Sắp chính thức sửa Nghị định 153: Kỳ vọng và quan ngại?
Chuyên gia cho rằng, chính sách cần tạo điều kiện để thị trường phát triển; khi nhà đầu tư chưa đủ niềm tin thì họ sẽ đứng ngoài (Ảnh minh họa) |
Dù được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn và thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong thời gian tới, song không ít quan ngại rằng những quy định đưa ra trong dự thảo đang làm khó doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Để an toàn và chuyên nghiệp hơn
Dự thảo Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ (lần thứ 5) với hơn 10 nội dung sửa đổi theo hướng siết các quy định về mục đích và điều kiện phát hành, nâng cao tiêu chí nhà đầu tư… Việc này thể hiện quyết tâm của cơ quan quản lý nhằm ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tồn tại nhiều rủi ro, bất cập, dẫn đến những trường hợp sai phạm trong thời gian qua.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dự thảo đã bổ sung thêm quy định về đảm bảo tính công khai và đưa ra những chuẩn mực và tăng cường các chế tài và biện pháp giám sát thực thi và tháo bỏ những rằng buộc bất hợp lý với thị trường TPDN.
“Tất cả những biện pháp điều chỉnh, một mặt sẽ tăng cường được vai trò quản lý của nhà nước để bảo vệ được các nhà đầu tư. Mặt khác vẫn tạo ra không gian cho sự phát triển của thị trường trái phiếu thời gian tới”, ông Lộc kỳ vọng.
Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, dự thảo đã được sửa theo hướng an toàn hơn, chuyên nghiệp hơn. Trong đó, muốn chuyển hướng toàn bộ phát hành trái phiếu riêng lẻ trở thành phát hành phát hành trái hành trái phiếu ra công chúng. Đây là hướng phù hợp xu hướng chung của thế giới và phù hợp với sự chuyên nghiệp hóa thị trường trái phiếu.
“Việt phát hành TPDN ra công chúng làm được hai việc. Thứ nhất là xếp hạng được TPDN (nếu không xếp hạng được thì sẽ không có thị trường trái phiếu minh bạch). Thứ hai, Ủy ban Chứng khoán có thể giám sát và điều tiết thị trường hoạt động bình thường”, ông Nghĩa phân tích.
Những quy định “làm khó” nhà đầu tư?
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 8 tháng đầu năm 2022 có 18 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng với tổng giá trị 9.296 tỷ đồng, chiếm 4% tổng giá trị trái phiếu phát hành. Ngoài ra còn có 344 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá khoảng 211.300 tỷ đồng, chiếm 96% tổng giá trị phát hành. Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm khoảng 40%.
Lý giải về sự sụt giảm này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law, những rủi ro đầu tư và rủi ro pháp lý bộc lộ ở một số trường hợp sau giai đoạn phát triển nóng, cùng hướng siết chặt lại cơ chế pháp lý (đặc biệt ở việc sửa đổi Nghị định 153) được cho là nguyên chủ yếu.
Theo Luật sư Hà, tại Điều 1.1 trong dự thảo quy định cấm doanh nghiệp phát hành trái phiếu để góp vốn dưới hình thức góp vốn hoặc mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, quy định này là không phù hợp với nguyên tắc quản trị của các tập đoàn.
“Quy định như vậy sẽ khiến các doanh nghiệp ngần ngại đầu tư vào các lĩnh vực mới, ngăn cản quyền tự do huy động vốn của doanh nghiệp và không khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế đa ngành, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế tư nhân”, ông Hà quan ngại.
Trong khi đó, tại Điều 1.2 trong dự thảo yêu cầu việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải được thực hiện trước mỗi khi thực hiện giao dịch mua/bán trái phiếu. Luật sư Hà cho rằng, quy định này không những không có ý nghĩa mà còn vô tình hạn chế quyền bán của chính nhà đầu tư đó.
Ngoài ra, dự thảo cũng yêu cầu doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh của năm liền kề trước năm giao dịch trên hệ thống phải có lãi và không có lỗ lũy kế căn cứ trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán. Quy định này, là “đánh đố” những doanh nghiệp khởi nghiệp vì hầu hết những doanh nghiệp này không thể có lãi ngay do đầu tư ban đầu quá lớn.
“Nếu các quy định này được thông qua và áp dụng, chắc chắn đối tượng phát hành và đối tượng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ sẽ bị thu hẹp đáng kể” ông Hà cho biết.
