Cán bộ Agribank tư vấn, hướng dẫn khách hàng tiếp cận các chương trình tín dụng phù hợp với điều kiện địa phương và của hộ gia đình |
Chương trình chính sách này đã và đang được triển khai tích cực với cam kết ưu tiên dành nguồn vốn lớn trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội.
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 hướng đến mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Phấn đấu cả nước có khoảng 17-19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; phấn đấu 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc (gọi là thôn) thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới do UBND cấp tỉnh quy định.
Sau 3 năm thực hiện, đến nay cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 11,3% so với cuối năm 2020); 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới và 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 5 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. (Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Trung ương).
Sản phẩm nông nghiệp được gắn với chứng nhận OCOP và tiêu chuẩn VIETGAP đã góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân |
Quyết tâm đồng hành cùng hệ thống chính trị thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn 2021 -2025, Agribank là ngân hàng duy nhất phủ sóng nguồn vốn đến 100% xã bản trong cả nước. Trong đó, có trên 50% nguồn vốn cho vay xây dựng nông thôn mới để đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh các ngành nông, lâm, ngư nghiệp giúp nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực; gần 35% nguồn vốn đầu tư cho dịch vụ thương mại; trên 15% nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn (từ năm 2021 đến tháng 6 năm 2023, Agribank đã dành trên 1.300 tỷ đồng từ quỹ an sinh xã hội để xây mới, sửa chữa, nâng cấp nhiều công trình điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất, văn hóa…).
Cùng với 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, Agribank đã dành trên 65% tổng dư nợ nền kinh tế đầu tư phát triển “Tam nông”. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng chủ động nghiên cứu, triển khai nhiều cách làm hiệu quả để người dân được tiếp cận nguồn vốn Ngân hàng thông qua ký kết thỏa thuận hợp tác với Trung ương Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương; phát triển trên 69.000 tổ vay vốn; thông qua điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đưa vốn và dịch vụ ngân hàng tiện ích phục vụ người dân, nhất là khu vực nông nghiệp, vùng sâu, vùng xa, giúp người dân tiếp cận nguồn tín dụng, đầu tư vào phục vụ sản xuất và kinh doanh.
Việc đẩy mạnh cho vay các ngành hàng chủ lực gắn với các sản phẩm OCOP, cùng với hoạt động tiếp vốn cho các doanh nghiệp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Agribank đã đóng góp tích cực vào sự phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng bền vững và hiệu quả. Thời gian tới, Agribank cũng sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện các chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn kết hợp với du lịch cộng đồng nhất là chương trình cho vay ưu đãi lãi suất (theo quy định của Chính phủ, NHNN). Trong đó, bám sát các chương trình định hướng đầu tư của địa phương để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn vay thuận lợi hơn, góp phần tích cực vào chuyển dịch cây trồng, vật nuôi kết hợp phát triển du lịch cộng đồng, từ đó tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ, tạo việc làm cho lao động tại địa phương.
Thực tiễn đã cho thấy, chương trình MTQG về xây dựng Nông thôn mới, bắt đầu triển khai cho vay thí điểm ở 11 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới vào năm 2011 và từ tháng 4/2012 tiến hành cho vay trên diện rộng trong toàn quốc, đến nay, Agribank tiếp tục khẳng định là tổ chức tín dụng dẫn đầu về cho vay xây dựng nông thôn mới, với doanh số cho vay hơn 4 triệu tỷ đồng, dư nợ đạt hơn 610.000 tỷ đồng với 2,2 triệu khách hàng. Agribank đang khẳng định vai trò to lớn, chủ động hơn, cả về tiếp vốn, cũng như tư vấn và nhiều hỗ trợ đa dạng, thiết thực khác cho các địa phương để hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hướng tới định hình những vùng nông nghiệp và nông thôn nâng cao, nông thôn kiểu mẫu.
Agribank - Thương hiệu khẳng định qua các giải thưởng Với quy mô và hoạt động hiệu quả, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) là thương hiệu thường xuyên xuất hiện ... |