Chủ tịch Nam Việt (ANV) bán gần hết cổ phiếu
Bên trong nhà máy chế biến cá tra của Nam Việt - Ảnh: Nam Việt |
Ông Đỗ Lập Nghiệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Nam Việt (mã ANV) thông báo đã bán khớp lệnh 450.000 cổ phiếu từ ngày 15/7-9/8. Sau giao dịch, ông Nghiệp chỉ còn nắm 19.000 cổ phiếu ANV, tương đương tỷ lệ sở hữu 0,01%.
Đáng chú ý, trong thời gian ông Nghiệp đăng ký bán ra cổ phiếu, mã ANV đã có sự hồi phục gần 10% sau khi giảm khoảng 35% kể từ mức đỉnh 63.700 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên 17/6). Chốt phiên ngày 9/8, cổ phiếu ANV ở mức 49.850 đồng/cổ phiếu, tạm tính theo mức giá này, ông Đỗ Lập Nghiệp có thể đã thu về 22,4 tỷ đồng.
Về hoạt động kinh doanh, trong quý 2/2022, Nam Việt ghi nhận doanh thu đạt 1.295 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt gần 241 tỷ đồng, tăng 914% so với cùng kỳ.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu đạt 2.514 tỷ đồng, tăng 41,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế hơn 447 tỷ đồng, tăng 411% so với cùng kỳ.
Trong năm 2022, Nam Việt đặt kế hoạch tổng doanh thu 4.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 510 tỷ đồng, công ty hoàn thành 51,3% kế hoạch doanh thu và 51% mục tiêu lợi nhuận năm.
Dù đạt được kết quả tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm, tuy nhiên, xuất khẩu cá tra đã tăng trưởng chậm lại từ cuối quý 2/2022. Điều này sẽ khiến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp cá tra nói chung và Nam Việt nói riêng có khả năng sụt giảm những tháng cuối năm trong bối cảnh lạm phát tăng cao trên toàn cầu, đặc biệt là tại Mỹ - thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho biết, giá cá tra đang giảm từ vùng đỉnh, giá cá tra nguyên liệu đã giảm từ 32.000 đồng/kg về 29.000 đồng/kg. Kết hợp thêm yếu tố lạm phát tăng cao tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ hay EU làm ảnh hưởng tới sức cầu tiêu thụ. Agriseco nhận định nhiều khả năng tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành thủy sản đã bước qua đỉnh của chu kỳ.
Tương tự, đội ngũ phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng dự báo giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ giảm về lượng xuất khẩu trong khi giá xuất khẩu vẫn ở mức cao.
VDSC cho rằng xuất khẩu cá tra trong quý 3/2022 sẽ chậm lại so với quý 2/2022 trước khi dần phục hồi trong quý 4/2022 do lượng hàng tồn kho cao được tiêu thụ dần và đơn đặt hàng sẽ tăng trở lại để chuẩn bị cho lễ hội cuối năm, nhưng khó có thể trở lại mức đỉnh của quý 2/2022.
Theo VDSC, xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ giảm đáng kể về lượng trong khi giá bán vẫn ở mức cao do lạm phát lương thực toàn cầu cao. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc có thể hồi phục do gỡ bỏ chính sách tạm ngừng nhập khẩu đối với thực phẩm đông lạnh nhiễm COVID-19. Nhu cầu cá tra ở Trung Quốc đang dồi dào sau hai năm giảm nhập khẩu.
Do đó, VDSC kỳ vọng sự gia tăng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc có thể bù đắp một phần cho sự sụt giảm của thị trường Mỹ và các công ty có thị trường xuất khẩu chính sang Trung Quốc có thể được hưởng lợi.
Trong khi xuất khẩu cá tra đặc biệt là mặt hàng phi lê cá tra được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng thì xuất khẩu tôm và cá ngừ có khả năng gặp khó khăn khi tình hình lạm phát cao kỷ lục tại hầu hết các thị trường lớn trên thế giới và thẻ vàng IUU sẽ làm ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ trong các tháng cuối năm.