“Tình báo” lãi suất
9h sáng hàng ngày, lãnh đạo chuyên trách của một ngân hàng thương mại lại yêu cầu nhân viên đi tìm hiểu lãi suất của các nhà băng khác, để nắm tình hình. Và 20h cùng ngày, vị lãnh đạo này lại ngồi tổng kết thông tin “tình báo” gửi về, rà soát xem chỗ cao, chỗ thấp, chỗ nào tăng thêm hay không.
Về lý thuyết, qua thống nhất giữa nhiều ngân hàng thương mại mới đây, với đầu mối là Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), lãi suất huy động VND tối đa có “trần” là 9,5%/năm, vậy nên vị lãnh đạo trên không cần phải rà soát hàng ngày như vậy.
Nhưng, trên thực tế, lãi suất huy động vẫn đang có trên 9,5%/năm, thậm chí trên 10%/năm.
“Thỏa thuận qua VNBA không có giá trị pháp lý, cũng không đi cùng với chế tài được pháp luật quy định, nên không mấy giá trị. Nó chỉ mang tính đại diện nào đó thôi”, nguyên tổng giám đốc một ngân hàng thương mại nói với người viết.
Vậy nên, việc yêu cầu nhân viên hàng ngày rà soát và báo cáo về tình hình lãi suất ở các ngân hàng bạn vẫn được thực hiện. Nó như hoạt động “tình báo”, bởi kết quả tìm hiểu và rà soát như là bí mật của một phần hiện thực ít được đề cập rộng rãi.
Người viết tìm hiểu hoạt động trên qua một số nhân viên ngân hàng, thông tin họ phản ánh là có tình trạng vẫn tuân thủ trần lãi suất, đồng thuận lãi suất qua VNBA nhưng lại có chi lãi ngoài, hoặc quà tặng bằng tiền mặt.
Trước đó, từ khoảng giữa năm, người viết nhận được phản ánh khác rằng, ở một cửa ngõ tại TP.HCM có biển quảng cáo tặng 500.000 đồng cho người giới thiệu khách đến gửi tiền ngân hàng, tại Ngân hàng VI… Phản ánh này cho rằng, Ngân hàng Nhà nước quy định trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn, khi ngân hàng đã áp mức tối đa rồi, nếu chi thêm 500.000 đồng thì có thể xem là một hình thức lách trần hoặc vượt trần pháp lý(?).
Với hoạt động “tình báo” hiện nay, việc chi thêm ngoài lãi vẫn đang có, sau khi một số nhân viên nói trên đóng giả làm khách gửi tiền trao đổi với những người giới thiệu là nhân viên ngân hàng khách đi huy động vốn.
Hình minh họa |
Đua lãi suất không hẳn khó thanh khoản
Trong một trao đổi khác, vị lãnh đạo chuyên trách của ngân hàng trên phàn nàn với người viết rằng: “Có vị tiến sỹ nói là Ngân hàng Nhà nước chỉ cần hỗ trợ xử lý khó khăn thanh khoản ở một số điểm thì sẽ không có đua lãi suất. Như vậy không đúng. Không có khó khăn thanh khoản vẫn phải đua lãi suất theo”.
Hoạt động “tình báo” trên còn có một mục đích. Mặc dù ngân hàng đó không khó khăn thanh khoản, tình hình tài chính tốt và thậm chí đã vượt kế hoạch lợi nhuận năm, nhưng vẫn rà soát hàng ngày để có thể phải tăng lãi suất theo.
Bởi lẽ, nếu để lãi suất ngân hàng mình thấp hơn ngân hàng bạn thì có thể bị mất khách hàng.
“Khi nhiều ngân hàng khác lớn hơn chúng tôi tăng lãi suất lên cao, thì chúng tôi buộc phải đua theo, vì các tương quan cạnh tranh của mình chưa bằng họ”, vị lãnh đạo chuyên trách trên giải thích, và cảm thán: “Với thực tế này thì ngân hàng tốt cũng khổ!”.
Trở lại với vấn đề thanh khoản, hệ thống quả thực không thiếu.
Mới đây, tháng 11 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng đã thông tin qua diễn đàn Quốc hội, thanh khoản hệ thống thậm chí có những lúc dư thừa.
Hiện tại cũng vậy. Nguồn tiền “ẩn số” thậm chí còn dìm lãi suất VND qua đêm xuống dưới 4%/năm - điều mà khiến tỷ giá USD/VND lại bật lên khi chênh lệch lãi suất “đô - đồng” trên liên ngân hàng bị dát mỏng.
