Bộ Tài chính ban hành thông tư gỡ vướng sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ
Theo đó, Tổng cục Thuế thông tin, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn vừa ký ban hành Thông tư số 67/2022/TT-BTC ngày 07/11/2022 (Thông tư 67) hướng dẫn về nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp trích lập và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Trong đó, nội dung mới của Thông tư số 67/2022/TT-BTC nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp trích lập trích lập và sử dụng Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ (KH&CN) của doanh nghiệp.
Về áp dụng, Thông tư 67 có hiệu lực từ ngày 23/12/2022 và áp dụng cho việc xác định nghĩa vụ thuế từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022
Đối với các quy định về nội dung chi, hướng dẫn sử dụng Quỹ và nộp Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp về Quỹ phát triển KH&CN quốc gia hoặc Quỹ phát triển KH&CN của các Bộ chủ quản, tỉnh, thành phố thực hiện theo văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN và quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ (Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN ngày 31/5/2022 của Bộ này).
4 điểm mới nổi bật của Thông tư 67
Theo nhận định của Tổng cục Thuế, Thông tư số 67 vừa ban hành có 4 điểm mới tiến bộ, đáng chú ý.
Một là, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội
Theo quy định thì Quỹ khoa học và công nghệ chỉ được sử dụng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID -19, tại điểm c khoản 1 Điều 5 Thông tư 67 đã hướng dẫn cụ thể doanh nghiệp được sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp trong 02 năm (năm 2022 và năm 2023) để mua mua máy móc, thiết bị cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Hai là, bổ sung hướng dẫn quản lý tài sản đối với trường hợp tài sản cố định (TSCĐ) dùng đồng thời cho hoạt động nghiên cứu KH&CN và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tại khoản 4 Điều 5 Thông tư 67 hướng dẫn khi tài sản cố định (TSCĐ) hình thành từ nguồn Quỹ dùng đồng thời cho hoạt động nghiên cứu KH&CN thì doanh nghiệp chỉ việc tiếp tục theo dõi quản lý theo quy định và không phải tính khấu hao tài sản cố định vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo đó, nội dung này tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong trường hợp TSCĐ hình thành từ nguồn Quỹ nhưng không sử dụng hết công suất, khi doanh nghiệp dùng tài sản này đồng thời cho sản xuất kinh doanh, nhằm tránh lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp thì doanh nghiệp chỉ cần theo dõi TSCĐ này, không tính khấu hao TSCĐ vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bộ Tài chính ban hành thông tư gỡ vướng cho sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ... |
Ba là, Thông tư 67 hướng dẫn rõ hơn việc xác định thuế thu nhập doanh nghiệp đối với trường hợp trích lập Quỹ trong thời gian doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và có nhận điều chuyển Quỹ KH&CN từ doanh nghiệp khác
Tại điểm b khoản 4 Điều 4 Thông tư 67 hướng dẫn trường hợp doanh nghiệp có trích Quỹ trong thời gian đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, có nhận điều chuyển Quỹ từ doanh nghiệp khác (doanh nghiệp điều chuyển), nếu doanh nghiệp sử dụng không đúng mục đích hoặc không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% đối với số Quỹ đã trích và nhận điều chuyển, thì số thuế thu nhập doanh nghiệp thu hồi được xác định đối với từng trường hợp cụ thể.
Cụ thể là trong các trường hợp: doanh nghiệp trích Quỹ được hưởng ưu đãi và doanh nghiệp điều chuyển cũng được hưởng ưu đãi; trường hợp doanh nghiệp trích Quỹ được hưởng ưu đãi và doanh nghiệp điều chuyển không được hưởng ưu đãi; Việc xác định số tiền nhận điều chuyển sử dụng không đúng mục đích, chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% được phân bổ theo tỷ lệ giữa số tiền nhận điều chuyển với số Quỹ trong kỳ tính thuế (bao gồm cả số trích Quỹ và số tiền nhận điều chuyển).
Theo Tổng cục Thuế, nội dung này giúp cho doanh nghiệp dễ dàng trong việc xác định nghĩa vụ thuế đối với phần Quỹ không sử dụng hết trong từng trường hợp cụ thể khi doanh nghiệp trích Quỹ trong thời gian đang được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và có nhận điều chuyển Quỹ từ doanh nghiệp khác.
