Đồng loạt báo lãi lớn trong quý 2, lợi nhuận DN thủy sản đã đạt đỉnh
Xuất khẩu cá tra đặc biệt là cá tra phi lê được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm (Ảnh minh họa) |
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản cả nước trong quý 2/2022 đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,8 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 33%; xuất khẩu cá tra đạt 1,4 tỷ USD, tăng 83% so với nửa đầu năm 2021.
Diễn biến thuận lợi của thị trường đã giúp kết quả kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp thủy sản tiếp tục khởi sắc trong quý 2 với doanh thu, lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ.
Lợi nhuận VHC, ANV, IDI tăng trưởng bằng lần
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022, "nữ hoàng cá tra" Vĩnh Hoàn (mã VHC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.226 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ. Dù giá vốn cũng tăng so với cùng kỳ, song nhờ giá bán tăng mạnh hơn nên lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn tăng tới 154%, đạt 1.097 tỷ đồng.
Kết quả Vĩnh Hoàn báo lãi sau thuế quý 2 đạt 788 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ. Theo giải trình, lợi nhuận của công ty tăng mạnh trong kỳ là nhờ sản lượng và giá bán cá tra tăng mạnh trong thời gian qua.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn đạt doanh thu 7.494 tỷ đồng, tăng 81%; lãi sau thuế là 1.341 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm 2021.
Một doanh nghiệp thủy sản khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng ba chữ số trong quý 2 là CTCP Nam Việt (mã ANV). Trong kỳ, doanh thu thuần của Nam Việt đạt 1.295 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế (LNST) gần 241 tỷ đồng, cao gấp 10 lần cùng kỳ.
Tính chung nửa đầu năm, Nam Việt ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.513 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ và LNST đạt 447 tỷ đồng, cao gấp 5 lần cùng kỳ.
Tương tự, hai doanh nghiệp cá tra trên, CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia - IDI (mã IDI) cũng lãi lớn trong quý 2. Theo đó, công ty báo đạt doanh thu thuần 1.578 tỷ đồng, tăng 40,5% so với cùng kỳ và LNST tăng hơn 18 lần cùng kỳ năm ngoái, lên 203 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của IDI đạt 2.727 tỷ đồng, tăng 45,6%. Lãi sau thuế của công ty là 390 tỷ đồng, tăng 18,5 lần so với cùng kỳ.
Không lãi bằng lần như 3 doanh nghiệp trên, tuy nhiên, Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) – đơn vị thành viên Tập đoàn PAN cũng có quý 2 kinh doanh khởi sắc với doanh thu đạt 1.411 tỷ đồng, tăng 22%; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 114 tỷ đồng, tăng 50% và ghi nhận mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động.
Lũy kế 6 tháng, công ty ghi nhận doanh thu đạt 2.738 tỷ đồng và LNST 161 tỷ đồng, tăng lần lượt 29% và 42% so với cùng kỳ.
Theo giải trình, lợi nhuận của công ty tăng chủ yếu nhờ thu hoạch dứt điểm tôm tự nuôi vụ đầu tiên trong năm làm giá vốn giảm.
Một doanh nghiệp thủy sản khác thuộc Tập đoàn PAN là Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (mã ABT) cũng công bố kết quả kinh doanh đột biến trong quý 2 với doanh thu 178 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ và lãi sau thuế 32 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 1,1 tỷ cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, doanh thu của công ty đạt 312 tỷ đồng và LNST 39,5 tỷ đồng, đều gấp 2 lần cùng kỳ.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác trong ngành cũng ghi nhận mức tăng doanh số cao trong nửa đầu năm nay như Thủy sản Mekong (mã AAM) lãi 8,8 tỷ đồng trong quý 2, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 3 tỷ cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp chuyển từ lỗ 4,2 tỷ đồng sang lãi 10,9 tỷ đồng.
Hay Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long (ACL) dù doanh thu thuần quý 2 giảm 28% xuống 245 tỷ đồng nhưng lãi ròng đạt 33,7 tỷ đồng, gấp 3 lần mức lãi 11,2 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng, LNST của công ty đạt 96,3 tỷ đồng, gấp 4,4 lần mức 21,7 tỷ đồng cùng kỳ.
Lợi nhuận của doanh nghiệp thủy sản có thể hạ nhiệt trong nửa cuối năm
Có thể thấy nhờ những thuận lợi của ngành thủy sản trong nửa đầu năm, các doanh nghiệp thủy sản, đặc biệt là doanh nghiệp cá tra đã có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát tăng cao trên toàn cầu, đặc biệt là tại Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam - xuất khẩu thủy sản đang có dấu hiệu chậm lại trong vài tháng gần đây.
