![]() |
Các doanh nghiệp bất động sản cần nâng cao năng lực tài chính để đa dạng hoá khả năng huy động vốn từ nhiều nguồn vốn khác nhau, tránh phụ thuộc vào duy nhất vốn tín dụng ngân hàng. Ảnh: Phan Anh |
Bất động sản gặp khó, ngân hàng cũng lao đao
Ông Nguyễn Hoàng Dũng - quyền Tổng Giám đốc Vietinbank - cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng, ngành ngân hàng kỳ thị doanh nghiệp bất động sản, nhưng thực tế là doanh nghiệp bất động sản khó khăn thì ngành ngân hàng “như ngồi trên đống lửa”.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, bản thân các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực tài chính để đa dạng hoá khả năng huy động vốn từ nhiều nguồn vốn khác, giảm sự phụ thuộc vào vốn tín dụng, nhất là vốn trung - dài hạn. Quản trị tốt dòng tiền cũng là điều mà các doanh nghiệp bất động sản nên làm, đặc biệt là các doanh nghiệp có hệ số đòn bảy tài chính cao.
“Doanh nghiệp bất động sản cần tiết giảm chi phí, đưa mặt bằng giá về mức phù hợp với thị trường. Cần thực hiện tái cấu trúc, tái cơ cấu sản phẩm hướng đến nhu cầu thực, các phân khúc nhà ở thương mại bình dân, nhà ở thu nhập thấp để phát triển lành mạnh, bền vững hơn” - Tổng Giám đốc Vietcombank (VCB) Nguyễn Thanh Tùng nhận định.
Vì sao cần thận trọng với đề xuất xin giãn hoãn nợ
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đồng loạt xin được giãn, hoãn nợ trong bối cảnh khó khăn. Khi “quả bóng khó” đang bị đẩy về chân, các các ngân hàng tỏ ra khá thận trọng.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng - quyền Tổng Giám đốc Vietinbank - thẳng thắn trả lời những đề xuất xin giãn nợ từ các doanh nghiệp bất động sản. “Nếu ngành bất động sản xin giãn nợ, tái cơ cấu nợ được thì các ngành khác cũng sẽ có lý do để xin giãn nợ, tái cơ cấu nợ. Điều đó cũng không đảm bảo nguyên tắc công bằng trên thị trường. Ngoài ra, nếu giãn nợ, tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp, ngân hàng sẽ không đáp ứng chuẩn an toàn của Basel II, từ đó các định chế nước ngoài sẽ đánh tụt xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng Việt Nam”.
“Các ngân hàng có thể đối mặt với rủi ro thanh khoản nếu không cân đối được kỳ hạn giữa huy động và cho vay phù hợp. Hiện có khoảng 94% dư nợ bất động sản thời gian từ 10-25 năm, trong khi đó nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn với mức lãi suất thay đổi theo thị trường (khoảng 80% là tiền gửi ngắn hạn)” - bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) - nói về rủi ro chênh lệch kỳ hạn trong cho vay bất động sản.
Theo bà Giang, hiện đang có tình trạng tín dụng bất động sản tập trung tại một số tổ chức tín dụng, với tốc độ tăng trưởng cao. Một số tổ chức tín dụng cũng cấp tín dụng lớn với một số nhóm khách hàng, trong đó có không ít khách hàng đầu tư dàn trải, nhiều dự án dở dang.
Thêm vào đó, tín dụng bất động sản tập trung chủ yếu ở mục đích tự sử dụng và có sự tăng trưởng rất cao trong thời gian qua... Mặc dù mục đích này theo thống kê là hướng tới nhu cầu thực và được đánh giá rủi ro ít hơn mục đích kinh doanh bất động sản, song tiềm ẩn rủi ro khách hàng kê khai, mục đích để phục vụ nhu cầu mua nhà để ở nhưng bản chất là để đầu tư kinh doanh.
“Trong năm 2022, tỉ lệ nợ xấu đối với lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng nhích dần lên, đến nay là 1,81% (năm 2021 là 1,67%). Dư nợ tín dụng đối với nhà ở xã hội còn chiếm tỉ trọng nhỏ (chỉ chiếm 0,71% tổng dư nợ tín dụng bất động sản) do thời gian qua, nguồn cung nhà ở phân khúc này còn thấp. Cùng đó, các tổ chức tín dụng được chỉ định chưa triển khai cho vay đối với nhà ở theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP do chưa được bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất” - bà Hà Thu Giang nói.