Giám đốc khối nguồn của một ngân hàng thương mại nói với người viết rằng, thanh khoản hệ thống hiện có phần dư thừa, nên Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng vào cuộc hút bớt về, cân bằng để giảm thiểu áp lực tỷ giá.
Điển hình như ngày 20/12, nguồn tiền mà Ngân hàng Nhà nước hút bớt về được chú ý, khi có tới 20.000 tỷ đồng với lãi suất 4,39%/năm, qua phát hành tín phiếu. Cùng ngày, lãi suất VND qua đêm trên liên ngân hàng thủng mốc 4%/năm, trong khi tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng bật lên trên 23.800 VND.
Những diễn biến trên có liên quan mật thiết với nhau.
Thứ nhất, có phải thanh khoản hệ thống vừa được bơm thêm một lượng tiền lớn qua việc Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ không?
Không. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang niêm yết giá mua vào USD theo phương thức giao ngay, mà tỷ giá thực trên các thị trường cao hơn nhiều so với mức niêm yết đó nên có thể loại trừ các thành viên trên thị trường bán với giá thấp.
Hiện cũng không ghi nhận các giao dịch mua ngoại tệ kỳ hạn giữa Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại.
Theo đó, nguồn tiền dư thừa đè lãi suất và buộc Nhà điều hành phải hút bớt về lượng khá lớn nói trên không đến từ lượng cung ứng để mua ngoại tệ.
Thứ hai, mức độ nguồn tiền đó lớn thế nào và gây sức ép nhất định đối với tỷ giá?
Trước hết, để trả lời, nhìn lại vừa qua Ngân hàng Nhà nước có hai đợt tăng lãi suất điều hành, không hẳn vì hệ thống thiếu tiền và cần nâng lãi suất lên để thu hút, mà chủ yếu nhằm giảm áp lực lên tỷ giá.
Nay, nguồn tiền vẫn lớn và đè lãi suất ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng. Một dẫn chứng như, lãi suất qua đêm liên tiếp giảm sâu, cùng đó quy mô giao dịch qua đêm đã trở lại vùng cao nhất của năm với quanh 250.000 tỷ đồng doanh số.
Mức độ đó cho thấy nguồn tiền lớn, quan trọng hơn là đang góp phần khơi thông các dòng chảy trên thị trường liên ngân hàng, sau phản ứng co cụm và có phần ngột ngạt trong tháng 10 vừa qua - thời điểm mà hệ thống phát sinh sự cố thanh khoản cục bộ.
Còn nguồn tiền lớn đó từ đâu, khó định hình cụ thể với các nguồn và các thông tin rõ ràng, cởi mở hiện nay, hoặc chưa đến thời điểm thể hiện trên sổ sách…
Như trên, có thể loại trừ nguồn cung ứng qua Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ nói trên.
Có một phần Nhà điều hành vẫn đang duy trì hỗ trợ qua thị trường mở (OMO) với số dư 64.680,87 tỷ đồng tính đến ngày 19/12.
Có thể có một phần liên quan đến tiền gửi của Kho bạc Nhà nước vào hệ thống - mức độ từng ghi nhận trên 300.000 tỷ đồng theo báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại kỳ công bố vừa qua.
Còn về lý thuyết, cũng như thường không công bố cụ thể, Ngân hàng Nhà nước có thể tạo nguồn, thực hiện tái cấp vốn qua các đường khác nhau: qua trái phiếu đặc biệt của VAMC, qua cửa sổ hồ sơ tín dụng…
Về kỹ thuật, có một điểm có thể nhìn đến. Như trên, khi doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng lên vùng cao nhất trong năm, thông thoáng và bớt ngột ngạt, thì vòng quay tiền tệ cũng thuận lợi hơn.
Liên quan, số nhân tiền tệ sẽ khuếch đại nguồn tiền trong bối cảnh, điều kiện thuận lợi. Số nhân tiền tệ qua hệ thống ngân hàng có thể biến 1 đồng thành 4 đồng trên thị trường, hoặc có thể nhiều hơn.
Nếu vậy, thị trường và hoạt động ngân hàng đang có những biểu hiện vận hành tốt hơn - một giá trị của mùa cao điểm thanh toán chi trả cuối năm, cũng như có giá trị hãm bớt áp lực đối với đà tăng lãi suất.