Doanh thu của Vĩnh Hoàn đã bắt đầu chậm lại từ tháng 6. |
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho biết, giá cá tra đang giảm từ vùng đỉnh, giá cá tra nguyên liệu đã giảm từ 32.000 đồng/kg về 29.000 đồng/kg. Kết hợp thêm yếu tố lạm phát tăng cao tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ hay EU làm ảnh hưởng tới sức cầu tiêu thụ. Agriseco nhận định nhiều khả năng tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành thủy sản đã bước qua đỉnh của chu kỳ.
Tương tự, đội ngũ phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng dự báo giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ giảm về lượng xuất khẩu trong khi giá xuất khẩu vẫn ở mức cao.
VDSC cho rằng xuất khẩu cá tra trong quý 3/2022 sẽ chậm lại so với quý 2/2022 trước khi dần phục hồi trong quý 4/2022 do lượng hàng tồn kho cao được tiêu thụ dần và đơn đặt hàng sẽ tăng trở lại để chuẩn bị cho lễ hội cuối năm, nhưng khó có thể trở lại mức đỉnh của quý 2/2022.
Xuất khẩu cá tra và tôm có dấu hiệu giảm tốc trong tháng 5 và tháng 6 |
Theo VDSC, xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ giảm đáng kể về lượng trong khi giá bán vẫn ở mức cao do lạm phát lương thực toàn cầu cao. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc có thể hồi phục do gỡ bỏ chính sách tạm ngừng nhập khẩu đối với thực phẩm đông lạnh nhiễm COVID-19. Nhu cầu cá tra ở Trung Quốc đang dồi dào sau hai năm giảm nhập khẩu.
Do đó, VDSC kỳ vọng sự gia tăng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc có thể bù đắp một phần cho sự sụt giảm của thị trường Mỹ và các công ty có thị trường xuất khẩu chính sang Trung Quốc có thể được hưởng lợi.
Trong khi xuất khẩu cá tra đặc biệt là mặt hàng phi lê cá tra được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng thì xuất khẩu tôm và cá ngừ có khả năng gặp khó khăn khi tình hình lạm phát cao kỷ lục tại hầu hết các thị trường lớn trên thế giới và thẻ vàng IUU sẽ làm ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ trong các tháng cuối năm.
Theo VASEP, trong tháng 6/2022, xuất khẩu tôm đã giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ sau 5 tháng tăng trưởng hai con số.
Giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ 6 tháng đầu năm đạt gần 483 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, riêng tháng 6 năm 2022, xuất khẩu sang Mỹ giảm 36% so với cùng kỳ trong khi thị trường EU và Nhật Bản vẫn ở mức cao.
Lạm phát cao ảnh hưởng đến hành vi chi tiêu của mọi người, họ sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn. Vì tôm được coi là một loại protein cao cấp nên nhu cầu của người tiêu dùng phần lớn khá ổn định. Việc Ấn Độ và Ecuador xuất khẩu ồ ạt tôm giá rẻ sang Mỹ cũng tạo ra tình trạng cung vượt cầu, gây áp lực cạnh tranh đối với tôm Việt Nam.
Theo dự báo của VASEP, sau tháng 9/2022, nhu cầu trên thị trường Mỹ sẽ tăng nhẹ để đáp ứng nhu cầu cho lễ hội cuối năm. Trong khi thị trường Nhật Bản và EU được cho là vẫn duy trì được nhu cầu ổn định.
Dự báo giá trị xuất khẩu tôm 6 tháng cuối năm 2022, VDSC cho rằng sản lượng có thể tăng chậm lại so với nửa đầu năm 2022. Trong bối cảnh đó, các công ty xuất khẩu sang thị trường EU hoặc Nhật Bản có thể duy trì kết quả kinh doanh tăng trưởng cao trong khi các công ty phụ thuộc vào thị trường Mỹ sẽ phải đối mặt với sự suy giảm của nhu cầu, từ đó có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2022.
Tuy nhiên, theo VDSC, yếu tố tích cực là lợi nhuận của các công ty sẽ không giảm đột ngột như giai đoạn 2018 - 2019 do nhu cầu vẫn ở mức cao trong bối cảnh thiếu thực phẩm toàn cầu. Lạm phát cao tiếp tục hỗ trợ giá bán thủy sản và nguồn cung nguyên liệu vẫn chưa phục hồi.