Sau Hòa Phát, SSI Research hạ dự phóng lợi nhuận 2022 của Nam Kim còn vỏn vẹn 8 tỷ đồng
Trong báo cáo vừa công bố, SSI Research dự báo sản lượng tiêu thụ năm 2022 của Thép Nam Kim (mã NKG) sẽ giảm 18,4% so với cùng kỳ, xuống 884 nghìn tấn và giảm 13,7% so với cùng kỳ, xuống 763 nghìn tấn vào năm 2023.
SSI Research ước tính giá bán bình quân của công ty có thể giảm 5% vào năm 2022 và 20% vào năm 2023, so với mức giảm lần lượt 4% và 25% của giá bình quân HRC cũng trong năm 2022 và 2023.
Nhóm phân tích kỳ vọng Thép Nam Kim sẽ đạt doanh thu 21,9 nghìn tỷ đồng (giảm 22,2% so với cùng kỳ) vào năm 2022 và 15 nghìn tỷ đồng vào năm 2023 (giảm 31,3% so với cùng kỳ). Lợi nhuận ròng của công ty dự kiến sẽ ở mức thấp là 8 tỷ đồng (giảm 99,6% so với cùng kỳ) vào năm 2022 và phục hồi lên 126 tỷ đồng vào năm 2023.
Trong quý 3, Thép Nam Kim đã lỗ sau thuế gần 419 tỷ đồng và lũy kế ba quý đầu năm, công ty ghi nhận lãi ròng gần 290 tỷ đồng. Như vậy, quý 4 công ty có thể tiếp tục lỗ ròng hơn 280 tỷ đồng.
SSI Research dự báo lợi nhuận ròng của Thép Nam Kim sẽ ở mức thấp là 8 tỷ đồng (giảm 99,6% so với cùng kỳ) vào năm 2022 và phục hồi lên 126 tỷ đồng vào năm 2023 |
Cũng trong báo cáo, SSI Research dự báo sản lượng tiêu thụ của Hoa Sen Group (HSG) sẽ giảm 20,6% trong niên độ tài chính 2023 xuống 1,42 triệu tấn, với sản lượng xuất khẩu giảm 42% so với cùng kỳ trong niên độ tài chính 2023, xuống 508 nghìn tấn. Sản lượng tiêu thụ trong nước dự kiến sẽ không thay đổi, duy trì ở mức 913 nghìn tấn.
"Mặc dù doanh thu năm 2023 của HSG dự báo giảm 44% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận ròng dự kiến sẽ phục hồi 65% so với cùng kỳ, đạt 415 tỷ đồng do giảm áp lực từ hàng tồn kho chi phí cao và chi phí bán hàng giảm", nhóm phân tích kỳ vọng.
Trước đó, SSI Research đã điều chỉnh dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Hoà Phát (mã HPG) xuống 10.200 tỷ đồng, giảm 70% so với năm 2021. Như vậy, trong quý 4 Hòa Phát có thể lỗ ròng 270 tỷ đồng.
Sang năm 2023, SSI Research điều chỉnh giảm lợi nhuận ròng của Hòa Phát xuống 10.880 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ nhờ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá và giá than cốc giảm. Mức dự báo này cũng đã giảm 14% so với dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2023 của Hòa Phát có thể đạt 12.600 tỷ đồng mà SSI Research đưa ra trong báo cáo trước đó.
Thách thức với ngành thép vẫn còn phía trước
Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu toàn cầu dự kiến sẽ giảm 2,3% vào năm 2022 trước khi phục hồi nhẹ 1% vào năm 2023. Nhu cầu tại thị trường EU, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, dự kiến sẽ giảm thêm 1,3% vào năm 2023. Trong khi đó, tăng trưởng nhu cầu của thị trường Mỹ dự kiến sẽ giảm xuống 1,6%, từ mức 2,1% vào năm 2022.
Tại thị trường trong nước, nhu cầu thép dẹt ít phụ thuộc vào thị trường bất động sản hơn so với thép xây dựng, do tỷ trọng từ kênh dân dụng nhiều hơn. Tuy nhiên, nhu cầu tại thị trường dân dụng trong ngắn hạn vẫn có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lãi suất cao hơn và suy thoái kinh tế nói chung.
Bên cạnh đó, giá thép trung bình tại Trung Quốc gần đây đã phục hồi khoảng 10% so với mức đáy vào cuối tháng 10. Điều này đến từ sự hỗ trợ của chính phủ nước này đối với thị trường bất động sản và lượng thép tồn kho của Trung Quốc giảm 50% so với mức đỉnh hồi tháng ba. Song, SSI Research cho rằng giá thép khó có thể tiếp tục phục hồi đáng kể hơn từ mức do nhu cầu toàn cầu còn yếu.
