![]() |
Bất động sản là tài sản bị kê biên chủ yếu trong nhiều vụ án (Ảnh minh họa) |
Theo chương trình phiên họp thứ 15, ngày 15/9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cũng đã có báo cáo công tác năm 2022 gửi đến Quốc hội.
Tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng nhiều nhất
Về tình hình tội phạm, Viện trưởng Lê Minh Trí đánh giá, năm 2022 mặc dù đời sống xã hội dần trở lại bình thường, nhưng hậu quả của đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều mặt.
Đây là bối cảnh làm phát sinh nhiều tội phạm liên quan đến trật tự trị an, tài chính, y tế, tội phạm sử dụng công nghệ cao..., Viện trưởng nhìn nhận.
Trong bối cảnh đó, Viện trưởng cho biết ngành Kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng quyết liệt phát hiện và xử lý tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng, kinh tế, tội phạm có tổ chức, thao túng thị trường chứng khoán, bất động sản, tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao,…
Cơ quan chức năng đã khởi tố mới 66.844 vụ án hình sự, giảm 7.271 vụ so với năm 2021 (9,8%). Các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường giảm nhiều nhất, đã khởi tố 25.527 vụ, giảm 4.108 vụ (13,9%).
Bên cạnh một số vụ án có quy mô lớn trong lĩnh vực tài chính, năm 2022 cũng tiếp tục khởi tố nhiều vụ tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng Internet với quy mô rất lớn, điển hình là vụ án Nguyễn Văn Tú (TP.Hà Nội) cùng đồng phạm tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng Internet với tổng số tiền giao dịch khoảng 10.000 tỷ đồng; vụ Hồ Sỹ Nghĩa (TP.Hà Nội) cùng đồng phạm tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng Internet với tổng số tiền giao dịch khoảng gần 4.000 tỷ đồng...
Viện trưởng cũng cho biết một số loại tội phạm có số vụ khởi tố mới tăng như: tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng nhiều nhất, đã khởi tố mới 405 vụ, tăng 110 vụ (37,3%), chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, đầu tư các dự án; nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ xảy ra trong lĩnh vực y tế, giáo dục, ngoại giao.
“Đáng lưu ý, một số đối tượng có chức vụ thuộc cơ quan nhà nước đã cấu kết với một số doanh nghiệp lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để thực hiện hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt lớn và gây bất bình trong dư luận xã hội”, báo cáo của Viện trưởng nhấn mạnh.
Về công tác đấu tranh, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, lãnh đạo cao nhất ngành kiểm sát thông tin, năm 2022, ngành đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 473 nguồn tin tội phạm về tham nhũng, kinh tế; thông qua giải quyết, cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố 405 vụ án; đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 794 vụ/1.793 bị can; cơ quan điều tra đã giải quyết 421 vụ/988 bị can; thực hành quyền công tố, kiểm sát trong giai đoạn truy tố 416 vụ/1.095 bị can, đã giải quyết 353 vụ/893 bị can (đạt tỷ lệ 85%); thụ lý xét xử sơ thẩm 465 vụ/1.278 bị cáo, tòa án đã giải quyết 329 vụ/911 bị cáo.
Nhiều vụ án có tài sản thu hồi cao
Theo Viện trưởng, công tác giải quyết các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế tiếp tục đạt kết quả tích cực; đã khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã thực hiện nghiêm, hiệu quả những nhiệm vụ, yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra trong việc áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế.
Cụ thể, đã thu hồi hơn 9.293 tỷ đồng; thu 50.000 USD; phong tỏa 32.110.71 USD; kê biên 108 bất động sản và 159,565 cổ phần, cổ phiếu; 175 lượng vàng SJC; thu hồi 393.115,3 m2 đất…
Một số vụ án thu hồi tài sản cao, như: Vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối hộ, nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á, các bị can nhận hối lộ đã tự nguyện nộp số tiền hưởng lợi bất chính; cơ quan điều tra đã kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tổng tài sản thu hồi trị giá 1.400 tỷ đồng.
Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, cơ quan điều tra đã kê biên 09 bất động sản, 01 xe ô tô; phong tỏa tài khoản 05 tỷ đồng; các bị can đã nộp khắc phục 14,8 tỷ đồng.
Vụ án Nguyễn Văn Minh và đồng phạm phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất, xuất nhập khẩu Bình Dương, Tổng công ty đã nộp 452 tỷ đồng khắc phục hậu quả, ngoài ra Cơ quan điều tra còn thu giữ 5.000 USD; 08 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Bưu điện thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, bị can Vũ Thị Ngọc Anh, Kế toán trưởng và Phạm Thị Diễm, Thủ quỹ Bưu điện thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã tự nguyện khắc phục 48 tỷ đồng và cơ quan điều tra đã kê biên nhà, đất của bị can có trị giá khoảng 20 tỷ đồng...