Ảnh minh họa |
Tập đoàn JERA Nhật Bản và JERA Asia vừa thông báo đầu tư 15 tỷ Yen (khoảng 112 triệu USD) vào CTCP Điện Gia Lai (mã GEG) với mục đích khai thác nhu cầu điện đang gia tăng ở Việt Nam và thúc đẩy các nỗ lực cắt giảm khí thải carbon, tờ Nikkei đưa tin.
Theo đó, JERA Asia sẽ nhận chuyển nhượng phần vốn góp từ IFC - Công ty Tài chính Quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Đầu tư Năng lượng Tái tạo Armstrong Asset Management để sở hữu 35,1% cổ phần tại GEG.
Theo tờ Nikkei Asia, thương vụ này diễn ra trong bối cảnh JERA đặt mục tiêu tăng sản lượng điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái sinh lên 5.000 MW vào năm 2025. Việc mua cổ phần của GEC sẽ giúp bổ sung thêm 190 MW điện tái sinh cho JERA, giúp nâng tổng công suất phát điện tái sinh của công ty này lên 1.900 MW.
Điện Gia Lai hiện đang sở hữu các nhà máy thủy điện, năng lượng mặt trời và điện gió với tổng công suất phát điện khoảng 600 MW. Sau khi mua lại cổ phần, JERA đặt mục tiêu tăng sản lượng điện sản xuất của Điện Gia Lai lên 1.700 MW vào năm 2025.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2022 của Điện Gia Lai, tính đến ngày 30/6, AVH Pte. Ltd. đang là cổ đông lớn nhất tại công ty nắm giữ 20,76% cổ phần và International Finance Corporation là cổ đông lớn thứ ba với 13,74% cổ phần.
Cơ cấu cổ đông tại GEG tính đến 30/6/2022 - Nguồn: BCTC quý 2/2022 của GEG
Trong diễn biến liên quan, CTCP Đầu tư Thành Thành Công mới đây đăng ký bán hơn 3,2 triệu GEG để giảm tỷ lệ tại đây từ 17,8% xuống 16,79%. Giao dịch dự kiến diễn ra từ 16/8 đến 14/9.
Trước đó, hồi tháng 4, ông Đặng Văn Thành đã bán toàn bộ 11,6 triệu cổ phiếu GEG (tương ứng tỷ lệ 3,83%) đang sở hữu. Gần đây nhất, CTCP Khu công nghiệp Thành Thành Công cũng đăng ký bán 2,3 triệu cổ phiếu GEG từ 4/8 đến 31/8.
Chi phí lãi vay ăn mòn lợi nhuận, dự kiến phát hành 30,3 triệu cổ phiếu lấy tiền đầu tư
Theo báo cáo tài chính quý 2/2022 mới công bố, Điện Gia Lai cho biết doanh thu thuần quý 2 đạt 506 tỷ đồng, tăng 58% chủ yếu nhờ các nhà máy điện gió đã đi vào vận hành thương mại.
Trong cơ cấu doanh thu, 12 nhà máy thủy điện đóng góp 168 tỷ đồng, chiếm 17% doanh thu toàn hệ thống; 5 nhà máy điện mặt trời cùng 34 hệ thống áp mái đóng góp 439 tỷ, chiếm 44% doanh thu và 3 nhà máy điện gió 130 MW đóng góp 390 tỷ đồng, chiếm 39% doanh thu.
Tuy nhiên, do giá vốn tăng và đặc biệt là chi phí tài chính, trong đó chi phí lãi vay tăng 64% lên 145 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp giảm 46,7%, còn 39 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, công ty đạt doanh thu 1.076 tỷ đồng và lãi sau thuế 213 tỷ đồng, lần lượt tăng 72% và 42% so với cùng kỳ. Như vậy, công ty đã hoàn thành 57% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trong 3 năm kinh doanh gần nhất (2019-2021) doanh thu của Điện Gia Lai lần lượt đạt 1.159 tỷ đồng, 1.493 tỷ đồng và 1.381 tỷ đồng, tăng trưởng trong năm 2020 nhưng lại đi xuống trong năm 2021. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của công ty không ghi nhận tăng trưởng trong suốt ba năm, thậm chí còn giảm từ 304 tỷ đồng trong năm 2019 xuống 287 tỷ đồng năm 2021.
Trong năm 2021, tổng tài sản của GEG đã tăng mạnh so với năm 2020, từ mức 7.773 tỷ đồng lên 12.472 tỷ đồng, tuy nhiên, phần tăng chủ yếu lại đến từ nợ phải trả, tăng gấp đôi từ 4.305 tỷ đồng lên 8.734 tỷ đồng, chiếm 2/3 cơ cấu tài sản.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng tài sản của GEG tăng nhẹ so với cuối năm ngoái lên 12.673 tỷ đồng, đến từ sự tăng trưởng của tài sản dài hạn dở dang với các dự án đang hoàn thiện. Tổng nợ vay tính đến cuối tháng 6 giảm còn 7.204 tỷ đồng, hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu đã cải thiện đáng kể khi giảm 4% so với đầu năm.
Với nợ vay và chi phí lãi vay khá lớn, Điện Gia Lai đang tính đến phương án phát hành thêm cổ phiếu để lấy nguồn vốn đầu tư cho các dự án.
Theo đó, công ty đã thông qua phương án phát hành mới 30,37 triệu cổ phiếu dành cho các cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành 1.000:94, tương đương mỗi cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ được mua 94 cổ phiếu mới. Giá phát hành dự kiến là 14.000 đồng/cổ phiếu, thời gian phát hành trong năm 2022 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Nếu đợt phát hành thành công vốn điều lệ của GEG sẽ tăng từ 3.219 tỷ đồng lên 3.523 tỷ đồng.
Theo kế hoạch của ban lãnh đạo GEG, số vốn 425 tỷ đồng huy động được từ đợt phát hành cổ phiếu sẽ được sử dụng để góp vốn vào CTCP năng lượng điện gió Tiền Giang nhằm triển khai đầu tư dự án Nhà máy điện Tân Phú Đông 1. Thời gian góp vốn dự kiến trong quý 4/2022 tới.
Trong chiến lược phát triển, GEG đang tiếp tục tìm kiếm và M&A các dự án từ thuỷ điện, đến năng lượng tái tạo phù hợp với tiêu chí đầu tư, nhằm mở rộng và phát triển danh mục.
Tính đến 30/6, GEG đã đưa vào vận hành 21 nhà máy năng lượng tái tạo với công suất gần 600 MW tại 14 tỉnh thành với tổng mức đầu tư các dự án trên 11.100 tỷ đồng. Thị phần GEG tại Việt Nam vào khoảng gần 1% và dự kiến tăng lên 5% vào năm 2030, theo đánh giá phân tích của VNDirect.
Với chiến lược đa dạng hóa các loại hình năng lượng tái tạo, GEC bắt đầu khởi động mở rộng sang điện gió ngoài khơi, điện rác và điện sinh khối. Tỷ lệ công suất năng lượng tái tạo trong Quy hoạch điện VIII là 34% và 52% đến năm 2030 và 2045 theo rà soát dự thảo vào tháng 7 của Bộ Công Thương.