Làm việc đến khi về hưu thì bảo hiểm thất nghiệp có còn được hưởng?
NLĐ băn khoăn về BHTN. Ảnh minh họa tạo bằng AI. |
Thực tế, không ít NLĐ, sau nhiều năm làm việc liên tục, vẫn chưa rõ về quyền lợi của mình liên quan đến BHTN. Anh Trần Trung Tín, một công nhân làm việc tại khu công nghiệp Hòa Khánh, chia sẻ nỗi băn khoăn: "Tôi đã có 15 năm gắn bó với công việc và chưa từng nghỉ việc để hưởng BHTN. Tôi không rõ, liệu khi mình nghỉ hưu, khoản tiền BHTN có được chi trả hay không?"
Tương tự, chị Phạm Thị Linh, một nhân viên văn phòng tại quận Sơn Trà, cũng bày tỏ nỗi niềm: "Tôi từng lo sợ mất việc khi công ty cắt giảm nhân sự. Lúc đó, tôi nghĩa BHTN là một “cứu cánh” cho tôi. Nhưng đến giờ, tôi vẫn còn may mắn có việc làm. Tôi tự hỏi, nếu như mình làm việc đến khi nghỉ hưu thì khoản BHTN đã đóng liên tục sẽ như thế nào? Liệu có được nhận trợ cấp thất nghiệp hay không?".
Chị Đỗ Thị Thanh Thúy - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận cho biết thêm, trong quá trình tiếp xúc cử tri, cũng như những lần trực tiếp đi xuống cơ sở, lắng nghe ý kiến NLĐ, chị cũng nhận được rất nhiều câu hỏi, thắc mắc về vấn đề BHTN khi NLĐ làm việc đến tuổi nghỉ hưu.
"Nhiều NLĐ rất băn khoăn về khoản tiền đã đóng BHTN. Họ hỏi nhiều lắm, nếu làm việc đến khi nghỉ hưu, chưa từng nghỉ việc để được hưởng BHTN lần nào thì về hưu có nhận được đồng thời khoản tiền đã đóng vào BHTN. Vì khoản tiền đóng vào BHTN rất dài suốt chục năm, hai chục năm làm việc, rất lớn đối với họ”, chị Thúy trăn trở.
Liên quan đến việc trên, ông Phan Công Chánh, chuyên gia về luật lao động Công ty AAC, chia sẻ: Theo Luật Việc làm năm 2013, BHTN là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi bị mất việc làm, hỗ trợ NLĐ học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ BHTN.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với NLĐ đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
"Trường hợp NLĐ có quá trình đóng BHTN cho đến lúc nghỉ hưu, chưa từng hưởng BHTN, bây giờ hưởng lương hưu thì không hưởng trợ cấp thất nghiệp”, ông Chánh nói.
Xem thêm: Đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm, người lao động có thể tự ngừng đóng để nhận trợ cấp?