam vào cuối năm nay. Trong khi đó, chỉ khoảng 2% người được hỏi cho biết, họ đã chuyển một phần đáng kể hoạt động của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam và điều đó có nghĩa, dư địa tăng trưởng vẫn còn lớn.
“Việt Nam mang lại cơ hội đầu tư lớn cho các doanh nghiệp châu Âu và chúng tôi rất vui mừng về triển vọng của đất nước trong trung và ngắn hạn. Việt Nam chắc chắn sẽ có vị thế tốt hơn trong 2 hoặc 3 năm tới và sẽ chứng tỏ được vị thế của mình là một trong các điểm đến đầu tư và kinh doanh năng động nhất”, Chủ tịch Eurocham khẳng định.
Tuy vậy, theo kết quả khảo sát của EuroCham, Việt Nam có thể tăng mức vốn FDI bằng cách giảm bớt khó khăn về hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển năng lực nguồn nhân lực và giảm rào cản thị thực cho các chuyên gia nước ngoài .
“Khi những trở ngại trên được giải quyết, Việt Nam sẽ có vị trí thuận lợi để thu hút thêm nhiều công ty nước ngoài chuyển địa điểm ra khỏi Trung Quốc”, Chủ tịch Eurocham nhìn nhận.
Liên quan đến vấn đề này, trong một báo cáo gửi tới Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, để thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam đã có một loạt động thái quan trọng như ban hành các quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt, phê duyệt bộ tiêu chí thu hút FDI có chọn lọc, thành lập tổ công tác đặc biệt để tiếp cận, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn lớn, có công nghệ nguồn, đứng đầu chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu…
Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu, xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá để thu hút FDI đạt được hiệu quả, bền vững, trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, thúc đẩy đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.