Giá gạo và "sự kiện Ấn Độ": Người trồng lúa chưa hẳn vui, doanh nghiệp Việt chưa vội ký mới
Từ nay đến cuối năm, giá gạo xuất khẩu dự báo còn tăng thêm nhưng tăng ở mức độ nào chưa thể đoán trước được |
Động thái hạn chế xuất khẩu gạo của Chính phủ Ấn Độ sẽ khiến các quốc gia trước đây nhập khẩu gạo của nước này chuyển sang mua gạo của Việt Nam hoặc Thái Lan và đặt hàng cho những tháng cuối năm. Từ đó, khả năng giá gạo xuất khẩu sẽ tăng thêm.
Tuy giá gạo Việt Nam đã tăng nhưng vẫn ở mức trung bình thấp so với mức xuất khẩu gạo trước đây.
Giá tăng, chưa hẳn đã cao
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Phước Thành IV cho biết, hiện giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên trên dưới 30 USD/tấn, được chào bán 430 USD/tấn, nhưng vẫn còn thấp hơn so với năm 2019, 2020 khi đó giá gạo 5% tấm xuất khẩu từ 520 - 530 USD/tấn.
Riêng giá gạo thơm cũng tăng lên mức 470 USD đến 480 USD/tấn, trong khi năm 2019 và 2020 có giá bán từ 570 USD đến 580 USD/tấn.
So với thời điểm hiện tại gạo xuất khẩu các loại của Việt Nam vẫn còn rẻ hơn khoảng 100 USD/tấn, và vẫn ở mức trung bình thấp so với giá xuất khẩu gạo trước đây nên chưa gọi là cao. Và xu hướng chung của các nhà nhập khẩu gạo bây giờ là ký hợp đồng có thời gian giao hàng từ 1 đến 3 tháng; từ nay đến cuối năm, giá gạo xuất khẩu dự báo còn tăng thêm nhưng tăng ở mức độ nào chưa thể đoán trước được.
Ông Thành cho rằng dù giá lúa gạo tăng nhiều hay ít thì người trồng lúa cũng không được hưởng lợi, vì phần lớn các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch xong vụ lúa Hè Thu phải chờ hai tháng nữa mới có vụ lúa mới, nhưng có nhiều nông dân đã “bán lúa non”, có còn chăng cũng đang nằm trong tay các thương lái hoặc các nhà máy xay xát.
“Việc Ấn Độ hạn chế gạo xuất khẩu sẽ giúp giá lúa vụ Thu Đông và vụ Đông Xuân sẽ tốt lên, tuy nhiên do thời gian qua giá lúa xuống thấp sản xuất thua lỗ có nhiều hộ đã bỏ không sản xuất vụ Thu Đông mà tập trung vốn đầu tư vụ Đông Xuân, vụ lúa chính trong năm”, ông Thành nói.
Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành lúa gạo, Giám đốc Phước Thành IV rút ra được nhiều điều. Ông cho rằng năm nào giá gạo xuống thấp nên hạn chế bán ra, bởi giá gạo đang ở thấp khi tăng thì tăng rất mạnh sẽ lỗ nặng, nhưng đang ở mức cao nếu có tăng cũng chỉ tăng nhẹ nên mức lỗ không lớn. Nhưng tốt hơn hết nên chuẩn bị chân hàng đầy đủ hãy ký hợp đồng.
Với tình hình giá hiện nay Phước Thành IV hạn chế ký hợp đồng mới, hoặc ký hợp đồng giao gần chứ không ký hợp đồng giao xa. Bên cạnh đó, công ty đang cố gắng đi cho hết các đơn hàng cũ và tập trung mua vào để đảm bảo đến cuối năm có đủ hàng.
“Chúng tôi đang hạn chế ký hợp đồng xuất khẩu, bởi khi giá gạo xuống thấp doanh nghiệp phải ký hợp đồng giá thấp.
Bán gạo giá thấp có rất nhiều rủi ro, vì giá tăng có thể tăng lên rất nhiều, còn ký hợp đồng bán gạo trong lúc thị trường đang cao thì khả năng lỗ rất thấp, vì giá đã cao rồi không thể lên cao nhiều hơn nữa được, còn giá đang thấp thì có thể tăng lên từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg gạo. Trong giai đoạn này công ty có thể kinh doanh không lợi nhuận nhiều nhưng chắc chắn không lỗ”, ông Thành chia sẻ.
Khi giá gạo xuất khẩu thấp, để đảm bảo lợi nhuận cho đơn vị, doanh nghiệp xuất khẩu gạo luôn tính giá thành đầu ra hạt gạo bán thấp thì mua lúa nông dân thấp, nên nông dân luôn là người chịu thiệt, còn những doanh nghiệp xuất khẩu gạo chẳng qua là khâu trung gian.
Giá tăng mới công bằng với người trồng lúa
Từ năm 2021- 2022 giá thuốc trừ sâu các loại tăng lên 30% có loại tăng lên 100%; giá phân bón cũng tăng mạnh, như phân urê tăng gấp 3 lần so với trước. Cộng giá thuê lao động, cơ giới nông nghiệp… tất cả đều tăng cũng như giá trị chung tất cả vật chất ngoài xã hội đều tăng nhưng giá lúa lại giảm, do giá gạo xuất khẩu giảm so với các năm trước.
“Nếu tính giá trị sản xuất để có thu nhập cho nông dân thì rõ ràng trong 10 năm qua giá trị tăng lên cho người trồng lúa chưa được một lần, trong khi hầu hết vật chất bên ngoài đều tăng lên trên một lần.
Những người lao động phổ thông bình thường ở các khu công nghiệp có thu nhập cao gấp đôi so với thu nhập của người trồng lúa, trong khi nông dân có công cụ sản xuất là ruộng đất, nên chưa thể nói là nông dân trồng lúa có mức sống tốt.
Vấn đề này không phải bây giờ mới có, tuy nhiên mức độ bất bình đẳng trong thu nhập của người nông dân càng trở nên sâu sắc hơn khi giá vật tư đầu vào sản xuất lúa tăng mạnh, nhưng giá lúa lại đi ‘ngược chiều’ với giá vật tư”, Giám đốc Công ty Phước Thành IV nói.
Hiện nay, lao động nông nghiệp ở nông thôn đang rất thiếu, nếu thu nhập của người nông dân không đảm bảo cho đời sống, họ sẽ bán ruộng đi hoặc cho thuê ruộng để đi làm công việc khác, như đến các khu công nghiệp để làm thuê khiến việc thiếu lao động nông nghiệp càng trở nên trầm trọng hơn.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào nâng thu nhập của người trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long để họ có đời sống tốt hơn, có như vậy họ mới yên tâm bám ruộng lâu dài, và giữ lại lực lượng lao động trẻ cho khu vực này.
Theo ông Thành, để giữ lại nguồn lao động trẻ ở lại nông thôn, nên chăng dịch chuyển các khu công nghiệp về nông thôn để những người trẻ vừa đi làm ở các nhà máy, và trong hai ngày cuối tuần họ có thể đi làm nông nghiệp hỗ trợ cho những người nông dân lớn tuổi đang bám ruộng?