Người lao động trăn trở về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp
TCTN có thể giúp người lao động bớt đi gánh nặng trong thời gian chờ tìm việc mới. Ảnh minh họa tạo bằng AI. |
Chị Trần Thị Thúy Kiều, công nhân may tại khu công nghiệp Hòa Khánh, Đà Nẵng, chia sẻ: “Tôi từng có hai lần mất việc. Khi đó, cuộc sống của tôi trở nên vô cùng khó khăn. Khoản TCTN không đủ để trang trải các chi phí sinh hoạt tối thiểu, đặc biệt là những người có con nhỏ. Chúng tôi thực sự mong muốn mức trợ cấp được tăng lên, để có thể bớt đi gánh nặng trong thời gian chờ tìm việc mới”.
Anh Nguyễn Kỳ Thành, công nhân cơ khí, cũng bày tỏ quan điểm: “Tôi đọc báo nhiều, và thấy việc đề xuất tăng TCTN lên cao hơn, tôi đồng ý việc đó. Thất nghiệp là điều mà không ai mong muốn, vậy nên việc tăng mức TCTN sẽ giúp người lao động có thêm khoản tiền để duy trì cuộc sống, khi chưa có việc làm, đi tìm việc làm mới”.
Anh Nguyễn Hoàng Sáng. Ảnh: N.L. |
Là cán bộ công đoàn doanh nghiệp FDI lớn tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, anh Nguyễn Hoàng Sáng, chia sẻ, hoàn toàn ủng hộ việc xem xét, tăng mức TCTN lên cao hơn.
“Mức TCTN hiện tại không đủ để trang trải cuộc sống tối thiểu cho người lao động, đặc biệt là những người còn gánh nặng gia đình. Việc tăng mức TCTN lên sẽ giúp người lao động có thêm nguồn lực tài chính để vượt qua giai đoạn khó khăn. Người lao động có tâm lý thoải mái hơn, tập trung vào việc tìm kiếm công việc mới phù hợp với năng lực và kinh nghiệm”, anh Sáng nói.
Trước đó, đóng góp ý kiến vào dự án Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã đề nghị điều chỉnh tăng mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp quy định từ 60% lên ít nhất là 80% mức tiền lương mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp.
Lý do là vì đối với người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội theo mức lương tối thiểu vùng, Nghị định số 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định, mức lương của vùng IV là 3.450.000 đồng, số tiền tham gia đóng Bảo hiểm thất nghiệp: 3.450.000 đồng + 7%. Mức trợ cấp 60% của 06 tháng lương bình quân đóng bảo hiểm thất nghiệp chỉ được 2.214.000 đồng/tháng. Số tiền trợ cấp/tháng cho người lao động như vậy là rất thấp. Khi mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động không có thu nhập, khoản tiền TCTN hàng tháng góp phần giải quyết khó khăn trong ngắn hạn cho người lao động khi chưa tìm được việc làm mới. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng, cần điều chỉnh mức TCTN lên ít nhất 80% để đảm bảo thực phù hợp với thực tiễn nhu cầu cuộc sống.
Liên quan đến vấn đề TCTN, mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trả lời kiến nghị của cử tri các tỉnh: Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Ninh Thuận và An Giang do Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến.
Theo kiến nghị của cử tri, đề nghị nghiên cứu tăng mức hưởng TCTN từ 60% lên 75% (bằng mức hưởng lương hưu tối đa) nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người lao động có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm, thất nghiệp, hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần,...
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trên cơ sở kế thừa quy định tại Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định mức hưởng TCTN hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của 06 tháng đã đóng BHTN gần nhất trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại tháng cuối cùng đóng BHTN.
Chính sách BHTN ở Việt Nam nói chung, mức hưởng TCTN nói riêng được xây dựng trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế của các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam và đã thực hiện thành công chính sách này (Hàn Quốc 60%, Thái Lan 50%, Indonesia 45%-25%, Philippines 50%...) cũng như khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế (không ít hơn 45% của thu nhập trước đó hoặc không ít hơn 45% tiền lương tối thiểu theo quy định).
Thực tế triển khai thực hiện chính sách BHTN, quy định mức hưởng TCTN hiện nay là phù hợp với nguyên tắc mức hưởng BHTN được tính trên cơ sở mức đóng, góp phần đảm bảo an toàn Quỹ BHTN vì theo từng năm, số người hưởng TCTN có xu hướng tăng và số người lao động có thời gian tích lũy đóng BHTN cũng tăng dần dẫn đến thời gian được hưởng TCTN sẽ dài hơn. Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2023, số thu - chi BHTN cơ bản đã tiệm cận nhau.
Mặt khác, TCTN là chế độ ngắn hạn, chỉ hỗ trợ một phần thu nhập cho người lao động giảm bớt khó khăn khi tạm thời bị mất việc làm. Vì vậy, quy định như dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) ngoài đảm bảo kết dư Quỹ BHTN để triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động còn nhằm thúc đẩy người lao động chủ động, nhanh chóng tìm kiếm và chuyển sang công việc mới thay vì chỉ dựa vào TCTN.
Đồng thời, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cũng đã bổ sung các quy định tăng cường hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động duy trì việc làm, hạn chế thất nghiệp. Chính sách BHTN cũng có những chế độ khác hỗ trợ người lao động nhanh chóng tìm được việc làm mới như tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề.
Điều kiện hưởng BHTN. Nguồn: BHXH Việt Nam. |