Cần tạo lòng tin vững chắc cho nhà đầu tư
Trong khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới giảm mạnh, thì áp lực huy động vốn để thanh toán trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lại tăng lên. Trong báo cáo vừa gửi Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, từ nay đến năm 2024 có gần 750.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Riêng năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn khoảng 144.500 tỷ đồng. Năm 2023 và năm 2024, khối lượng trái phiếu đến hạn lần lượt là 271.400 và 329.500 tỷ đồng.
Trước thực trạng này, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cảnh báo, nếu thị trường không được cải thiện, năm 2023, các rủi ro liên quan đến TPDN sẽ hiện hữu. Đặc biệt, trong bối cảnh một lượng “khủng” TPDN sắp đáo hạn, việc xoay xở nguồn trả nợ là khó khăn lớn với doanh nghiệp, có thể dẫn tới các rủi ro hệ thống. Vì vậy, dự thảo Nghị định 153 cần phải sửa theo hướng làm thế nào để doanh nghiệp phát hành trái phiếu dài hạn có thể lên tới 20 năm. Điều này sẽ tạo ra lòng tin vững chắc hơn cho nhà đầu tư.
“Lâu nay, cứ trách doanh nghiệp phát hành trái phiếu để đạo nợ, họ không muốn thế mà thời hạn trái phiếu ngắn hạn tối đa 3 năm. Vì vậy, việc hoàn thiện nền tảng pháp lý và khung về chế tài để lấy lại lòng tin của nhà đầu tư, từ đó mới kéo dài được kỳ hạn của trái phiếu có thể 10 - 20 năm và lãi suất ở mức phù hợp là 8-9% thay vì 13-14% như hiện nay. Lúc đấy, doanh nghiệp yên tâm để đầu tư mà không lo lắng đến này đáo hạn”, ông Nghĩa khuyến nghị.
Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, hoàn thiện hệ thống pháp lý không có nghĩa là thắt chặt hơn, mà cần đảm bảo thông tin đến được thị trường một cách công khai, minh bạch, chính xác.
“Nếu không hiểu rõ, không làm rõ được mục tiêu, mong muốn của việc ban hành quy định pháp luật mà tiếp tục sửa đổi, thì không những không giảm điều kiện kinh doanh mà còn tăng gấp đôi điều kiện phát hành trái phiếu”, ông Hà lưu ý.
Cùng với đó, ông Hà cũng cho rằng, cần hài hòa khi sửa đổi Dự thảo làm sao siết chặt quản lý nhưng không được kìm hãm thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, an toàn, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm giải quyết dứt điểm các vụ việc bao gồm rà soát, đánh giá rủi ro từ hoạt động cung cấp dịch vụ và phát hành trái phiếu riêng lẻ.
“Cần củng cố hành lang pháp lý chặt chẽ hơn nhưng cũng phù hợp, sát gần doanh nghiệp, theo cơ chế thị trường, đề cao vai trò tiền kiểm. Để lành mạnh hóa thị trường, cần vừa kiến tạo phát triển cho thị trường, vừa kiểm soát được rủi ro. Trước mắt cần giải quyết dứt điểm các vụ việc vừa qua để củng cố niềm tin nhà đầu tư cũng như tránh tạo tiền lệ xấu”, ông Hà cho ý kiến.
Còn theo TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, nếu hệ thống pháp luật chưa được đầy đủ và chặt chẽ, những những nhà đầu tư sẽ không có đủ thông tin thì sẽ không tham gia vào thị trường.
“Nếu họ thấy đầu tư thị trường TPDN có lãi hơn ngân hàng, song họ vẫn chưa đánh giá hết rủi ro cũng không hiểu hết các hệ thống pháp luật bảo vệ họ ở điểm nào, thì chắc chắn họ vẫn đứng ngoài thị trường”, ông Tú Anh nhìn nhận.
TS. Nguyễn Tú Anh cho rằng, vừa rồi có những vụ việc khiến cơ quan quản lý phải nhìn nhận lại và sửa đổi những quy định pháp luật hiện hành, đây là điều bình thường. Những quy định về pháp luật được hình thành để phát triển và khi có vấn đề thì sửa đổi. Khi sửa đổi mà không gây ra sự xáo trộn quá lớn và đổ vỡ là quá trình điều chỉnh cần thiết để thị trường TPDN phát triển ngày càng tốt hơn. Nếu làm sai và sửa, gây đổ vỡ thị trường thì mới là nguy hiểm.
“Tôi cho rằng, những cái chúng ta xử lý đang xử lý sẽ làm lỗ hổng pháp luật sẽ được lấp đầy. Dù vậy, nhưng quy định pháp luật cũng cần để thị trường có điều kiện phát triển”, ông Tú Anh nhấn mạnh.