Vì sao tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của Vietcombank lên tới 514%?
Dù tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu cao kỷ lục song nợ xấu tại Vietcombank đến cuối quý 2/2022 chỉ 0,6% |
Xu hướng gia tăng tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu thể hiện rõ trong hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam 5 năm trở lại đây. Tuy chưa nhiều NHTM nâng cao tỷ lệ này trên 100%, nhưng thị trường cũng đã quen với một số thành viên đạt từ 150-170%, thậm chí trên 200% và cá biệt trên 300%.
Kỳ cập nhật kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay, tại hội nghị sơ kết vừa qua, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu đến cuối quý 2/2022 đã lên tới 514% - kỷ lục mới của toàn hệ thống.
Vietcombank cũng chính là NHTM đầu tiên tạo hiện tượng có tỷ lệ này cao vượt trội từ 5 năm trước. Khi đó, “ông lớn” này đã lần lượt tất toán toàn bộ nợ xấu bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sớm trước thời hạn, cũng như là thành viên đầu tiên áp Basel II. Theo đó, việc nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu là bước đi tiếp theo.
Về tỷ lệ này, hiểu đơn giản là có 1 đồng nợ xấu thì như tỷ lệ mới cập nhật ở trên Vietcombank có tới 5,14 đồng dự phòng, không những đủ để dùng xóa sạch nợ xấu mà còn dư lượng lớn.
Tuy nhiên, tỷ lệ trích lập này cao hay thấp ở mỗi NHTM còn tùy thuộc khẩu vị và quan điểm của mỗi thành viên. Do cơ chế phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro có “độ mềm” và mở nhất định.
Cơ chế cho phép các NHTM được khấu trừ một tỷ lệ nhất định giá trị tài sản đảm bảo đối với khoản vay là nợ xấu rồi mới trích dự phòng đối ứng. Hoặc cơ chế cho phép được giãn trích lập dự phòng đối với nợ được cơ cấu lại trong diện hỗ trợ bị ảnh hưởng bởi COVID-19 (quy mô lớn)…
Ngoài ra, cơ chế cũng yêu cầu ngoài trích lập dự phòng đối với các khoản nợ từ nhóm 2 đến nhóm 5 (theo các mức độ tăng lên) thì còn phải trích lập 0,75% dự phòng chung cho tổng dư nợ. Với quy mô tổng dư nợ lên tới hơn 1,1 triệu tỷ đồng như tại Vietcombank thì số trích lập đối ứng khá lớn.
Và như trên, thực tế trích lập dự phòng tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi NHTM theo “cơ chế mềm”. Ở đây, Vietcombank giảm mức độ khấu trừ giá trị tài sản đảm bảo, tăng phần trích dự phòng. Lãnh đạo ngân hàng này cũng cho biết đã thực hiện luôn việc trích 100% cho các khoản nợ được cơ cấu trong chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Theo đó, tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu tại Vietcombank tăng mạnh lên 514% kỳ công bố vừa qua, trong khi tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở vùng thấp nhất trong hệ thống chỉ với 0,6% (một phần cũng do mẫu số chung tổng dư nợ tăng rất mạnh nửa đầu năm nay, 6 tháng tăng trưởng tín dụng gần 15%).
Ngoài ra, trong tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu của các NHTM nói chung còn có phần đáng chú ý ở ứng xử với trái phiếu Chính phủ.
Trái phiếu Chính phủ có độ an toàn cao và không phải trích lập dự phòng. Tuy nhiên, đối với trái phiếu Chính phủ ngân hàng đầu tư và kinh doanh vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro giá xuống. Một số NHTM vẫn có trích lập dự phòng ở điểm này và dự kiến sẽ hoàn nhập tới đây.
Trở lại với trường hợp Vietcombank, dù tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu lên tới 514% nhưng lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm nay vẫn lên tới 17.300 tỷ đồng. Và theo thời gian, bên cạnh việc xử lý nợ xấu, nợ bị ảnh hưởng COVID-19 cơ cấu lại dần hồi phục…, tiềm năng hoàn nhập dự phòng vào lợi nhuận tại Vietcombank cũng là một điểm đáng chú ý.