Ngoài ra, nhu cầu yếu hơn và mức dư cung cao ở thị trường trong nước có thể gây áp lực lên giá bán của các nhà sản xuất Việt Nam.
Trước đó, trong quý 3/2022, tổng sản lượng tiêu thụ thép dẹt thành phẩm toàn ngành, bao gồm thép mạ kẽm và ống thép, giảm 19% xuống 1,43 triệu tấn. Sản lượng tiêu thụ nội địa khá ổn định trong quý 3, tăng 10% so với quý trước và 47% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu giảm 62% xuống 402 nghìn tấn do nhu cầu toàn cầu suy yếu, đặc biệt tại thị trường EU và Mỹ trong bối cảnh suy thoái kinh tế; sự thu hẹp khoảng cách giữa giá thép trung bình tại các thị trường này so với thị trường châu Á; và các biện pháp bảo hộ được thực hiện tại các thị trường xuất khẩu như tại EU và Mexico.
Trong xu hướng như vậy, sản lượng tiêu thụ thép của Hoa Sen giảm 44% so với cùng kỳ xuống 313 nghìn tấn trong quý 3, trong đó sản lượng xuất khẩu giảm 76% so với cùng kỳ xuống 94 nghìn tấn, còn sản lượng tiêu thụ nội địa tăng 32% từ mức cơ sở thấp cùng kỳ. Tỷ trọng khối lượng xuất khẩu giảm xuống 30% (từ 70% trong quý 4/2021).
Sản lượng tiêu thụ của Thép Nam Kim cũng giảm 36,7% so với cùng kỳ và 33% so với quý trước, xuống 175 nghìn tấn, trong đó sản lượng xuất khẩu giảm 63% so với cùng kỳ xuống 83 nghìn tấn, sản lượng tiêu thụ nội địa tăng 78,4% so với mức nền so sánh thấp trong quý 3/2021. Tỷ trọng doanh thu xuất khẩu trên tổng doanh thu giảm xuống mức 47,4%, so với mức cao nhất là 81,3% trong quý 3 năm 2021.
Giá HRC trung bình cũng giảm khoảng 32% theo năm và 26% theo quý. Do đó, Hoa Sen giảm giá bán xuống 25,4 triệu đồng/tấn (giảm 10,9% so với cùng kỳ và giảm13,2% so với quý trước) do nhu cầu yếu ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu, trong khi giá bán của Thép Nam Kim cũng giảm 7,2% so với cùng kỳ và 8,6% so với quý trước xuống còn 25,3 triệu đồng/tấn.
Ngoài ra, việc giá HRC bình quân giảm đi cũng dẫn đến việc công ty tăng dự phòng hàng tồn kho. Dự phòng hàng tồn kho của Hoa Sen và Nam Kim tăng lần lượt 557 tỷ đồng và 188 tỷ đồng trong quý lên 715 tỷ đồng và 290 tỷ đồng vào tháng 9. Dự phòng hàng tồn kho tương ứng bằng 8,8% và 3,2% giá trị hàng tồn kho của Hoa Sen và Nam Kim.
Theo đó, Nam Kim lần đầu tiên ghi nhận lỗ gộp 159 tỷ đồng kể từ quý 2/2019, trong khi Hoa Sen cũng ghi nhận khoản lỗ gộp 231 tỷ đồng - lần đầu tiên kể từ năm 2009. Mặc dù chi phí bán hàng và quản lý giảm, cả hai công ty Hoa Sen và Nam Kim đều chịu khoản lỗ ròng cao nhất từ trước đến nay, lần lượt là 887 tỷ đồng và 419 tỷ đồng.
Tương tự, trong quý 3, Hòa Phát cũng lần đầu tiên thua lỗ kể từ cuối năm 2008, với mức lỗ sau thuế 1.786 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi kỷ lục 10.351 tỷ.
Báo cáo cập nhập mới nhất cho thấy sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của HPG trong tháng 10 giảm đáng kể xuống 210.000 tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.
Mặc dù sản lượng tiêu thụ HRC trong tháng 10 của Hòa Phát vẫn duy trì ở mức cao 269.000 tấn (tăng 30% so với cùng kỳ), nhưng có thể giảm trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ thép dẹt thành phẩm suy yếu. Theo đó, căn cứ trên sản lượng tiêu thụ, hiệu suất hoạt động của các lò cao của HPG trong tháng 10 đạt gần 70%.
Gần đây, Hòa Phát cho biết đang xem xét kế hoạch tạm thời tạm dừng khoảng 4 lò cao tại Khu liên hợp Hải Dương và Khu liên hợp Dung Quất từ tháng 11 để giảm lượng hàng tồn kho và cắt giảm chi phí hoạt động.