Phối cảnh dự án Astral City Bình Dương |
Phát Đạt bán Astral City cho 4 công ty có liên quan giới chủ Danh Khôi
Ngày 22/6, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 192,3 triệu cổ phần, tương đương 99,86% vốn điều lệ của CTCP Địa ốc Sài Gòn – KL (Sài Gòn – KL) – chủ đầu tư dự án Astral City tại Bình Dương.
Thương vụ được kỳ vọng sẽ mang về 3.350 tỷ đồng cho Phát Đạt, cùng với khoản lợi nhuận đáng kể dự kiến ghi nhận trong quý 3 và quý 4.
Việc chuyển nhượng cổ phần doanh nghiệp dự án Astral City khả năng được hoàn tất ngay trong tháng 6. Cụ thể, tại ngày 24/6, toàn bộ 100% vốn điều lệ của Sài Gòn – KL đã được nắm giữ bởi 4 pháp nhân mới, bao gồm: công ty TNHH Bất động sản Lyra (25% vốn điều lệ), công ty TNHH Bất động sản Orion (21% vốn điều lệ), công ty TNHH Bất động sản Vega (28% vốn điều lệ) và công ty TNHH Bất động sản Gemini (26% vốn điều lệ).
Trên báo cáo tài chính quý 2, Phát Đạt cũng ghi nhận khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn lên đến 1.783,1 tỷ đồng từ 4 pháp nhân trên. Trong đó, Lyra trả trước 837,5 tỷ đồng, Orion trả trước 703,5 tỷ đồng, Vega trả trước 200 tỷ đồng và Gemini trả trước 42,1 tỷ đồng.
Lyra, Orion, Vega và Gemini mới được thành lập ít tuần trước khi HĐQT Phát Đạt chốt phương án bán dự án Astral City, đều đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại TP.HCM, và có nhiều mối liên hệ với giới chủ CTCP Tập đoàn Danh Khôi (NRC).
Nutifood gia nhập cuộc đua thâu tóm Vinasoy
Với vị thế đầu ngành (chiếm hơn 80% thị phần sữa đậu nành đóng hộp) lại có cơ cấu cổ đông phân mảnh nên từ lâu Đường Quảng Ngãi (QNS) được nhiều tổ chức đầu tư, tập đoàn hàng tiêu dùng đưa vào tầm ngắm M&A, trong đó có Nutifood.
Đến ngày 2/8, nhóm Nutifood chính thức lộ diện khi Nutifood Bình Dương công bố mua thêm 2 triệu cổ phiếu, qua đó cùng Nutifood sở hữu tổng cộng 19 triệu cổ phiếu, trở thành nhóm cổ đông lớn sở hữu 5,33% cổ phần của QNS.
Dù tỷ lệ sở hữu vẫn còn khá thấp nhưng có thể thấy đây là một tín hiệu có thấy Nutifood muốn có những bước đi mới tại Đường Quảng Ngãi. Cách đây một năm, một công ty chứng khoán lớn với nhiều khoản đầu tư lớn vào lĩnh vực hàng tiêu dùng cũng cho biết đang nắm giữ khoảng 4% cổ phần QNS. Điều này cho thấy nhiều tổ chức lớn vẫn đang âm thầm chạy đua để có được một tiếng nói đáng kể tại cuộc đua gia tăng sở hữu tại đây.
Về phần Nutifood, không khó để lý giải nếu như đơn vị này thực sự muốn nhanh chân thâu tóm Đường Quảng Ngãi, cụ thể là Vinasoy. Liên tục phải chịu sức ép cạnh tranh từ “ông lớn” Vinamilk trong việc trực tiếp giành thị phần ở phân khúc cao cấp khi mức sống người dân tăng lên, thay vì cạnh tranh trực tiếp, thâu tóm Đường Quảng Ngãi được cho là phương án tối ưu, là mảnh ghép lý tưởng cho mục tiêu mở rộng thị phần và đa dạng sản phẩm của Nutifood.
NVT Holdings chi gần 1.200 tỷ đồng để nắm quyền chi phối NVT
CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (NVT) thông báo ngày 2/8, Công ty TNHH NVT Holdings đã trở thành cổ đông lớn của NVT với tỷ lệ sở hữu đạt 24,9% sau khi mua 22,58 triệu cổ phiếu NVT. Trước đó, đơn vị này không sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào của Ninh Vân Bay.
Đến ngày 5/8, NVT Holdings đã mua tiếp 56,85 triệu cổ phiếu NVT, nâng lượng nắm giữ lên 79,43 triệu đơn vị, chiếm 87,8% vốn điều lệ.
Tổng cộng từ ngày 2-5/8, NVT Holdings đã chi gần 1.200 tỷ đồng để gom cổ phiếu NVT và trở thành cổ đông nắm quyền chi phối tại đây.
Trước đó, tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, các cổ đông NVT đã chấp thuận cho Công ty TNHH NVT Holdings mua lại cổ phiếu từ 16 cổ đông hiện hữu để đạt hoặc vượt mức 25%, 35%, 45%, 55%, 65% và 75% số cổ phiếu có quyền biểu quyết mà không phải chào mua công khai.
NVT Holdings mới được thành lập vào tháng 3 năm nay với vốn điều lệ đạt 1.287 tỷ đồng, thành viên góp vốn gồm ông Phạm Thành Thái Lĩnh (48,45%), ông Nguyễn Anh Tuấn (24,9%), ông Đỗ Hoàng Dương (25%), bà Đặng Thị Ngọc Hân (1,55%).
Đầu tư Thành Thành Công đăng ký bán hơn 3 triệu cổ phiếu GEG
CTCP Đầu tư Thành Thành Công, đơn vị có liên quan đến bà Nguyễn Thái Hà, Tổng giám đốc CTCP Điện Gia Lai (GEG ) đăng ký bán 3,24 triệu cổ phiếu GEG. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh từ ngày 16/8 đến 14/9.
Nếu giao dịch thành công công ty sẽ giảm lượng nắm giữ từ 57,3 triệu cổ phiếu GEG (tỷ lệ 17,8%) xuống 54,05 triệu đơn vị (tỷ lệ 16,79%). Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/8, cổ phiếu GEG ở mức 22.100 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo mức giá này, Đầu tư Thành Thành Công sẽ thu về gần 72 tỷ đồng.
Trước đó, CTCP Khu công nghiệp Thành Thành Công, đơn vị có liên quan đến Thành viên HĐQT độc lập Nguyễn Thùy Vân, đăng ký bán 2,3 triệu cổ phiếu GEG từ ngày 4/8 đến 31/8 theo phương thức giao dịch thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh, giảm lượng nắm giữ xuống 10,04 triệu đơn vị, chiếm 3,12% vốn.
DIC Corp sẽ mua lại 22,5 triệu cổ phần của DIC Phương Nam
Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã DIG) vừa thông qua nghị quyết về việc mua lại 22,5 triệu cổ phần của Đầu tư Phát triển Phương Nam (DIC Phương Nam) từ công ty con là Du lịch DIC (DIC Hospitality).
Số cổ phần mua chiếm 43,3% vốn điều lệ của DIC Phương Nam. Với giá mua là 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến tổng số tiền mà DIC Corp sẽ chi ra là 225,4 tỷ đồng, được thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, bù trừ công nợ,… và sẽ trả chậm đến năm 2023.
DIC Phương Nam được thành lập vào năm 2007, có trụ sở chính tại số 15 Thi Sách, phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện đơn vị này đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn và du lịch nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn đang sở hữu tổ hợp khách sạn 5 sao Pullman và trung tâm hội nghị triển lãm Quốc tế tại Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng.