Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới lần này, giống lúa Phkar Rumdul, với thương hiệu “Cambodia Angkor malys” của Campuchia đã đoạt giải Gạo ngon nhất thế giới. Có lẽ gạo Campuchia lên ngôi vương lần này không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia và Ban tổ chức (BTC) cuộc thi, bởi sự hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết của loại gạo ngon nhất thế giới.
Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới nằm trong khuôn khổ Hội nghị Gạo thế giới do Tạp chí The Rice Trader tổ chức hàng năm. Năm nay Hội nghị này diễn ra từ ngày 15/11 – 17/11 tại Phuket Thái Lan.
![]() |
Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới lần thứ 14, gạo Campuchia lại được lên “ngôi vương” |
Ấn tượng với "chiêu" giới thiệu sản phẩm của Thái Lan
Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm nay ngoài sự lên ngôi vương của gạo Campuchia thì 638 doanh nghiệp, chuyên gia ngành gạo đến từ các nước châu Phi, Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Pakistan, các công ty logistics, giám định và thiết bị ngành gạo … có mặt tại Phuket đều tỏ ra thích thú với chiến lược tiếp thị gạo của nước chủ nhà Thái Lan.
Tại cuộc thi, Thái Lan đưa ra hàng chục loại gạo ngon của họ kèm theo bếp, nồi để nấu thành cơm, có thể mời các chuyên gia, doanh nghiệp dùng thử, tự cảm nhận độ ngon của từng loại gạo và sau đó quyết định mua.
Theo tờ Bangkok Post, ông Jurin Laksanawisi - Bộ trưởng Thương mại Thái Lan khẳng định, gạo Thái Lan là một trong những loại ngũ cốc có chất lượng tốt nhất thế giới, với các loại gạo của Thái Lan đã bảy lần giành chiến thắng trong số 13 cuộc thi trước.
Một chuyên gia ngành gạo Việt Nam đang có mặt tại Phuket cho biết, đối với loại gạo ngon đoạt giải nhất cuộc thi thì chỉ có các đầu bếp, các chuyên gia ngành gạo và ban tổ chức ăn thử, các doanh nghiệp là nhà mua không ai biết nó ngon như thế nào. Chúng ta luôn mong muốn gạo của đất nước mình đoạt giải cũng là mong muốn bán được nhiều gạo, và cách mà Thái Lan tiếp thị gạo của họ đến các thương nhân mua gạo trên toàn cầu là rất hay, vì khi được dùng thử người mua cảm thấy vừa ý với loại gạo nào đó họ sẽ xem xét ký hợp đồng mua ngay, vì họ biết mình sẽ mua được loại gạo có chất lượng như thế nào.
“Đây là hình thức marketing gạo rất mới và rất hay tôi nghĩ Việt Nam mình cũng nên làm như vậy, vì sau khi dùng thử nhà nhập khẩu biết chính xác chất lượng gạo mà họ mua, với chiến lược marketing như vậy cho dù gạo Thái Lan không đoạt giải nhưng họ cũng đã thắng trong chiến lược tiếp thị gạo toàn cầu, và đưa gạo Thái Lan đến tận tay người mua mà không mất chi phí truyền thông”, Chuyên gia này nói.
Ông Hồ Quang Cua được trao tặng danh hiệu “Thành tựu trọn đời”
Nhằm tôn vinh sản phẩm gạo Việt Nam và thúc đẩy việc quảng bá sản phẩm gạo ngon Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã tổ chức cuộc thi Gạo ngon Việt Nam và đề cử đại diện Việt Nam đi thi giải Gạo ngon nhất thế giới.
Giải Nhất cuộc thi Gạo ngon Việt Nam năm nay thuộc về gạo TBR39 của Tập đoàn ThaiBinhSeed (tỉnh Thái Bình). Giải Nhì được trao cho gạo ST24 của DNTN Hồ Quang Trí và giải Ba thuộc về Lộc Trời 28 của Tập đoàn Lộc Trời. Đây là 3 loại gạo đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi Gạo ngon thế giới năm nay.
Tại cuộc thi này, gạo ST24, gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua cũng đăng ký tham dự. Mặc dù không đạt giải tại cuộc thi, nhưng ông Hồ Quang Cua được Ban tổ chức cuộc thi tặng danh hiệu “Thành tựu trọn đời”
![]() |
Ông Hồ Quang Cua được BTC cuộc thi trao tặng danh hiệu “Thành tựu trọn đời” |
Theo Ban tổ chức hội nghị Gạo thế giới, thị trường gạo 2022 tiếp tục bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng dường như ảnh hưởng nhiều hơn đến từ Trung Quốc. Bộ mặt thương mại gạo và ngũ cốc toàn cầu đã thay đổi vào tháng 2/2022, khi xảy ra cuộc chiến giữa Nga - Ukraine, và điều này dẫn đến nhiều thách thức hơn đối với thị trường ngũ cốc trên toàn cầu. Sự thống trị xuất khẩu của Ấn Độ tiếp tục đến năm 2022, nhưng thế giới đã chứng kiến hạn hán diễn biến phức tạp ở California, Trung Quốc, một đợt nắng nóng ở châu Âu và gần đây nhất là lũ lụt …. mang lại nhiều lo ngại về nguồn cung. Nhu cầu của Trung Quốc tiếp tục cho thấy cơ sở nhu cầu thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng đối với thương mại gạo toàn cầu, trong khi nhu cầu của Bangladesh có vẻ đã chậm lại vào đầu năm 2022, nhưng đã khởi động lại kể từ tháng 8/2022 khi các thỏa thuận G2G và đấu thầu mới đã thêm Bangladesh vào danh sách nhà mua tích cực trên thị trường gạo toàn cầu. Bên cạnh đó vẫn có những mặt tích cực, nhưng giá vận chuyển thấp hơn, lượng container sẵn có cải thiện, nhưng thị trường toàn cầu đang phải đối mặt với những suy thoái bao gồm lãi suất tăng, đồng đô la mạnh lên và do đó sức mua yếu hơn tạo thêm nhiều áp lực và thách thức đối với thị trường gạo toàn cầu. |