CTR đặt mục tiêu doanh thu 8.586 tỷ, phát triển mạnh về xây dựng công trình
Sáng 22/4, Tổng công ty cổ phần Công trình Viettel (Viettel Construction, mã CTR) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.
Phát biểu tại đại hội, ông Phạm Đình Trường, Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc CTCP Công trình Viettel cho biết, mục tiêu doanh thu đặt ra trong năm 2022 của CTR là 8.586 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế ở mức 413,8 tỷ đồng, tăng 10,3 % so với năm 2021. Tỷ lệ trả cổ tức của CTR năm 2022 dự kiến ở mức 20%.
Trong đó, doanh thu của công ty mẹ đạt 7.607 tỷ đồng và lợi nhuận của công ty mẹ đạt 399,4 tỷ đồng, ROE đạt 29,5 %.
Đại hội cũng thông qua các hợp đồng ký với Tập đoàn Viettel về cung cấp dịch vụ đường dây, thuê bao và vận hành khai thác hệ thống viễn thông với tổng giá trị đạt 4.523 tỷ đồng, tương đương 61% doanh thu CTR và lợi nhuận 235 tỷ đồng, tương đương 51% lợi nhuận gộp của Tổng công ty.
CHIA CỔ TỨC 10% BẰNG TIỀN MẶT, 23,1% BẰNG CỔ PHIẾU, BẦU BỔ SUNG 2 THÀNH VIÊN HĐQT
Cũng tại đại hội, cổ đông đã thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2021 với 10% bằng tiền mặt và 23,1% bằng cổ phiếu. Để trả cổ tức bằng cổ phiếu, CTR cũng phát hành thêm 21.465.414 cổ phiếu (tương đương 23,1% tổng số cổ phần hiện có).
Tỷ lệ thực hiện 1.000:231 (mỗi cổ đông sở hữu 1.000 cổ phần tại ngày chốt danh sách cổ đông sẽ được thưởng thêm 231 cổ phần mới). Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của CTR.
Tại ĐHĐCĐ năm nay, cổ đông CTR cũng bầu bổ sung 2 thành viên Hội đồng quản trị, nhiệm kỳ 2020-2025. Hai thành viên mới của HĐQT CTR là ông Đỗ Mạnh Hùng và ông Nguyễn Quang Khải.
Trước đó, CTR đã nhận được đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Thanh Nam, Chủ tịch HĐQT do bận công tác tại Tập đoàn Viettel và ông Bùi Thế Hùng, Thành viên HĐQT do bận công tác tại đơn vị khác.
CTR SẼ ĐẦU TƯ THÊM CÁP QUANG VÀ CHO VIETTEL THUÊ LẠI
Trả lời câu hỏi của cổ đông về chiến lược kinh doanh năm 2022 và các năm tiếp theo, ông Phạm Đình Trường cho biết, với mảng kinh doanh cốt lõi là đầu tư hạ tầng và vận hành khai thác, trong năm 2022, CTR sẽ có 2 chiến lược đầu tư chính là việc bổ sung trạm viễn thông tần số 5G để cho thuê và đầu tư cáp quang để cho Tập đoàn Viettel thuê lại.
Ông Trường chia sẻ, hệ thống hạ tầng 5G của Việt Nam chưa phát triển, phải đến cuối năm nay mới bước vào giai đoạn đầu tư và hoàn thiện. CTR đặt mục tiêu là doanh nghiệp hàng đầu về cho thuê và vận hành hệ thống trạm viễn thông.
Hiện CTR đã chuẩn bị cho việc đầu tư hạ tầng để sẵn sàng cho giai đoạn "bùng nổ" 5G. Với tần số 5G, hạ tầng viễn thông cần lượng trạm small cell lớn, rải rác khắp cả nước, giá trị của trạm 5G cũng ít nhất gấp đôi so với trạm 4G.
Do đó, CTR đã chuẩn bị sẵn sàng về nhân sự, nguồn vốn, kinh nghiệm đầu tư và vận hành hệ thống để đầu tư hạ tầng 5G, chỉ còn chờ quy hoạch từ Chính phủ và nhu cầu từ các nhà mạng.
Với mảng là đầu tư cáp quang, CTR hiện đang cho VNPT thuê hàng nghìn Km cáp quang kết nối và sắp tới sẽ đầu tư thêm để cho Tập đoàn Viettel thuê, ông Trường thông tin.
XÂY DỰNG MỚI LÀ MẢNG KINH DOANH "MÀU MỠ" TRONG TƯƠNG LAI
CTR cũng cho biết, doanh nghiệp đang tập trung phát triển mảng xây dựng B2C và B2B với toàn bộ dịch vụ từ xây dựng thô, lắp đặt thiết bị kỹ thuật và sắp tới là cả hoàn thiện nội thất.
"Điểm khác của Viettel với các doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng như: Conteccons hay Hoà Bình là họ mới chỉ có mảng xây dựng B2B còn CTR cung cấp cả mảng xây dựng B2C", ông Trường nói.
Mảng xây dựng B2C hiện chưa có một doanh nghiệp nào ở Việt Nam đủ lớn để phủ thị trường. CTR hiện đang phấn đấu trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này, ông Trường cho hay.
Lợi thế lớn nhất của CTR là sở hữu đội ngũ xây dựng thô và cả lắp đặt kỹ thuật như: Tư vấn, thiết kế, lắp đặt điện tử - điện lạnh – điện gia dụng; Thiết bị gia đình; Giải pháp camera, Nhà thông minh,… có khả năng hoàn thiện toàn nội thất và lắp đặt các thiết bị theo mô hình "chìa khoá trao tay" cho khách hàng.
Vì vậy, dù mảng xây dựng thô có biên lợi nhuận không lớn chỉ từ 3-5% nhưng mảng lắp đặt thiết bị và hoàn thiện nội thất phía sau lại có biên lợi nhuận lớn. Các công trình B2C, người dân cũng sẽ trả trước cho đơn vị thi công nên không phát sinh các vấn đề về vốn hay thanh toán chậm, ông Trường phân tích.
Bên cạnh đó, CTR có đội ngũ pháp chế, có thể kết nối với ngân hàng để hỗ trợ cho người dân về vấn đề xin giấy phép hay vay vốn ngân hàng. Mục tiêu của CTR trong năm 2022 là có ít nhất 1 công trình B2C tại mỗi xã. Hiện, CTR đã phủ được 12% số xã và trên 80% số quận,huyện trên cả nước.
Ngoài ra, CTR cũng đang phát triển cả mảng lắp đặt và vận hành khai thác hệ thống năng lượng mặt trời.