Bốn là, Thông tư 67 làm rõ hơn một số nội dung đảm bảo việc hiểu chính sách được thống nhất, ví dụ khoản trích Quỹ được thực hiện hằng năm và sau 05 năm kể từ khi trích Quỹ mới xác định khoản Quỹ trích trước đó 05 năm đã được sử dụng hết chưa.
Theo đó, nếu chưa sử dụng hoặc chưa sử dụng hết 70% số Quỹ đã trích mới xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số tiền Quỹ chưa sử dụng này.
Chỉ 1/1000 DNNN trích lập Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ, 80% không sử dụng
Liên quan đến việc trích lập và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, đặc biệt là ở doanh nghiệp nhà nước (DNNN) - như người viết từng đề cập, vấn đề này đang còn không ít tồn tại, hạn chế.
Theo ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), có lẽ Việt Nam là quốc gia duy nhất mà Quỹ này được thành lập ở cả 3 cấp: cấp Trung ương, cấp bộ ngành, tỉnh và cấp doanh nghiệp.
Ông Lai nhận định: "Điều này dẫn đến nguồn lực có thể bị phân tán". Thêm vào đó, từ 2014 đến nay, các DNNN phải trích lập từ 3-10% thu nhập thuộc diện chịu thuế phát sinh trong năm để thành lập quỹ này, tuy nhiên "trình tự, thủ tục giải ngân của quỹ hết sức khó khăn".
Ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc SCIC. |
Chia sẻ một kết quả nghiên cứu của một cơ quan chức năng, ông Lai cho biết: Từ 2011 đến 2019, số lượng DNNN trích lập quỹ này chỉ chiếm rất nhỏ, chỉ khoảng 1/1000. Đáng chú ý, trong số 1/1000 đó, có đến 80% doanh nghiệp không sử dụng đến quỹ.
Thêm vào đó, phần lớn số tiền trích lập ở thời điểm trên lại rơi vào 10 doanh nghiệp lớn chiếm 16 nghìn tỷ trong tổng số 22 nghìn tỷ đã trích lập. Và trong số 10 doanh nghiệp đã nêu, tỷ lệ sử dụng quỹ cũng chỉ khoảng 30%.
"Điều này cho thấy còn một khoảng cách nhất định giữa mục tiêu trích lập quỹ với yêu cầu thực tế", ông Lai bình luận và cho rằng cần có cơ chế chính sách để tháo gỡ và giải phóng nguồn lực đang tồn đọng tại các Quỹ phát triển KH&CN này.
Liên quan đến câu chuyện trên, tại Diễn đàn Techfesh cuối năm 2021, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhận định, cơ chế hiện nay đang coi việc quản lý Quỹ 10% lợi nhuận trước thuế của DNNN để phát triển KH&CN như quản lý ngân sách nhà nước. Do đó các doanh nghiệp có tâm lý e ngại vì "khó" làm.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng. |
Trước thực tế này, vào thời điểm trên, ông Trần Văn Tùng tiết lộ, Bộ KH&CN đang ngồi lại với Bộ Tài chính để xem xét kỹ vấn đề còn vướng mắc, từ đó thay đổi thông tư.
"Về mặt quản lý thì chỉ là thay đổi thông tư nhưng trên thông tư còn có Luật ngân sách do đó chúng ta phải xem xét lại rất kỹ vấn đề còn vướng mắc để ra thông tư phù hợp mà từ đó doanh nghiệp có thể sử dụng Quỹ", ông Tùng nêu quan điểm.
Mặc khác, theo ông Tùng, mong muốn của Bộ KH&CN là khi sử dụng, tiền ngân sách chỉ chiếm 1 phần, còn 2 phần nữa phải từ chính doanh nghiệp.
"Khi chúng ta có tỷ lệ nhà nước bỏ ra 1, doanh nghiệp và xã hội bỏ ra 2 phần thì từ đó mới có thêm nguồn lực để đầu tư vào KH&CN trong tương lai", Thứ trưởng Tùng nói.