![]() |
Ông Vũ Hồng Trường |
Thông tin được ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Metro Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo “Giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng” do báo Giao thông tổ chức sáng nay 28/7 tại TP.HCM.
Ông Trường cho biết, tính đến ngày 17/7/2022, tuyến metro Cát Linh - Hà Đông đã vận hành được 254 ngày an toàn, với khối lượng hành khách đã vận chuyển lên tới hơn 4,3 triệu khách.
Theo ông Trường, thời gian đầu, khách đi trải nghiệm nên lượng khách ở hai ga đầu cuối Cát Linh và Yên Nghĩa chiếm trên 50%, 10 ga còn lại chỉ chiếm gần 50%.
Hiện tại, chủ yếu là khách có nhu cầu thực sự nên lượng khách phân bổ ở Cát Linh và Yên Nghĩa chỉ còn trên dưới 30%, còn 70% là khách trải đều 10 nhà ga còn lại.
“Từ tháng 4/2022 đến nay, sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, lượng khách đi tàu đã tăng trên 2,5 lần so với trong thời gian giãn cách xã hội, bình quân vận chuyển ngày thường 22.000-24.000 khách, cuối tuần đạt 25.000-30.000 khách. Tỷ lệ khách đi vé tháng bình quân trong ngày trên 50%, giờ cao điểm khách sử dụng vé tháng chiếm 75-80%”, ông Trường cho biết.
Đề cập vấn đề nâng cao hiệu quả khai thác tuyến metro, ông Trường nêu lên 6 giải pháp.
Đầu tiên, cần nghiên cứu đặc tính nhu cầu, quy luật đi lại và mong muốn của khách.
Thứ hai, cần tạo điều kiện tiếp cận tốt nhất cho khách đến các nhà ga đường sắt đô thị, bao gồm tiếp cận đối với người đi bộ; tiếp cận đối với người đi lại bằng phương tiện công cộng để di chuyển đến nhà ga (như xe bus, grab…); tiếp cận đối với người khuyết tật; tiếp cận đối với người sử dụng phương tiện cá nhân trong giai đoạn đầu để tạo thói quen cho hành khách (ví dụ trong bán kính 500m xung quanh nhà ga đường sắt đô thị có tổ chức điểm trông giữ xe đạp, xe máy cho hành khách).
Thứ ba, cần xây dựng chính sách giá vé hợp lý, đa dạng hóa hình thức thanh toán và với các loại vé phù hợp.
Thứ tư, tăng cường tính kết nối của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tạo thuận lợi tối đa cho hành khách di chuyển bằng phương tiện công cộng.
Thứ năm, khai thác tiềm năng thương mại, tăng cường tính hấp dẫn của đường sắt đô thị đối với khách du lịch.
Thứ sáu, tạo dựng văn hoá sử dụng dịch vụ của hành khách cũng như văn hoá, chất lượng phục vụ hành khách của đơn vị vận hành đường sắt đô thị theo hướng văn minh, lịch sự ngay từ đầu.
Cuối cùng, ông Trường cho rằng phải làm tốt công tác tuyên truyền.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05km, hoàn toàn trên cao và có 12 nhà ga; trung bình hơn 1km có một nhà ga. Hai ga đầu tuyến là Cát Linh và Yên Nghĩa. Tuyến chở khách từ 5giờ30-22 giờ hằng ngày, tần suất 10 phút/chuyến dừng tại ga.
Lộ trình tuyến và vị trí ga: đầu phố Cát Linh (giao với phố Hào Nam) - Hoàng Cầu (ga khu vực ngã tư La Thành) - Thái Hà (gần ngã tư Thái Hà - Hoàng Cầu) - Láng (ga Láng, trước Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong) - trục đường Nguyễn Trãi (ga Thượng Đình, trước chợ Thượng Đình và ga đường Vành đai 3) - đường Trần Phú (ga Phùng Khoang, trước Học viện Y dược cổ truyền; ga Văn Quán, Tòa nhà 143 Trần Phú) - Quang Trung (ga Hà Đông, gần phố Bế Văn Đàn và ga La Khê) - trục đường QL6 cũ đến Bx.Yên Nghĩa (Văn Khê, Yên Nghĩa).
Giá vé tháng (tính theo 30 ngày thực tế) có các loại: 100.000 đồng (học sinh, sinh viên), 140.000 đồng (vé mua tập thể từ 30 người trở lên) và 200.000 đồng (vé phổ thông). Vé ngày có giá 30.000 đồng/vé/không giới hạn số lượt đi lại; vé lượt giá 8.000 - 15.000 đồng (tùy theo khoảng cách ga di chuyển).