Công ty TNHH FLC Samson Golf & Resort bị điểm danh nợ 22 tháng BHXH
Tháo gỡ khó khăn thanh toán bảo hiểm y tế, bảo đảm thuốc và trang thiết bị y tế |
Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hoá đã có báo cáo mới nhất gửi chủ tịch UBND tỉnh nêu tên nhiều doanh nghiệp và đơn vị hành chính sự nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, tình trạng nợ, chậm đóng BHXH tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người lao động.
Theo đó, tính đến ngày 31/12/2022, tỉnh Thanh Hoá có 3.383 mã đơn vị nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm tự nguyện (BHTN) với tổng số tiền là 466,621 tỷ đồng.
Trong đó khối doanh nghiệp có 3.024 đơn vị với số tiền nợ là hơn 439 tỷ đồng. Thậm chí, các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN có 134 đơn vị hiện nay không còn lao động tham gia đóng bảo hiểm nhưng có tổng số tiền nợ là hơn 9,2 tỷ đồng.
Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hoá đã có báo cáo nêu tên 3.024 doanh nghiệp và đơn vị hành chính sự nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.Ảnh minh hoạ |
Các doanh nghiệp có số lao động nhiều, số tiền nợ lớn và thời gian kéo dài bị BHXH tỉnh Thanh Hoá nêu tên gồm: Công ty TNHH FLC Samson &Resort có 862 lao động nợ 22 tháng với số tiền hơn 18,8 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Thanh Hoá có 50 lao động nợ 79 tháng với số tiền hơn 15,4 tỷ đồng; Công ty cổ phần Lilama 5 có 70 lao động nợ 52 tháng với số tiền gần 15 tỷ đồng.
Ngoài ra, rất nhiều doanh nghiệp liên tục năm nào cũng bị "bêu tên" nhưng vẫn khó đòi. Đó là Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Long, nợ hơn 7,6 tỉ đồng; Công ty CP Xây dựng Hancorp.2, nợ hơn 37,5 tỉ đồng; Công ty CP Đầu tư xây dựng Công trình giao thông 838, nợ hơn 6,6 tỉ đồng…
Trong khối hành chính sự nghiệp cũng xảy ra tình trạng nợ BHXH tương tự, có 359 đơn vị nợ hơn 7,4 tỷ đồng tiền bảo hiểm. Một số đơn vị được kể tên như: Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng TP Thanh Hóa nợ 25 tháng với số tiền hơn 3,5 tỉ đồng; Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, TP Thanh Hóa nợ 12 tháng với số tiền 317 triệu đồng; Đoàn Quy hoạch và Thiết kế thủy lợi Thanh Hóa nợ 4 tháng với số tiền 136 triệu đồng…
Cũng theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hoá, nguyên nhân của tình trạng nợ, chậm đóng bảo hiểm trên là do hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp còn khó khăn. Một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định trong việc thu, nộp bảo hiểm, chưa phối hợp với cơ quan bảo hiểm hoặc cam kết lộ trình trả nợ nhưng không thực hiện.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nợ số tiền bảo hiểm lớn có doanh nghiệp hiện chỉ còn ít lao động hoặc không còn văn phòng giao dịch, hoạt động tại Thanh Hoá.
Hiện Thanh Hóa vẫn chưa khởi kiện được doanh nghiệp nào, chỉ mới dừng lại ở việc xử phạt hành chính. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là sự bất cập, thiếu thống nhất trong các quy định của pháp luật. Việc khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH chịu sự chi phối của 4 luật gồm: Luật Tố tụng Dân sự, Luật Công đoàn, Luật BHXH và Bộ Luật Lao động. Tuy nhiên, 4 luật này lại quy định thiếu thống nhất, thậm chí mâu thuẫn, tạo ra những cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong việc thụ lý các hồ sơ khởi kiện.
Việc giao quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH cho Công đoàn cơ sở theo quy định hiện hành bộc lộ một số bất cập còn vì hầu hết đội ngũ này đang hưởng lương từ chủ doanh nghiệp. Do vậy, rất ít người dám đứng ra khởi kiện chủ sử dụng lao động.
Thêm phương án với người lao động khi rút bảo hiểm xã hội một lần |