![]() |
Vietnam Airlines ghi nhận lỗ trước thuế 5.118 tỷ đồng sau 6 tháng (Hình minh họa). |
Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP – Vietnam Airlines (mã HVN) vừa công bố BCTC hợp nhất giữa niên độ năm 2022.
Theo đó, doanh thu thuần quý 2 của hãng đạt hơn 18.323 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021, nâng doanh thu thuần luỹ kế 6 tháng đầu năm đạt 29.944 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với con số đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021 và vượt 35,3% so với kế hoạch.
Giá vốn bán hàng trong kỳ cũng tăng tới 1,8 lần, lên 18.700 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng ở mức 31.915 tỷ đồng khiến cho công ty lỗ gộp 377 tỷ đồng trong riêng quý 2 và lỗ 1.972 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Nguyên nhân chính khiến giá vốn tăng mạnh là do chi phí nhiên liệu bay cao hơn mức cùng kỳ. Được biết, hồi tháng 11/2021, Vietnam Airlines đã xây dựng kịch bản nhiên liệu bay dự kiến là 80 USD/thùng Jet A1 (bình quân của các năm trước chỉ có 76 USD/thùng). Nhưng sang năm 2022, bình quân 6 tháng đầu năm giá nhiên liệu tới 116 USD/thùng Jet A1, đến tháng 7 là 165 USD/thùng Jet A1 – gấp đôi dự kiến.
Chỉ cần chênh lệch 1 USD nhiên liệu bay đã làm tăng chi phí của VNA lên 10 tỷ đồng/tháng. Với sự chênh lệch từ 80 USD/thùng Jet A1 đến 116 USD/thùng Jet A1, 6 tháng đầu năm VNA phát sinh thêm chi phí nhiên liệu bay khoảng 2.300 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính 6 tháng đầu năm đạt 254 tỷ đồng, nhích nhẹ 2,8% trong khi chi phí tài chính gấp tới 2,1 lần, lên gần 1.676 tỷ đồng, trong đó, chi phí lãi vay là 487 tỷ đồng.
Lãi trong các công ty liên doanh liên kết kỳ này của doanh nghiệp tăng đột biến lên gần 71 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước, mảng này lỗ gần 65 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các loại chi phí, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ thuần 5.218 tỷ đồng sau 6 tháng, giảm lỗ 38,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, do lợi nhuận khác trong kỳ tăng đột biến gấp 33 lần, đạt gần 100 tỷ đồng nên kết thúc 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ trước thuế 5.118 tỷ đồng, giảm tới 40% lỗ so với con số lỗ hơn 8.487 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng quý 2 lỗ 2.497 tỷ đồng, giảm 44% lỗ so với cùng kỳ.
Đối với công ty mẹ Vietnam Airlines, mức lỗ trong quý 2 cũng giảm 44% so sánh cùng kỳ, chỉ dừng ở mức 2.243 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, kết quả cũng khả quan hơn, khi mức lỗ công ty mẹ chỉ 4.685 tỷ đồng, giảm lỗ gần 39% so với cùng kỳ và thấp hơn 1.309 tỷ đồng so với kế hoạch.
Kết quả trên đạt được chủ yếu nhờ thị trường nội địa phục hồi nhanh chóng sau khi Việt Nam trở về trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, như trên, các khó khăn vẫn còn tồn tại khiến hàng không chưa thể thoát lỗ gồm giá nhiên liệu bay (chiếm 40% chi phí khai thác) tăng cao đột biến – mức giá nhiên liệu bình quân cao gấp đôi cùng kỳ, thị trường quốc tế phục hồi chậm chạp, chưa được như kỳ vọng.
Dù vậy, hàng không vẫn đang có tín hiệu khởi sắc đáng chú ý. Vietnam Airlines cho biết, hãng đã lần đầu tiên ghi nhận có lãi trong nhiều ngày cao điểm hè tháng 7/2022. Mùa cao điểm Hè nội địa kéo dài đến tháng 8/2022 sẽ mang lại dòng tiền lớn cho hãng hàng không.
6 tháng đầu năm 2022, Vietnam Airlines Group (gồm 3 hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) vận chuyển gần 9,5 triệu lượt khách, tăng 24,6% so với kế hoạch đã báo cáo Đại hội đồng cổ đông năm 2022. Trong đó, nội địa là hơn 8,9 triệu lượt khách, vượt 25,9% kế hoạch; quốc tế là hơn 550.000 lượt khách, vượt 6,7% kế hoạch.
Tính riêng công ty mẹ, Vietnam Airlines vận chuyển hơn 8 triệu lượt khách, vượt 17,3% so với kế hoạch. Trong đó, nội địa là gần 7,5 triệu lượt khách, vượt 18,2% so với kế hoạch, quốc tế là 539 nghìn khách, vượt 6,5% so với kế hoạch.
Tính đến cuối quý 2/2022, tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt 66.576 tỷ đồng, tăng 5,6% so với đầu năm. Trong khi đó, tiền và tương đương tiền tăng tới 92,8% lên 3.304 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 30,4%, lên 5.216 tỷ đồng, hàng tồn kho tăng 98,4%, lên 4.463 tỷ đồng…
Sau ba năm ảnh hưởng của dịch bệnh, lợi nhuận chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán của hãng đến nay ghi nhận âm 28.921 tỷ đồng, ăn mòn hết vốn góp của chủ sở hữu và khiến khoản mục này âm thêm 4.914 tỷ đồng.